Trong kỳ trước, chúng ta đã theo đuổi một giả thuyết là virus dơi, mà bà Thạch Chính Lệ phát hiện từ dơi tự nhiên và đang nghiên cứu, đã bị rò rỉ ra môi trường thông qua động vật thí nghiệm tại phòng thí nghiệm P4 bị xử lý sai. Kỳ này, chúng ta chỉ ra thêm một con đường tự nhiên nữa mà virus có thể bị rò rỉ ra môi trường. Dẫu là con đường nào đi nữa, “người phụ nữ dơi” Thạch Chính Lệ, với mong muốn ngăn chặn một đợt bùng phát tương tự SARS, rất có thể đã vô tình mở “chiếc hộp Pandora” tại hang dơi Côn Minh.
Bà Thạch Chính Lệ
Nếu virus có nguồn gốc tự nhiên
Ngày 3 tháng 2 năm 2020, bà Thạch Chính Lệ đã có một bài báo trên tạp chí uy tín Nature với tiêu đề “Sự bùng phát bệnh viêm phổi liên quan đến một loại virus corona mới, có thể có nguồn gốc từ dơi”.
Trong bài báo này, bà Thạch đã cho biết, thông qua giải trình tự toàn bộ chuỗi gen, nhóm của bà đã xác định được một loại virus corona ở dơi tên là RaTG13, giống virus corona mới đến 96,2%. Cho đến nay, đây là chuỗi gen gần với COVID-19 nhất được báo cáo.
Giống nhau 96,2% không có nghĩa là virus ở dơi có thể trực tiếp lây sang người và là nguyên nhân chính của đại dịch hiện nay. Theo ông Trevor Bedford, một chuyên gia tin sinh học tại Đại học Washington, thông thường phải mất từ 25 đến 65 năm để virus ở dơi đột biến đến độ giống hệt virus corona hiện tại.
Tuy nhiên, virus corona mới mới bùng phát vài tháng trước, nên chưa đủ thời gian để virus dơi loại bỏ sự khác biệt (3,8%) và trở thành virus corona này khi nó đã lây nhiễm trực tiếp vào người.
Khả năng duy nhất để virus dơi nhanh chóng đột biến thành virus corona hiện nay là thông qua các vật chủ trung gian. Nói cách khác, nếu virus dơi đã lây sang một vật chủ trung gian, từ đó lại lây sang người thì sẽ tăng nhanh tốc độ đột biến lên rất nhiều. Ông Richard Ebright thuộc Đại học Rutgers lập luận rằng “tốc độ đột biến có thể khác nhau khi nó lây truyền qua các vật chủ khác nhau trước con người”.
Động vật tự nhiên có là vật chủ trung gian?
Điều cần truy tìm ở đây là xác định các vật chủ trung gian. Trong các đợt bùng phát dịch bệnh có nguồn gốc động vật trước đây (bệnh lây từ động vật sang người), cả dịch SARS 2003 ở Trung Quốc và dịch MERS 2012 ở Ả Rập Saudi đều được phát hiện là do virus dơi lây qua vật chủ trung gian là cầy hương và lạc đà, trước khi lây sang người và gây bệnh.
Thời điểm virus bùng phát ở Vũ Hán là vào mùa đông năm 2019, khi dơi đã ngủ đông và không có con dơi nào được bán ở chợ. Vì vậy, có khả năng là virus đã tồn tại trong môi trường trong nhiều tháng hoặc thậm chí lâu hơn, và đã trải qua một quá trình đột biến toàn diện trước khi trở thành chủng virus chết người này.
Nghiên cứu phát hiện một số loài có thể là vật chủ trung gian như chồn vizon, chồn sương, thậm chí cả rùa. Mặc dù khi danh sách được thu hẹp lại, tê tê có vẻ một vật chủ khả thi cao, nhưng đã nhanh chóng được chứng minh là không thể.
