Dân gian thường có câu “kiếp sau làm trâu làm ngựa để trả nợ”, điều này liệu có ứng nghiệm? Con người làm chuyện xấu thì thật sự sẽ rơi vào cõi súc sinh sao? Bài viết này xin kể về 2 câu chuyện có thật, người trong cuộc vì hành ác mà phải chuyển sinh thành trâu, trên thân còn có dấu vết lưu lại để cảnh tỉnh người đời.
Làm chuyện ác phải chuyển sinh thành trâu
Vào giữa mùa hè năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 25 (1936), Lưu Thiên Tích, hội trưởng Hội Phật giáo huyện Hợp Giang, tỉnh Tứ Xuyên, đã ghi chép lại câu chuyện có thật về một người đàn ông sau khi làm việc ác đã phải chuyển sinh thành kiếp trâu bò.
Tại huyện Đồng Nhân, tỉnh Quý Châu, có một kẻ vô lại tên Địch Quang Viễn, ông ta thậm chí còn có hành vi thông gian với cháu dâu tên Tiền Thị. Vụ việc này vô tình đã bị chị dâu của Địch Quang Viễn là Thường Thị phát hiện. Địch Quang Viễn và Tiền Thị lo sợ chuyện xấu sẽ bị bại lộ, liền đi mua thuốc độc và lên kế hoạch sát hại Thường Thị.
Con cái của Thường Thị cảm thấy mẹ mình đang khỏe mạnh lại đột nhiên qua đời có phần không bình thường. Họ cho rằng cái chết của mẹ dường như có liên quan đến Địch Quang Viễn, nên muốn điều tra cho rõ ràng. Vào ngày 22/4 năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 20, các con của Thường Thị đã đến gặp Địch Quang Viễn để chất vấn, Địch Quang Viễn liền phát lời thề: “Nếu thực sự có làm chuyện đó thì sẽ bị sét đánh chết”.
Qua 8 ngày sau, ngay lúc giữa trưa, khu vực nhà họ Địch đột nhiên trời đất tối tăm, mưa lớn đổ xuống, sấm sét ầm ầm. Hàng xóm của Địch Quang Viễn ở bên ngoài nhìn thấy một tia sét đánh thẳng vào nhà họ Địch. Chỉ trong nháy mắt sau, mọi thứ lại trở lại bình thường, trời quang mây tạnh.
Người hàng xóm vội chạy tới nhà họ Địch thăm hỏi, phát hiện cả Địch Quang Viễn và Tiền Thị đều đã bị sét đánh. Tiền Thị thì chết ngay tại chỗ, còn Địch Quang Viễn vẫn đang thoi thóp. Ông ta nói rằng bản thân đã làm chuyện trái đạo đức nên mới bị sét đánh, cũng nói ông ta và Tiền Thị đều sẽ đầu thai làm trâu ở nhà họ Thạch gần đó. Nói xong liền qua đời.
Người hàng xóm vội vã chạy đến nhà họ Thạch, quả nhiên trong Thạch gia cũng vừa có 2 nghé con ra đời, một đực một cái. Có điều, ở chỗ mắt, miệng, mũi của nghé cái có lông rũ xuống như che giấu bộ phận dị thường. Mọi người hiếu kỳ nhấc đầu của nó lên xem, chợt thấy rõ hai bầu vú và âm hộ nằm tại nơi đó. Nghé cái có hai chân nhỏ và hình dạng móng chân cũng dị thường, đều cụp xuống dưới.
Có người tới nói chuyện với nghé cái, gọi đích danh Tiền Thị và kể lại quá khứ cho nó nghe, nghé cái dường như hiểu chuyện, lập tức cúi đầu xuống, nước mắt chảy dài, giống như đang xấu hổ và hối hận.
Nhà họ Thạch sau đó đã bán hai con nghé này đi, muốn lấy đó để khuyến thiện, nhắc nhở thế nhân chớ làm điều ác, nếu không sẽ phải luân hồi thành kiếp trâu bò chịu khổ để hoàn trả nợ nghiệp.
Người mua 2 con nghé này của Thạch gia coi chúng như món hàng lạ và đưa đi diễu hành khắp nơi. Vào đầu tháng 5 năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 25, người chủ đã đưa 2 con nghé đến chỗ thị trấn của ông Lưu Thiên Tích, hội trưởng Hội Phật giáo huyện Hợp Giang. Khu vực trưng bày được vây kín, ai muốn vào xem phải trả 200 đồng.
Người dân địa phương lũ lượt đến xem chuyện lạ, ngày nào cũng có người xếp hàng dài chờ đợi, phòng triển lãm cũng luôn chật kín người. Quan huyện lúc bấy giờ là Lưu Dụ Trường đã yêu cầu chủ nhân dắt hai con nghé vào văn phòng để chụp ảnh, ghi lại một câu chuyện có thật về nhân quả báo ứng, luân hồi chuyển sinh.
