Dư luận Việt Nam chưa quên được vụ quy định ‘sinh viên bán dâm 4 lần mới bị đuổi học’ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trước đó, thì vừa mới đây, Bộ GD&ĐT lại văn bản “Phối hợp thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện giao thông” gây xôn xao người dân trên cả nước.
Theo báo Dân Trí, Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản kế hoạch số 455/KH-BGDĐT về “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021” cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên.
Theo đó, văn bản đề ra 9 nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiệm vụ 4 và nhiệm vụ 8 đã gây “sốc” dư luận. Cụ thể:
Nhiệm vụ 4 yêu cầu “Phối hợp thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện giao thông”.
Nhiệm vụ 8 yêu cầu: “Xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh niên, thiếu niên và học sinh, sinh viên”.
Trên báo Người lao Động, một giáo viên cho hay bị “choáng váng” khi đọc văn bản của Bộ GD-DT liên quan đến việc yêu cầu “thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện giao thông”.
“Tôi không hiểu tại sao Bộ GD-ĐT lại thí điểm thử ma tuý cho học sinh? Không biết văn bản này có sai sót gì hay không nhưng điều này là quá bất ngờ và sốc”- giáo viên này cho hay.
Nhiều giáo viên khác khi được hỏi cũng cho rằng “không thể tin nổi” lại có văn bản này.
Sau phản hồi của dư luận, Bộ GD-ĐT tiếp tục có văn bản số 2043/BGDĐT-GDCTHSSV do Vụ trưởng Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bùi Văn Linh ký về việc hướng dẫn làm rõ hơn về nội hàm một số nhiệm vụ trong Kế hoạch 455.
Theo văn bản này, nhiệm vụ số 4, cụm từ “thử ma túy” được hiểu là “xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể”. Nhiệm vụ số 8 “dự phòng nghiện ma túy” được hiểu là “hoạt động phòng ngừa nghiện ma túy”.
Tuy nhiên, hướng dẫn này tiếp tục vấp phải phản ứng của dư luận.
“Bộ GD-ĐT hướng dẫn các địa phương hiểu “thử ma túy” là “xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể” hay “dự phòng nghiện ma túy” là “hoạt động phòng ngừa nghiện ma túy” rõ ràng là không thuyết phục.
Văn bản của Bộ GD-ĐT phải rõ ràng, chính xác, chứ không thể để ai hiểu thế nào thì hiểu. Nếu văn bản sai thì phải thu hồi chứ không phải là ra một cái hướng dẫn tiếp tục gây phản ứng như vậy”- một chuyên gia giáo dục khẳng định.
Theo ĐKN