Loài tê tê sống trong môi trường ấm áp, và phải ở vùng cận nhiệt đới, không giống như Vũ Hán. Nó chỉ ăn kiến và mối. Nó cũng có hệ tiêu hóa và hô hấp yếu. Tê tê dễ mắc bệnh, một khi mắc bệnh thì thường gây tử vong. Vì những lý do này, tê tê không thích hợp để nuôi nhốt. Thực tế, Trung Quốc cấm mua bán tê tê, vì vậy nguồn cung tê tê là từ buôn lậu và rất ít con còn sống.
Nếu tê tê là vật chủ trung gian thì những bệnh nhân đầu tiên phải là những kẻ buôn lậu. Dịch bệnh cũng phải lan rộng ở nhiều địa điểm khác nhau, vì Vũ Hán không phải là trung tâm phân phối hàng buôn lậu tê tê.
Sau dịch SARS năm 2003, sau khi bà Thạch Chính Lệ phát hiện một chủng virus trên cầy hương giống virus SARS đến 99,8%, cầy hương đã được xác định là vật chủ trung gian để virus dơi lây sang người. Vì vậy, 90% tương đồng trong tê tê không đủ để xác định tê tê là vật chủ trung gian cuối cùng cho virus corona mới mà các nhà khoa học đang tìm kiếm.
Thạch Chính Lệ: Người “phụ nữ dơi” của Trung Quốc
Sau đại dịch SARS năm 2003, bà Thạch và nhóm của bà tại Viện Virus học Vũ Hán đã bắt đầu đi tìm nguồn gốc của virus SARS, nhằm ngăn chặn một dịch bệnh lớn khác. Đây là mục tiêu mà bà Thạch Chính Lệ đã đặt ra.
Nhóm của bà Thạch đã dành 7 năm và đến nhiều nơi để tìm virus. Họ không biết có thành công hay không cho đến một ngày họ đến một hang dơi ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Thông qua giải trình tự gen, bà Thạch rất mừng khi phát hiện ra một loại virus tự nhiên ở dơi móng ngựa, giống virus SARS đến 97%. Sau 5 năm lấy mẫu và phân tích, nhóm của bà Thạch đã chứng minh loài dơi móng ngựa là nguồn gốc của virus SARS trong một bài báo năm 2013 trên tạp chí Nature.
Bà Thạch đưa ra con đường lây nhiễm của SARS 2003 như sau: Virus SARS dơi ở Vân Nam đã lây nhiễm sang cầy hương ở Vân Nâm (nuôi nhốt), rồi được vận chuyển sang tỉnh Quảng Đông, nơi bán cầy hương, cuối cùng virus đã biến đổi thành virus SARS và bùng phát thành dịch ở người.
Phát hiện của bà Thạch được các đồng nghiệp và giới y học công nhận. Tại Trung Quốc, người ta đã đặt cho bà danh hiệu “Người phụ nữ dơi”.
Tuy nhiên, để có thể phát triển một thứ gì đó hiệu quả để chống lại virus tương tự như SARS thì cần một phòng thí nghiệm có mức độ an toàn cực cao.
Phòng thí nghiệm P3 tại Trung Quốc được thông qua nghiệm thu vào năm 2006, về cơ bản đã được hoàn thành và sử dụng vào năm 2003. Tuy nhiên, sau khi đại dịch SARS xảy ra vào năm 2003, vào tháng 4 và tháng 5/2004, một số vụ bùng phát nhỏ tại Bắc Kinh và An Huy đã xảy ra. Thông tin cho biết đây là do rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Phòng thí nghiệm P4 nơi bà Thạch Chính Lệ làm việc mới chỉ được hoàn thành vào năm 2015, và được chấp nhận hoạt động vào năm 2017, được cho phép thực hiện các hoạt động liên quan tới các thí nghiệm virus nguy hiểm vào ngày 27/11/2918.
Tuy nhiên, kể từ 2011, nhóm của bà Thạch Chính Lệ đã bắt đầu nghiên cứu trên dơi mang về từ Côn Minh.
