Chuyên gia Freedom House phơi bày hoạt động của phòng 610 – Gestapo Trung Quốc

Chuyên gia Freedom House phơi bày hoạt động của phòng 610 – Gestapo Trung Quốc

Chuyên gia Freedom House phơi bày hoạt động của phòng 610 – Gestapo Trung Quốc

Chuyên gia Freedom House phơi bày hoạt động của phòng 610 – Gestapo Trung Quốc

Chuyên gia Freedom House phơi bày hoạt động của phòng 610 – Gestapo Trung Quốc
Chuyên gia Freedom House phơi bày hoạt động của phòng 610 – Gestapo Trung Quốc
Thứ năm, 26-12-2024 23:54, (GMT+07:00)
Chuyên gia Freedom House phơi bày hoạt động của phòng 610 – Gestapo Trung Quốc
05-11-2022 13:16

Sarah Cook là Giám đốc Nghiên cứu về Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan tại tổ chức nhân quyền Ngôi nhà Tự do (Freedom House). Cô cũng là tác giả trong nhiều báo cáo về nhân quyền châu Á của Freedom House, đặc biệt là về Trung Quốc trong các năm 2013, 2015, 2017, 2020. Cô là cây bút cho các tờ báo CNN, Wall Street Journal, Foreign Policy và các bình luận của cô xuất hiện trong báo cáo của Ủy ban Điều hành của Quốc hội Hoa Kỳ về các vấn đề Trung Quốc CECC. Bài viết dưới đây của Sarah Cook được đăng tải trên tạp chí Compassion số 6, mô tả chi tiết về cách chế độ cộng sản Trung Quốc tạo ra phòng 610, cơ chế hoạt động của nó và cách chế độ sử dụng nó như một tổ chức cảnh sát ngầm ngoài vòng pháp luật tại Trung Quốc.

Sarah Cook trong chương trình American Thought Leaders của The Epoch Times. (Ảnh: American Thought Leaders, Youtube)

Hầu hết mọi người, bao gồm cả các nhà hoạch định chính sách, biết rất ít hoặc không biết gì về tổ chức cực kỳ bí mật của Trung Quốc, phòng 610. Nhưng người ta đáng lẽ nên đặt nó lên vị trí quan tâm cao nhất, bởi nhiệm vụ của nó khi được thành lập là “tiêu diệt” Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Được thành lập vào ngày 10/6/1999, nó có tên là “6-10”, và đặc vụ của nó đã được trao quyền hạn phi thường để ép buộc, đe dọa và trừng phạt người khác, và họ thực thi quyền lực đó hàng ngày.

Các quan chức Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của tổ chức này. Các phương tiện truyền thông và học giả phương Tây hầu như không đề cập đến nó. Và các luật sư Trung Quốc so sánh nó với Gestapo của Đức Quốc Xã. Nó được gọi là Phòng 610, và nó là lực lượng cảnh sát đặc nhiệm ngoài vòng pháp luật chịu trách nhiệm tiêu diệt Pháp Luân Công.

Phòng 610 được thành lập mà không có nền tảng lập pháp, và cũng không điều luật nào phân định quyền hạn của nó. Nó được thành lập bởi cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và được công bố trong bài phát biểu của ông này trước các cán bộ ưu tú hơn một tháng trước khi Pháp Luân Công chính thức bị cấm tại Trung Quốc. Giang đã ra lệnh cho nó như thế nào? “Ngay lập tức tổ chức lực lượng”, “hình thành chiến lược chiến đấu” và “chuẩn bị đầy đủ cho công cuộc giải thể [Pháp Luân Công].”

Các bản sao bài phát biểu của Giang về Phòng 610 ngay lập tức được chuyển đến mọi cấp trong bộ máy hành chính của Trung Quốc, lệnh cho các quan chức rằng họ “phải hợp tác chặt chẽ” với Phòng 610 và các nhánh liên kết của nó. Bởi vì tất cả các thẩm phán Trung Quốc đều là đảng viên Đảng Cộng sản, nên về cơ bản, Giang đã đặt phòng 610 lên trên luật pháp, vi phạm Điều 5 của hiến pháp Trung Quốc.

Khi cường độ đàn áp gia tăng, người tập Pháp Luân Công lại càng quyết tâm tập luyện và yêu cầu chế độ thay đổi. Phản ứng của chế độ là trao cho phòng 610 càng nhiều quyền hạn hơn. Giang đã ra lệnh sử dụng “mọi phương tiện cần thiết”, một mệnh lệnh dẫn đến việc Phòng 610 trở nên khét tiếng nhất về việc sử dụng các hình thức tra tấn cực đoan.

