Hình ảnh ngày 28/7/2019, một người đàn ông ở Yemen đứng trên mái nhà để bắt châu chấu (Ảnh: MOHAMMED HUWAIS / AFP via Getty Images)
Châu Phi đang trải qua một trận dịch châu chấu mới. Truyền thông nước ngoài cho biết quy mô châu chấu lần này gấp khoảng 20 lần đợt đầu, thậm chí có tính hủy diệt hơn cả dịch viêm phổi Vũ Hán. Mặc dù châu chấu châu Phi chưa xâm nhập vào Trung Quốc, nhưng một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn nguy hiểm trước thảm họa châu chấu vào tháng 6 năm nay. Họ nói rằng "châu chấu đã bắt đầu gõ cửa Trung Quốc".
Châu chấu đã bắt đầu gõ cửa Trung Quốc, tháng 6 sẽ bước vào thời kỳ nguy hiểm
Theo tờ Tin tức Bắc Kinh của truyền thông Trung Quốc, vào ngày 14/4, nhà khoa học tại Hệ thống Công nghệ Công nghiệp Thức ăn gia súc Quốc gia và là nhà nghiên cứu tại Viện Bảo vệ Thực vật của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc - ông Trương Trạch Hoa (Zhang Zehua) nói rằng: vào tháng 6 năm nay, Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn có nguy cơ cao bị châu chấu Châu Phi tấn công.
Ông Trương Trạch Hoa cho rằng trong quần thể châu chấu hiện tại, hiện tượng chồng chéo thế hệ khá nghiêm trọng. Vào tháng 3 năm nay, phát hiện trong đàn châu chấu có con đã trưởng thành giai đoạn cuối. Bây giờ đã sinh sôi ra lứa mới, hai lần gối chồng nhau khiến số lượng đã trở nên rất lớn.
Ông cũng nói rằng làn sóng thảm họa châu chấu thứ hai đã bùng phát, nhưng hiện tại nó mới đang xảy ra ở 5 quốc gia Đông Phi, và mối nguy hiểm thực sự là sau khi dịch châu chấu này lan rộng.
Bài báo cho biết, tháng 6 là thời kỳ châu chấu sa mạc di cư cao, có thể nó sẽ tiếp tục lan sang Ấn Độ, Pakistan và các nơi khác. Mặc dù đợt châu chấu lần trước không vào Trung Quốc, nguy cơ làn sóng thứ hai sắp tới sẽ càng cao hơn.
Ông Trương Trạch Hoa nói rằng có hai tuyến đường chính mà đàn châu chấu sẽ di cư: "Một là tuyến đường phía bắc, xuất phát từ lưu vực sông Ấn Độ theo gió tây mà tới, đánh vào cao nguyên Tây Tạng và đi về phía nam dọc theo rìa cao nguyên Tây Tạng đến Myanmar và các nơi khác, sau đó theo tình hình gió mùa có thể đi vào Vân Nam, Quảng Tây và thậm chí là Quảng Đông ở Trung Quốc. Hai là tuyến đường phía nam, gió mùa Đông Á bắt nguồn từ Ấn Độ Dương và luồng không khí ở khu vực phía nam của Biển Đỏ, góc Châu Phi và gió tây hội tụ và cuối cùng đến Vân Nam. Châu chấu cũng có thể đến Vân Nam theo dòng không khí. Tình huống này có thể xảy ra vào tháng 6, nghĩa là Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ nguy hiểm trước thảm họa châu chấu Châu Phi vào tháng 6".
Ông Trương nói rằng có hai cách để châu chấu vào Trung Quốc. "Đầu tiên là bay qua hai tuyến đường, và tuyến phía nam có nguy cơ cao hơn so với tuyến phía bắc. Thứ hai là qua đường vận tải hàng hóa, châu chấu có thể chui vào trong hàng hóa. Con côn trùng nhỏ như thế, ẩn nấp trong container, sẽ rất khó để phát hiện ra”.
Ông còn đề cập rằng hiện tại, hải quan Thượng Hải đã phát hiện ra có châu chấu ở trong hàng hóa, "có thể nói rõ rằng châu chấu đã bắt đầu gõ cửa nhà chúng ta".
Ông Trương nói: "Nếu châu chấu gõ cửa, công nghệ hiện tại của chúng ta có thể đối phó được, nhưng điều rắc rối nhất là nó có thể ở lại sinh sôi không đi, nếu mà như thế thì có thể cần thời gian dài mới xử lý được" .
Ngày 2/3, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Cục Lâm nghiệp Nhà nước Trung Quốc đã ban hành một thông báo khẩn cấp yêu cầu Vân Nam, Tây Tạng và Tân Cương phải được giám sát toàn diện. Các chuyên gia đã xác định rằng nếu điều kiện khí hậu phù hợp, có 3 khả năng châu chấu sa mạc xâm chiếm Trung Quốc: một là xâm chiếm Tây Tạng trực tiếp từ Pakistan và Ấn Độ, hai là xâm chiếm Vân Nam từ Myanmar và thứ ba là xâm chiếm Tân Cương qua Kazakhstan.
Không chỉ cắn người, giống châu chấu mới còn có "kỹ năng mới"
Châu chấu là loài côn trùng di cư gây hại lâu đời nhất trên thế giới và châu chấu sa mạc là loài phá hoại nhất. Số lượng châu chấu trên mỗi km vuông có thể đạt tới 40 triệu con, có thể bay 150 km mỗi ngày và có thể ăn lương thực của 35.000 người trong một ngày. Không chỉ vậy, lần này châu chấu thậm chí còn "luyện được các kỹ năng mới".
Theo tin từ Nhật báo Quốc gia Kenya, vào ngày 14/4, loài châu chấu mới thậm chí có thể ẩn nấp dưới lá cây hoặc bay phân tán, phun thuốc từ trên không cũng rất khó để tiêu diệt được những côn trùng này.
Trước đó, các kênh truyền thông Đại lục đưa tin rằng Cục Quản lý Lâm nghiệp Nhà nước Trung Quốc đã cử một nhóm chuyên gia đến khảo sát các khu vực bị ảnh hưởng của nạn châu chấu ở Pakistan. Một số chuyên gia đã bị châu chấu cắn trong quá trình thị sát.
Phó trưởng trạm bảo vệ thực vật tỉnh Sơn Đông, ông Vương Đồng Vĩ đã cùng đi với nhóm chuyên gia, cũng nói rằng châu chấu sa mạc lần này hung dữ và lớn hơn so với châu chấu di cư Đông Á phổ biến thường thấy ở Trung Quốc.
Vào tháng 2 năm nay, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo với thế giới, vì mùa mưa sẽ bắt đầu vào đầu tháng 3, vũng nước sau cơn mưa là nơi cho châu chấu sinh sôi. Nếu không thể ngăn chặn thảm họa, số lượng châu chấu có thể tăng gấp 500 lần vào trước tháng 6; trong nửa năm, nó sẽ tăng gấp 64 triệu lần và lan sang nhiều quốc gia hơn.
Tổ chức nông nghiệp cũng tuyên bố rằng dịch châu chấu bùng phát là một mối đe dọa chưa từng có đối với an ninh lương thực và sinh kế. Vào tháng 5, giai đoạn mùa xuân vẫn là thời kỳ sinh sản của châu chấu. Điều này có nghĩa là sẽ có đợt châu chấu thứ ba vào cuối tháng 6 và cuối tháng 7 năm nay. Đó là mùa thu hoạch của nông dân.
Minh Thanh (Theo secret china)