Trong một bài báo trên tạp chí y khoa Nature Medicine năm 2015 có đăng tải nghiên cứu của Ralph Baric và các cộng sự của ông tại Đại học Bắc Carolina với tiêu đề: “Virus corona giống như SARS ở một tổ hợp dơi cho thấy nguy cơ xuất hiện ở người” (A SARS-like cluster of circulating bat coronaviruses shows potential for human emergence.).
Baric cùng nhóm cộng sự đã tạo ra một loại virus có tên SHC014-MA15, là thực thể tái tổ hợp của virus SHC014-CoV của dơi không độc và có thể lây sang người, và virus SARS-MA15 có độc trên chuột. Họ phát hiện ra loại virus nhân tạo này có tiềm năng dùng làm cơ sở để tạo ra một phiên bản tiên tiến hơn, vừa có thể gây bệnh nguy hiểm vừa lây lan giữa người với người.
Thạch Chính Lệ, một nhà khoa học chủ chốt của Viện Virus học Vũ Hán, cũng là một trong những tác giả của bài báo của Baric. Tuy nhiên, sau khi Hoa Kỳ dừng tài trợ cho nghiên cứu của Baric do những lo ngại về đạo đức, Thạch và nhóm của bà vẫn tiếp tục nghiên cứu ở Vũ Hán.
Khi so sánh chủng virus SHC014-MA15 được báo cáo trong bài báo trên Nature Medicine của bà Thạch với chủng virus corona mới, người ta phát hiện một số điểm tương đồng, bao gồm: 1) cả hai loại virus này đều xuất phát từ dơi; 2) cả hai đều là virus corona giống SARS với protein gai dạng nấm trên bề mặt; 3) protein đột biến của cả hai loại virus đều tương tác với thụ thể ACE2 trên tế bào người để hỗ trợ cho sự xâm nhập của chúng; 4) một điểm quan trọng nữa là cả hai loại virus này đều nhắm vào phổi và hệ hô hấp của vật chủ, mặc dù sau đó loại virus mới này được phát hiện là nhắm vào hầu hết mọi cơ quan của cơ thể người.
Nếu nhóm của bà Thạch không có mục đích là tạo ra vũ khí sinh học, thì mục đích của nghiên cứu này rất có thể là để chứng minh một chủng virus tương tự SARS rồi sẽ xuất hiện và gây ra thảm họa cho nhân loại. Đồng thời cũng là tìm cách để phát triển một loại vắc-xin hay thuốc điều trị dành cho chủng virus trong tương lai.
Cũng có thể người mới là vật chủ để virus dơi trở thành COVID-19
Mặc dù không có câu trả lời chính xác loài nào là vật chủ trung gian của COVID-19, nhưng khi truy lại hành trình tìm kiếm phương pháp nhằm ngăn chặn một dịch bệnh tương tự SARS của bà Thạch Chính Lệ, thì chúng ta có thể nhận ra một thực tế: có thể người mới là vật chủ để virus dơi trở thành COVID-19.
Qua những tấm ảnh trên, có thể thấy khi nhóm của bà Thạch Chính Lệ làm việc ở Vân Nam để thu thập các mẫu virus dơi, họ đã làm việc rất gần với dơi, bao gồm cả việc lấy mẫu. Một số người không đeo mặt nạ hoặc găng tay. Ngay cả những người đeo găng tay cũng bị dơi cắn và chảy máu.
Bà Thạch giải thích chỉ khi có quá nhiều dơi trong hang và bụi gây khó thở thì họ mới trang bị bảo hộ cá nhân, nhưng với giải thích này thì rõ ràng trang bị không phải là để chống lây nhiễm. Bà cho biết trong một bài thuyết trình tháng 6 năm 2018: “Mặc dù dơi mang nhiều virus nhưng xác suất lây nhiễm sang người là rất thấp.”
Nhưng điều này có thể rất rủi ro. Bài viết của nhóm bà Thạch trên tạp chí Virologica Sinica vào tháng 3 năm 2018 cho biết đã tìm thấy 3% dân làng ở khu vực gần hang dơi, nơi họ làm việc, có kháng thể chống virus corona, một dấu hiệu rõ ràng về hiện tượng lây nhiễm trước đó. Bởi vì theo thời gian, mật độ kháng thể sẽ giảm xuống dưới mức phát hiện được, nên tỷ lệ nhiễm bệnh thực tế của dân làng có thể cao hơn.