Người tập Pháp Luân Công tới quảng trường Thiên An Môn thỉnh nguyện bị bắt giữ. (Ảnh: Faluninfo.net)

Cùng với việc đánh đập vào mặt và cơ thể bằng vật nặng, một số kỹ thuật tra tấn phổ biến nhất mà nhân viên 610 sử dụng hoặc giám sát thực hiện bao gồm cấm ngủ trong nhiều ngày và nhiều tuần, sốc điện vào các bộ phận cơ thể nhạy cảm cùng lúc bằng sáu dùi cui điện áp cao, giật đứt móng tay, và bức thực phân người.

“Hành động vô đạo đức đã làm tâm hồn tôi chấn động chính là việc nhân viên phòng 610 và cảnh sát thường xuyên tấn công vùng kín của phụ nữ”, luật sư nhân quyền Bắc Kinh, ông Cao Trí Thịnh viết sau cuộc điều tra vào năm 2005 của mình. “Trong số những người bị bức hại, hầu hết vùng kín và ngực của phụ nữ và vùng kín của đàn ông đều bị tấn công tình dục một cách thô tục nhất. Hầu hết những người bị bức hại, dù là nam hay nữ, đều bị lột trần trước khi bị tra tấn.”

Mục đích của các hình thức tra tấn này là cưỡng bức để lấy được những lời thú tội và “chuyển hóa” của nạn nhân, bắt đầu từ việc họ phải lăng mạ Pháp Luân Công. Nhưng với hàng ngàn người, kết quả là họ chết [thay vì “chuyển hóa”].

Ngoài việc tra tấn, các đặc vụ 610 còn kết án người tập Pháp Luân Công trực tiếp đến các trại lao động, trung tâm giam giữ và các lớp tẩy não – nơi họ có thể bị nhốt trong 3 năm mà không cần 1 ngày ra tòa.

Kẻ giật dây

Với quyền hạn bao trùm như vậy, người ta có thể hình dung rằng phòng 610 sẽ có một đội ngũ nhân viên khổng lồ, nhưng các bằng chứng hiện có cho thấy nhân lực của cơ quan này hạn chế một cách đáng ngạc nhiên. Theo một trang web chính thức của thành phố cấp huyện Bồng Lai thuộc tỉnh Sơn Đông có dân số 490.000 người, phòng 610 ở đây chỉ có 7 người.

Quyền lực thực sự của phòng 610 nằm ở khả năng buộc các cơ quan của Đảng và chính phủ khác phải làm việc dưới sự chỉ đạo của nó. Chẳng hạn, phòng 610 trung ương của Thiên Tân sử dụng 50-60 nhân viên, nhưng có thể trực tiếp ra lệnh cho lực lượng 30.000 cảnh sát của thành phố. Một nhân viên phòng 610 có thể thường xuyên giám sát hơn 100 cảnh sát bình thường. Thông tin trên do ông Hách Phượng Quân, cựu đặc vụ phòng 610 của thành phố này cung cấp.

Trong một sự kiện khác, chính phòng 610 trung ương đã chỉ đạo việc bắt giữ hơn 5.000 người tập Pháp Luân Công ở Trường Xuân vào tháng 3/2002. “Mỗi ngày cảnh sát đều ‘thẩm vấn’ tất cả người tập trong danh sách đen của Phòng 610″, Vương Ngọc Hoàn, người bị bắt vào thời điểm đó đã kể lại với luật sư Cao Trí Thịnh như vậy.

Tương tự như vậy, khi Cao Trí Thịnh và một luật sư khác cố gắng đến thăm thân chủ của họ, một người tập Pháp Luân Công bị giam trong trại lao động, Cao kể họ được thông báo rằng các quản lý có thể chấp thuận yêu cầu gặp bất kỳ tù nhân nào. Nhưng để gặp một người tập Pháp Luân Công, “chúng tôi cần sự chấp thuận đặc biệt của phòng 610”, các quan chức trại đã nói như vậy.

Quách Quốc Đinh, một luật sư nhân quyền Trung Quốc khác, đã kể về trải nghiệm tương tự khi anh yêu cầu được gặp một người tập Pháp Luân Công bị giam giữ ở Thượng Hải. Đối với các tù nhân Pháp Luân Công, phòng 610 có toàn quyền, Quách Quốc Đinh nói trong một cuộc phỏng vấn tại Vancouver, Canada, nơi anh hiện đang sống lưu vong. “Bản thân các nhà tù không có quyền gì hết.”

Quách Quốc Đinh cho biết việc này cũng xảy ra tại các phòng xử án. “Tôi biết rằng các vụ xử người tập Pháp Luân Công không phải do thẩm phán quyết định, mà là theo hướng dẫn của phòng 610. Họ xử lý những trường hợp này.”

