Ngày 14/3, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên huỷ bản án hành chính giao về cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ ông Phạm Hoàng Việt kiện Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chuyển phát chuyển phát nhanh, Cục Hải quan TP.HCM liên quan đến một cặp đôn gốm mua đấu giá từ Pháp về.
Báo VnExpress, theo đơn kiện, ông Việt mua cặp đôn gốm Cây Mai (thuộc dòng gốm Sài Gòn xưa) từ thế kỷ 19 của nhà đấu giá Asium ở Paris, Pháp. Sau một thời gian được lưu giữ trong các bộ sưu tập tư nhân ở Pháp, cặp đôn này được chủ nhân mang ra đấu giá.
Ông Việt cho biết, vì muốn lưu giữ những hiện vật quý của đất nước, tháng 6/2018 ông mua và nhờ người thân ở Pháp chuyển về TP.HCM thông qua Công ty TNHH TNT Express Worldwide – Chi nhánh TP.HCM (Công ty TNT). Giá rao bán cặp đôn này trên trang web là 1.500-2.000 euro.
Ngày 13/8/2018, khi hàng chuyển về đến sân bay Tân Sơn Nhất, Đội thủ tục Hàng hóa xuất nhập khẩu 4 phối hợp Tổ kiểm soát chi cục, Đội kiểm soát hải quan kiểm tra thực tế lô hàng dưới sự chứng kiến của đại diện Công ty TNT. Tuy nhiên, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh không cho thông quan do “hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, cấm nhập khẩu”.
Tháng 8/2018, kết quả trưng cầu giám định của Phòng kiểm tra Văn hóa phẩm xuất nhập khẩu (Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM) xác định “cặp đôn bằng gốm men nhiều màu, kiểu gốm Sài Gòn xưa dùng để trang trí, đồ giả cổ, mô phỏng một ngôi miếu, có thể hiện hình người và tượng thần hộ pháp là hàng hóa được phép nhập khẩu”, không vi phạm Nghị định 32/2012 của Chính phủ về quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.
Ba tuần sau, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh lại có công văn yêu cầu trưng cầu giám định lần hai tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Theo kết luận của trung tâm này, tại thời điểm giám định, “hàng đã qua sử dụng, thuộc danh mục cấm nhập khẩu” theo Thông tư 12/2018 của Bộ Công Thương.
Sau 8 tháng không được thông quan, ông Việt thông qua người đại diện làm đơn khiếu nại. Đến ngày 8/5/2019, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh ra quyết định số 1749 về việc tạm giữ hai chiếc đôn.
Ông Việt tiếp tục khiếu nại kết quả giám định và quyết định tạm giữ tang vật của hải quan. Ngày 23/5/2019, Chi cục Hải quan ra quyết định không chấp nhận khiếu nại của ông Việt cũng như đề nghị thông quan cặp đôn.
Theo Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, căn cứ kết quả kiểm tra giám định của Trung tâm đo lường 3, ông Việt đã có hành vi nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, vi phạm Khoản 10 Điều 14 Nghị định 127/2013 của Chính phủ.
Không đồng tình, ông Việt khởi kiện Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh, yêu cầu TAND TP.HCM hủy bỏ các quyết định tạm giữ, tịch thu tang vật và yêu cầu cho thông quan cặp đôn gốm Cây Mai.
Ông Việt cho rằng, giá trị vật chất quy ra tiền của hai chiếc đôn này không bao nhiêu nhưng đối với ông và gia đình đây là vật phẩm mang tính lưu niệm, có giá trị tinh thần cao. Theo ông, mục đích của việc cấm nhập khẩu hàng hóa ngoại thương đã qua sử dụng là nhằm bảo vệ môi trường và các ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa cùng loại, kém chất lượng, giá thành thấp. “Trong trường hợp của tôi, hàng hóa là vật phẩm văn hóa lưu niệm, không có tính thương mại, số lượng chỉ có một nên việc xử lý của cơ quan hải quan không thấu tình, đạt lý và trái pháp luật”, ông Việt nêu trong đơn kiện.
Hồi tháng 6/2020, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên bác các yêu cầu của ông Việt, bởi căn cứ vào kết quả giám định của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, cặp đôn ông Việt nhập khẩu là “hàng đã qua sử dụng thuộc danh mục cấm”.
Ông Việt kháng cáo toàn bộ bản án và đề nghị cấp phúc thẩm hủy các quyết định của hải quan.
Tại phiên phúc thẩm hôm (14/3), sau khi nghiên cứu hồ sơ, HĐXX đã chấp nhận đơn kháng cáo của ông Việt, tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao cho tòa sơ thẩm giải quyết lại.
Theo HĐXX, bản án sơ thẩm thu thập tài liệu chưa đầy đủ, trong đó có Biên bản vi phạm hành chính số 15 ngày 15/5/2019 làm căn cứ cho Quyết định xử lý vi phạm hành chính của Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, tịch thu cặp đôn gốm. Cấp sơ thẩm cũng chưa tiến hành lấy lời khai của những người chứng kiến khi lập biên bản vi phạm hành chính và cần phải đưa những người này tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng.
Ngoài ra, tòa cũng cho rằng, trong hồ sơ vụ án có hai bản kết luận giám định đối với tang vật, cổ vật mâu thuẫn nhau. Phòng quản lý di sản thuộc Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM kết luận cặp đôn gốm là vật phẩm văn hóa được phép lưu hành; trong khi Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho là hàng hóa đã qua sử dụng, cấm nhập khẩu. Các kết luận này chưa đủ cơ sở để quyết định, nên cần trưng cầu giám định ở cơ quan giám định cấp cao hơn.
Sản phẩm văn hóa thì phải được trân trọng, không thể cứ cho là đồ đã qua sử dụng là tịch thu
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, tiến sĩ Bùi Phát Diệm, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Long An, cho rằng, một khi cơ quan quản lý văn hóa đã xác định, chấp thuận cho nhập khẩu thì nên cho thông quan. “Đồng ý rằng hải quan bị ràng buộc, điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau nhưng ngành văn hóa đã có giấy xác nhận rồi và họ có trách nhiệm về xác định của mình. Đừng quên, dù cho có là hàng giả cổ thì cũng là một sản phẩm văn hóa. Quan điểm của tôi là cứ cho nhập khẩu theo kết luận của đơn vị quản lý ngành văn hóa”, ông nói.
Theo tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Hội Khảo cổ học Việt Nam, trước tiên cần phải dành lời khen ngợi đối với ông Việt bởi có tấm lòng, thiện chí muốn đưa sản phẩm văn hóa Việt Nam về với quê hương. “Trong khi hiện chúng ta đang bị “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài rất nhiều thì những người có ý thức muốn đưa vật phẩm văn hóa hồi hương như vậy rất đáng khen”, ông Hòa nói.
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa cũng cho rằng, cho dù cặp đôn có là đồ “giả cổ” đi nữa thì vẫn là sản phẩm văn hóa. Đã là sản phẩm văn hóa thì phải được trân trọng, đối xử tử tế, công bằng không thể cứ cho là đồ đã qua sử dụng là tịch thu.
Theo ĐKN