Họ bị nhiễm bệnh như thế nào? Một số người đã nhìn thấy dơi bay vào làng, và một người dân đã xử lý một con dơi chết; cũng có lần một số người đến gần hang động. Nếu vậy, nhóm bà Thạch đã đi vào hang nghiên cứu dơi, do đó cơ hội nhiễm bệnh của họ có thể cao hơn nhiều. Chỉ là virus này không độc hại, và việc lây nhiễm không gây bệnh.
Cần lưu ý, dơi trong hang, đặc biệt là dơi móng ngựa, là vật chủ tự nhiên của SARS và các loại virus khác. Chúng mang đủ loại gen liên quan đến SARS. Khi virus liên tục trải qua việc trao đổi gen di truyền (tái tổ hợp), thật khó để dự đoán những gì sẽ ra. Ở một mức độ nào đó, có thể gọi nó là chiếc hộp Pandora của thế giới virus.
Nếu các thành viên trong nhóm của bà Thạch bị nhiễm virus và mang nó trở lại Vũ Hán, thì cũng có thể giải thích tại sao virus dơi RaTG13 mà nhóm bà Thạch mang về trong ống nghiệm có đến 96,2% giống chuỗi gen của COVID-19, là chủng gần nhất được báo cáo cho đến nay.
Việc Viện Virus học Vũ Hán báo cáo không có trường hợp nhiễm bệnh nào không có nghĩa là các nhà nghiên cứu của họ không phải là những vật chủ đầu tiên. Các nhân viên có thể đã có kháng thể từ các lần lây nhiễm với virus không gây bệnh trước đó. Cũng như khi công nhân bò sữa tiếp xúc với đậu mùa ở bò thì cũng miễn nhiễm với bệnh đậu mùa, các nhân viên đã hình thành miễn nhiễm với một chủng virus tương tự COVID-19 nhưng chưa mang độc. Loại virus này sau đó lây lan ra, biến đổi và trở thành COVID-19. Tuy nhiên các kháng thể đối với chủng virus corona này qua thời gian thì yếu đi, vì thế phương pháp xét nghiệm kháng thể COVID-19 trở nên không có hiệu quả, đó là lý do khi xét nghiệm, nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán không dương tính.
Chiếc hộp Pandora
Bà Thạch Chính Lệ từng lấy tính mạng của mình để thề rằng phòng thí nghiệm của bà không tạo ra COVID-19. Bản thân bà Thạch lại dùng 17 năm nghiên cứu khoa học để tìm kiếm nguồn gốc của SARS và tìm kiếm cách ngăn chặn SARS. Xét từ quá trình nghiên cứu khoa học của bà, rất có thể đây là sự thật.
Tuy nhiên nếu 1 trong 2 giả thuyết của chúng ta là sự thật, thì mặt khác, chính nhóm của bà Thạch đã mở ra chiếc hộp Pandora mang COVID-19 đến với thế giới.
Hơn nữa cần khẳng định rằng, dù bà Thạch có không tìm ra chiếc hộp Pandora này, nếu COVID-19 thực sự có nguồn gốc tự nhiên, cộng với sự thực là virus corona đã từng lây nhiễm bên trong khu làng ở Côn Minh, thì có lẽ chỉ là vấn đề thời gian khi một thứ tương tự COVID-19 xuất hiện và tàn phá thế giới.
Điều đáng nói ở đây là COVID-19 sẽ không trở thành thảm họa nếu ở vào những tuần đầu, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc không che giấu sự bùng phát của đại dịch đối với người dân và đối với thế giới.
Xem thêm: Ai đã mở chiếc hộp Pandora gieo rắc dịch bệnh trên toàn cầu?
Trích lược và biên tập từ loạt bài viết của Đồng Căn và Vô Huyền
Theo Minghui.org