Kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến dư luận đặc biệt chú ý. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với truyền thông Đức, chuyên gia về các vấn đề Hồng Kông, ông Heribert Dieter đã thẳng thắn cho biết người Hồng Kông hiện chỉ có hai con đường: hoặc là lặng lẽ chấp nhận số phận hoặc đấu tranh đến cùng; Chính phủ Mỹ phải ngăn chặn hành động của Bắc Kinh, nếu không chỉ có thể hủy bỏ đãi ngộ đặc biệt của Hoa Kỳ dành cho Hồng Kông; về vấn đề này, Tổng thống Trump không có lựa chọn nào khác.
Ngày 26/5, Giáo sư Heribert Dieter, chuyên gia của Tổ chức Khoa học và Chính trị Berlin (SWP) vừa từ Hồng Kông trở về Đức, đã chấp nhận một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng truyền thông Deutsche Welle. Trước tiên, ông Dieter bày tỏ ông "rất sốc” trước quyết định của chính phủ Trung Quốc về việc xây dựng cái gọi là "Luật an ninh quốc gia" đối với Hồng Kông. Ông thẳng thắn tuyên bố rằng hành động của ĐCSTQ rõ ràng là “đặt dấu chấm hết” cho vị thế đặc biệt của Hồng Kông trên thế giới, là một bước dịch chuyển lớn rời khỏi “một quốc gia, hai chế độ” và cáo biệt thể chế cũng như vị thế đặc biệt hiện tại của Hồng Kông. Ông nói: "Điều này có nghĩa là Hồng Kông mà chúng ta vốn quen thuộc sắp kết thúc".
Ông Dieter phân tích rằng ĐCSTQ đưa ra quyết định như vậy vào thời điểm hiện tại chủ yếu vì hai lý do: Thứ nhất, các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng năm ngoái tại Hồng Kông khiến Bắc Kinh rất lo lắng, sợ rằng xu thế này sẽ lan sang Trung Quốc đại lục; Thứ hai, phe chính phủ đã bị thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông vào tháng 11 năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh sợ rằng cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông vào đầu tháng 9 năm nay sẽ lặp lại những sai lầm tương tự, và sẽ không có khả năng thay đổi các quy định liên quan đến an ninh quốc gia thông qua Hội đồng này. Ngoài ra, hiện tại, tất cả các quốc gia trên thế giới đang bận rộn chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở tại nước mình. ĐCSTQ cho rằng việc đưa ra Luật An ninh quốc gia Hồng Kông vào thời điểm này thì sự chú ý và áp lực từ cộng đồng quốc tế sẽ thấp hơn.
Ông Dieter nhấn mạnh rằng theo ‘Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984’, Trung Quốc có nghĩa vụ duy trì quyền tự trị của Hồng Kông, và Luật An ninh Quốc gia mà ĐCSTQ hiện đang lên kế hoạch sẽ phá vỡ nguyên tắc này. Đây là tiếng còi báo động cho cộng đồng quốc tế.
Ông đặc biệt đề cập rằng Hoa Kỳ đã thông qua "Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ - Hồng Kông" khoảng 30 năm trước. Theo đạo luật này, chính phủ Hoa Kỳ đã cấp cho Hồng Kông đãi ngộ đặc biệt so với các khu vực khác của Trung Quốc đại lục. Điều kiện quan trọng để được hưởng ưu đãi đặc biệt này là phải duy trì quyền tự trị của Hồng Kông, hoặc ít nhất là Hồng Kông có sự trung lập về tư pháp. Nếu Bắc Kinh tiếp tục can thiệp trực tiếp vào các vấn đề nội bộ của Hồng Kông như hiện tại, Tổng thống Mỹ sẽ phải hủy bỏ ưu đãi đặc biệt với Hồng Kông. “Đối với vấn đề này, Tổng thống Mỹ không có cách nào khác, ông phải làm như vậy", ông Dieter cho biết.
Nói về tác động chính trị mà Luật An ninh Quốc gia có thể đem tới cho Hồng Kông, ông Dieter nói rằng cuộc đối đầu ngày càng tăng giữa người biểu tình Hồng Kông và chính phủ là "có thể tưởng tượng được".