Làm thế nào phòng 610 thực hiện việc này? Làm thế nào nó có thể thu được quyền lực như thế? Câu trả lời nằm ở cấu trúc của nó và cách nó bám lên bộ máy của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sơ đồ tổ chức của phòng 610 trong bài viết của Sarah Cook.

Sau khi nhóm lãnh đạo và phòng 610 được thành lập dưới Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, các cơ quan tương ứng được thành lập ở mọi cấp hành chính cũng như trong các tổ chức xã hội lớn, các công ty lớn, đơn vị làm việc và trường đại học. Mỗi chi bộ đều liên kết chặt chẽ với các Đảng bộ địa phương, các ủy ban chính trị pháp luật, hoặc cục công an.

Ví dụ, phòng 610 Bồng Lai đã đề cập tới ở trên được liệt kê bên dưới ủy ban chính trị pháp luật, một phần của mạng lưới quốc gia gồm các cơ quan của Đảng có nhiệm vụ giám sát các vụ bắt giữ, thẩm vấn và truy tố. Những liên kết như vậy là điều cho phép phòng 610 thao túng hệ thống tư pháp hình sự.

Trang web của cục công an được giao về Đại học Hải dương, Thanh Đảo, Trung Quốc báo cáo rằng trường đã thành lập một văn phòng với mục đích “giải quyết vấn đề Pháp Luân Công, cụ thể là văn phòng 610, trong phòng an ninh công cộng của trường.” Liên đoàn Phụ nữ ở Tế Nam đã khoe trên trang web của mình rằng một nghiên cứu mà họ tiến hành sau khi theo dõi những người dân địa phương tập Pháp Luân Công đã được xuất bản trong bản tin của phòng 610.

Nhưng chính nhờ cơ cấu xuyên suốt của Đảng cộng sản mà Phòng 610 mới có thể thâm nhập đến các đơn vị cơ bản nhất của xã hội Trung Quốc. Một bản ghi nhớ nội bộ ngày 21/4/2001 đã được gửi tới tất cả các “ủy ban công tác, ủy ban thôn và thị trấn, và văn phòng ủy ban khu phố” ở khu Môn Đầu Câu phía tây Bắc Kinh. Nó chuyển tiếp các lệnh tăng cường giám sát tại địa phương đối với Pháp Luân Công và yêu cầu “mọi đơn vị công tác” tích hợp “kiểm tra và kiểm soát… với công việc cải tạo tư tưởng hiện tại.”

Thông tư hướng dẫn thêm các ủy ban thị trấn và khu phố “hợp tác chặt chẽ với phong trào do cơ quan công an phát động”, khi họ tới từng nhà để tìm kiếm người tập Pháp Luân Công.

Sự giám sát chặt chẽ và niềm tin vào tính độc tài của Đảng là không phai nhạt theo thời gian. Một thông tư khác vào tháng 4/2006 đưa ra các chỉ thị tương tự, gần như nguyên văn, cho các cấp ủy Đảng ở cấp thị xã và quận.

Hạn mức và tiền thưởng

Trong khi một số quan chức địa phương nhiệt tình làm theo chỉ đạo thì những người khác lại do dự khi hành động chống lại những người hàng xóm của họ. Thật vậy, khi Pháp Luân Công bị cấm, đã có nhiều báo cáo về việc công chúng thờ ơ hoặc thậm chí im lặng để phản đối chiến dịch đàn áp. Trong hoàn cảnh đó, phòng 610 đã phát triển nhiều cơ chế khuyến khích khác nhau để gây áp lực buộc các quan chức cấp dưới và dân thường hợp tác.

Một người phụ nữ được người dân giúp đỡ sau khi bị đặc vụ 610 đánh tại Lai Thủy, Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Faluninfo.net)

Năm 2000, nhà báo Ian Johnson của tờ Wall Street Journal, người đã giành được giải Pulitzer vì đưa tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đã mô tả một “hệ thống trách nhiệm” mà phòng 610 thiết lập. Theo phương thức này, các quan chức địa phương sẽ bị phạt những khoản tiền rất lớn cho mỗi học viên đến Bắc Kinh từ khu vực mà họ quản lý để thỉnh nguyện với chính quyền trung ương.

Việc đánh giá này trở nên quy chuẩn hơn theo thời gian. Một biểu đồ năm 2002 tại Quảng Châu cho thấy một hệ thống thưởng phạt điểm phức tạp dựa trên sự hợp tác với phòng 610. Từng thị trấn và vùng lân cận trong quận Thiên Hà, Quảng Châu sẽ phải hoàn thành bảng thưởng phạt trong đánh giá cuối năm. Trong số các mục được liệt kê có: “Trừ 8 điểm cho mỗi người tập chưa chuyển hóa”; vì không “lập hồ sơ cá nhân cho mỗi người tập Pháp Luân Công… mỗi người bị trừ 3 điểm”; và “cứ mỗi lần một nhóm trên 3 người tập [Pháp Luân Công] nơi công cộng thì bị trừ 5 điểm.”