Hại người chết oan phải đầu thai làm trâu, trên lưng còn lưu lại danh tính
Cách đây 65 năm về trước, tại Đài Loan từng xảy ra một vụ án oan: Khi ấy có một người họ Lâm vì vu oan cho người khác, đã khiến người đó tự sát. Sau khi người họ Lâm kia chết đi, đã phải chuyển sinh thành trâu, trên lưng vẫn còn lưu lại họ tên của chính mình. Năm đó, một phóng viên của “Nhật báo Dân Thanh” ở Đài Trung đã phỏng vấn chủ nhân của con trâu này và đăng tải tin tức vào ngày 28/1/1956 gây chấn động dư luận.
Vụ việc xảy ra ở thị trấn Hằng Xuân, huyện Bình Đông, Đài Loan. Gia đình nhà Vưu Vạn Kim có con trâu cái sinh ra một nghé con, kỳ lạ là trên lưng nghé con lại xuất hiện 3 chữ “Lâm Tân Giáo”. Ngay khi nhìn thấy 3 chữ “Lâm Tân Giáo”, những ký ức đau thương được chôn giấu trong lòng Vưu Vạn Kim từ hơn 10 năm trước lại hiện lên trong tâm trí ông.
Mười mấy năm về trước, Lâm Tân Giáo vốn là một bác sĩ trong thị trấn Hằng Xuân. Trước khi Đài Loan giành lại độc lập vào ngày 25/10/1945, em trai của Vưu Vạn Kim là Vưu Vạn Đạt vì gia cảnh nghèo khó nên đã tới làm thuê trong nhà của Lâm Tân Giáo.
Có một lần, Lâm gia bị mất trộm hơn 2000 cân thóc, đã dẫn đến một câu chuyện vô cùng thương tâm: Lâm Tân Giáo trong tình huống chưa rõ thực hư, thiếu chứng cứ, lại đổ oan cho Vưu Vạn Đạt, đồng thời báo cảnh sát đến bắt Vưu Vạn Đạt.
Lúc đó, Vưu Vạn Đạt bị cảnh sát đánh đập tra khảo và ép cung, Vưu Vạn Đại ôm hận trong lòng mà không thể nào rửa oan được, cuối cùng đã tự sát để chứng minh sự trong sạch của mình. Không lâu sau, Lâm Tân Giáo cũng qua đời.
Mười năm sau đó, tức là vào năm 1956, con trâu cái trong nhà của Vưu Vạn Kim sinh con, kỳ lạ là lông ở trên lưng nghé con lại hiện ra ba chữ “Lâm Tân Giáo”. Con trai của Lâm Tân Giáo là Lâm Vinh Quán (khi đó 23 tuổi) biết được chuyện này, ngay lập tức tìm cách thông qua hàng xóm để thương lượng với Vưu Vạn Kim, chấp nhận bỏ ra 15 ngàn (Đài tệ) để mua nghé con về nuôi, nhưng đã bị Vưu Vạn Kim từ chối.
Tin tức này sau khi lan truyền ra bên ngoài đã gây chấn động khắp mọi nơi, những ai chứng kiến câu chuyện cũng đều kinh ngạc mà thốt lên rằng: “Nhân quả báo ứng là có thật!”.
Lúc sống hại người, sau khi chết phải đầu thai làm súc sinh để trả nghiệp, hơn nữa còn được Trời cao “thụ ký” một cách khéo léo, chuyển sinh vẫn giữ lại chứng cứ, để lưu lại một câu chuyện chân thực về tái sinh trả nghiệp trong lục đạo luân hồi. Vũ trụ mênh mang, thiên địa trường cửu, nhưng Trời cao có mắt, thời thời khắc khắc đang ghi lại từng lời nói, hành động của con người trên thế gian, và quyết định vận mệnh tương lai của mỗi người.
Có thể nói, con người chết đi không phải là kết thúc báo ứng, mà là khởi đầu cho quả báo ở kiếp sau. Linh hồn mang theo đức và nghiệp rời đi, tiếp tục luân hồi chuyển thế để hưởng phúc báo hay trả nợ nghiệp. Trong Kinh Phật có giảng: “Muốn biết nhân kiếp trước, xem thụ hưởng đời nay, muốn biết quả kiếp sau, xem việc làm hiện tại”. Hai câu chuyện về chuyển sinh trên đây đều thể hiện được đạo lý nhân quả báo ứng trong luân hồi chuyển sinh, rất đáng để chúng ta phải suy ngẫm cẩn trọng.
Theo Tinh Hoa