Ông đã phân tích và chỉ ra: Đầu tiên, năm ngoái, các cuộc biểu tình vẫn chưa mang lại kết quả khả quan cho người dân Hồng Kông. Nhiều người Hồng Kông tức giận và tuyệt vọng về một báo cáo vào tuần trước đến từ Ủy ban Độc lập nhằm bênh vực cảnh sát trong cuộc biểu tình năm ngoái. Cùng với dịch bệnh năm nay, nhiều người Hồng Kông cảm thấy bất lực và thất vọng, và cảm xúc phức tạp này có thể khiến một số người "hành động".
Ông Dieter nói: "Đối với người Hồng Kông, hiện tại chỉ có hai con đường: hoặc là im lặng, chấp nhận số phận; hoặc chọn cách tiếp tục chống lại Bắc Kinh".
Cuối cùng, ông Dieter kêu gọi các quốc gia dân chủ phương Tây cần có hành động đối với vấn đề Hồng Kông. Đặc biệt, Liên minh châu Âu (EU) không chỉ nên bày tỏ "sự hối tiếc" đối với sự phát triển ở Hồng Kông, mà nên cùng với Hoa Kỳ "xem xét các giá trị cốt lõi của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương", cần có hành động thiết thực để hỗ trợ chế độ dân chủ cũng như nỗ lực vì quyền lợi tự do của Hồng Kông và người dân Hồng Kông.
Ông nói rằng cuộc đối đầu giữa các nước dân chủ phương Tây và chính quyền ĐCSTQ "ngày càng hung hăng" là không thể tránh khỏi. Từ lâu, EU đã chìm đắm trong huyễn tưởng, cố gắng duy trì "mối quan hệ tốt đẹp và gần gũi" với cả chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng cho đến bây giờ, nếu EU "không muốn bán đứng linh hồn của chính mình", thì không thể tiếp tục duy trì quan hệ với chính quyền độc tài này như trước. Hiện tại, EU không có tuyến đường trung gian để đi.
Ông nói: "Trong tài liệu chiến lược tháng 3 năm 2019, EU rõ ràng đã tách rời khỏi Trung Quốc và coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh về thể chế. Bây giờ đã đến lúc phải có hành động đối với những đánh giá sơ bộ này".
Ngoài ra, điều đáng nói là cộng đồng quốc tế đã ngày càng lên án kế hoạch đưa ra Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ. Hiện đã có 198 chính trị gia từ 23 quốc gia đã cùng đưa ra một tuyên bố kêu gọi các chính phủ dân chủ phương Tây đoàn kết chống lại chế độ độc tài toàn trị của ĐCSTQ.
Một bài bình luận có chữ ký của tổng biên tập kênh truyền thông Le Monde của Đức đã thẳng thừng tuyên bố: "Hồng Kông là Tây Berlin", mối đe dọa đối của ĐCSTQ đối với tự do còn nghiêm trọng hơn nhiều so với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Bài báo viết: "Sớm hay muộn chúng ta sẽ đánh bại virus Corona Vũ Hán, nhưng sự theo đuổi quyền lực của chính quyền Bắc Kinh luôn là một mối nguy hiểm". Bài báo nhấn mạnh rằng "chế độ độc tài và chuyên quyền luôn có ý đồ lợi dụng phương thức bạo lực để đặt ngày càng nhiều người dưới quyền kiểm soát của mình. Lịch sử thế giới đã cho chúng ta thấy điều này: để có thể ngăn chặn chế độ độc tài không thể dùng tới sự thỏa hiệp, mà là một bàn tay sắt kiên quyết không di chuyển".
Báo Epoch Times chỉ ra rằng sau khi chứng kiến thảm họa lớn do đại dịch virus Corona Vũ Hán gây ra cho Hoa Kỳ, người dân Mỹ đã cảm thấy chế độ toàn trị ĐCSTQ là mối đe dọa chết người đối với người Mỹ. Việc đưa ra Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông càng gia tăng thêm sự phản đối ĐCSTQ trong dân chúng Mỹ. Tất cả điều này cho thấy rằng bất kể ai trở thành tổng thống sau cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay, việc "đối phó cứng rắn với ĐCSTQ" sẽ trở thành quốc sách của Hoa Kỳ.
Minh Thanh
Theo NTDVN