Một kỹ thuật phổ biến khác của phòng 610 là áp đặt hạn ngạch cho mỗi cấp độ bên dưới. Hạn ngạch điển hình bao gồm số người tập Pháp Luân Công cần bị bắt giữ trong một khoảng thời gian nhất định.

Các viên chức không đạt chỉ tiêu hàng năm sẽ bị giáng chức hoặc thậm chí có thể bị sa thải. Hách Phượng Quân, cựu đặc vụ phòng 610 của Thiên Tân, nói rằng anh ta đã thay đổi sau khi chứng kiến ​​cảnh một người phụ nữ tên là Tôn Thê, một người tập Pháp Luân Công, bị tra tấn như thế nào trong “quá trình chuyển hóa”. Khi sự thất vọng của anh với công việc của Phòng 610 ngày càng tăng, thì các biện pháp để giữ chân anh cũng ngày càng nghiêm trọng.

Người tập Pháp Luân Công tới quảng trường Thiên An Môn thỉnh nguyện bị lôi đi. (Ảnh: Faluninfo.net)

Hách kể rằng vào tháng 2/2004, anh bị biệt giam, theo một hình phạt dành riêng cho cảnh sát, trong 30 ngày sau khi gọi tuyên truyền chống Pháp Luân Công của nhà nước là “dối trá”.

Người cựu cảnh sát nói rằng trong thời gian bị giam giữ, anh không được phép gọi điện cho gia đình. Nhiệt độ lạnh lẽo trong phòng giam khiến tay anh “sưng như bánh hấp” và tai chảy mủ. Sau khi được thả, anh bị thuyên chuyển đến phòng thủ thư cho đến khi anh trốn sang Úc vào năm 2005 với nhiều tài liệu về phòng 610.

Hách kể rằng mặc dù nhiều đồng nghiệp của anh không tán thành công việc của họ, nhưng nhiều người khác đã nhanh chóng tham gia vào hệ thống phần thưởng của phòng 610. Hách nói: “Có những người đã làm việc rất chăm chỉ, vì họ càng bắt nhiều người tập Pháp Luân Công thì họ càng nhận được nhiều tiền thưởng.”

Một việc thậm chí còn được thưởng cao hơn việc bắt giữ người tập ở Trung Quốc là việc thu thập thông tin tình báo về người tập Pháp Luân Công ở nước ngoài. Thông tin cơ bản về cuộc sống cá nhân của họ, nếu được coi là có giá trị, thường mang về 50.000 nhân dân tệ (hơn 6.000 đô-la). Thông qua một hệ thống những người cung cấp thông tin ở nước ngoài, phòng 610 xây dựng toàn bộ hồ sơ của cộng đồng Pháp Luân Công ở nước ngoài. Hách cho biết anh “đích thân nhận được thông tin tình báo về người tập Pháp Luân Công ở Úc, Hoa Kỳ và Canada” chi tiết đến mức có thể cho biết họ đang làm việc ở đâu, họ tham gia những hoạt động nào.

Phòng 610 có hiệu quả?

Kể từ khi các cuộc thỉnh nguyện của Pháp Luân Công trên quảng trường Thiên An Môn lắng dần vào năm 2002, nhiều nhà báo và học giả phương Tây mang tâm lý phổ biến là Đảng Cộng sản đã thành công, một cách tàn bạo, trong việc tiêu diệt nhóm này.

Tuy nhiên, các tài liệu của Đảng và những người trong cuộc lại kể một câu chuyện khác. Vào năm 2006, phòng 610 vẫn lo ngại rằng các biểu ngữ Pháp Luân Công đang xuất hiện khắp nơi. Vào năm 2005, chính quyền Trung Quốc được cho là đã tịch thu 4,62 triệu vật dụng liên quan đến Pháp Luân Công. Đảng vẫn xếp Pháp Luân Công đứng đầu trong số cái mà Đảng gọi là “ngũ độc” mà Đảng sợ nhất (4 nhân tố còn lại là những người ủng hộ dân chủ, những người ủng hộ độc lập Đài Loan, những người Tây Tạng và những nhà hoạt động [Duy Ngô Nhĩ ở] Đông Turkistan).

Hách nói: “Tất cả chúng tôi đều hiểu rõ”, “rằng các liên lạc nội bộ của chúng tôi đều nói về việc cuộc đàn áp đang thất bại như thế nào.”

Tác giả: Sarah Cook
Minh Nhật biên dịch

Theo Tri Thức VN

 
 
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP