Thương tâm nhất trong đại dịch Covid-19 vẫn là trẻ em, có em còn quá bé đã mất cả cha lẫn mẹ, có em chưa thể hiểu “cái chết nghĩa là gì”. Như bé Bảo Châu, 4 tuổi, cha bỏ đi, mẹ mất vì Covid-19, một mình bé ở phòng trọ nhận tro cốt mẹ với ánh mắt buồn ngơ ngác.
Cơn bão Covid-19 đang để lại rất nhiều mất mát tang thương cho hàng ngàn gia đình, nhiều đứa trẻ thậm chí mất 3, 4 người thân chỉ trong một tháng ngắn ngủi. Đằng sau đại dịch Covid-19 đang tiềm ẩn một “đại dịch” khác mà có thể phải mất thời gian rất lâu, rất dài mới có thể xoa dịu được, đó là những những tổn thương tâm lý của những đứa trẻ mồ côi vì Covid-19. Những đứa trẻ này sẽ phải đối mặt với những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống hiện tại và tương lai, khi không còn nơi nương tựa cả về tinh thần lẫn vật chất.
Một hoàn cảnh thương tâm mới đây được báo chí và cộng đồng quan tâm là bé Phạm Thị Bảo Châu, 4 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh.
Hoàn cảnh của bé Châu rất đáng thương, cha bé bỏ đi khi em mới lọt lòng. Cô bé sống cùng mẹ trong một khu nhà trọ dành cho dân lao động nghèo ở phường Tân Phú, Thủ Đức. Mẹ bé là chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (44 tuổi) làm nghề nhặt ve chai kiếm sống. Cách đây ít lâu, hai mẹ con đều dương tính với Covid-19 nên được đi cách ly điều trị ở bệnh viện thành phố Thủ Đức. Nhưng tới ngày 7/8, chị Nga trở nặng vì suy hô hấp và qua đời.
Khi đó, bé Châu cũng vừa đỡ bệnh, nồng độ virus thấp nên được cho về nhà tự cách ly.
Đến ngày 8/8, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên (thuộc Ban chỉ huy quân sự TP. Thủ Đức) đi bàn giao tro cốt chị Nga về cho gia đình, nhưng đến nơi chỉ có mình bé Châu đang ngồi lủi thủi trong nhà trọ.
Hỏi thăm hàng xóm, anh Kiên mới hiểu hoàn cảnh đáng thương của cô bé. Cha bé đã bỏ đi từ khi con mới chào đời. Còn mẹ bé lúc còn sống làm nghề nhặt ve chai, thu nhập rất bấp bênh. Cũng chưa tìm được người thân nào khác có thể giúp đỡ, bảo hộ cháu bé.
Người Thiếu tá nhận làm cha đỡ đầu của cháu bé
“Mẹ mất rồi, bé ở một mình như vậy tôi không an tâm, nên xin ý kiến ban chỉ huy đưa tro cốt của chị Nga về lại đơn vị, và đưa bé Châu vào khu cách ly phường Tân Phú" -Thiếu tá Kiên chia sẻ.
Khi đưa về đơn vị, bé Châu được sắp xếp ở căn phòng có không gian thoáng mát, an toàn, ở cùng với một phụ nữ trong xóm trọ của bé vừa khỏi Covid-19.
Gần đây, anh Kiên mới liên lạc được với bà ngoại của cháu Châu. Cô bé may mắn còn một anh trai và một chị ruột (9 tuổi và 8 tuổi) đang sống cùng bà ngoại 87 tuổi ở quận 4 nhưng gia cảnh cũng khá khó khăn. Con trai mất, bà cụ sống nhờ người con dâu tốt bụng. Con dâu cụ cũng bị tật sau tai nạn nhưng vẫn ráng đi làm nuôi mẹ chồng, con và hai anh chị của bé Châu. Không những thế, dịch bệnh khiến cuộc sống của gia đình đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Thương cảm hoàn cảnh côi cút của cháu bé, anh Kiên đã liên hệ đến nơi cháu Châu điều trị để thăm hỏi, động viên và quyết định nhận bảo trợ học tập cho đến khi cháu đủ 18 tuổi.
Đồng thời, anh Kiên cũng tìm được thông tin một người cô ruột của cháu là chị Phạm Thị Diệu đang ở trọ tại Vũng Tàu, hoàn cảnh cũng khó khăn nên chưa có đủ điều kiện nuôi cháu bé. Do đó, anh Kiên cùng cô cháu bé đã mở một tài khoản nhận quyên góp của các mạnh thường quân để giúp cháu có điều kiện học tập sau này.
Thiếu tá Kiên dự định khi TP. HCM kiểm soát được dịch, anh sẽ đón bé Châu trở lại, rồi đưa bé đến sống cùng bà ngoại và anh chị.
"Để ba anh em sống gần nhau, tôi nghĩ sẽ tốt hơn. Hằng tuần tôi sẽ chạy qua chạy lại hỏi thăm và lo chi phí học tập, ăn uống cho con" - Thiếu tá Kiên nói và cho hay sẽ cố gắng lo cho con tới 18 tuổi.
Những đứa trẻ không còn nơi nương tựa
Trong buổi trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ, Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận - Giảng viên Đại học Y Dược TP. HCM - cho biết, trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau dịch Covid-19 chia thành 3 nhóm: Nhóm mồ côi cha, mồ côi mẹ và nhóm mất cả cha lẫn mẹ.
Theo ông Thuận, việc mất đi cha mẹ là một sang chấn tâm lý rất lớn, không gì có thể bù đắp được và rất nghiêm trọng. Nếu không được quan tâm đúng mức, trẻ có thể gây ra những hành vi tiêu cực cho chính bản thân trẻ và cả xã hội.
Ông Thuận cho hay, có những nhóm trẻ mất cha hoặc mẹ, người còn lại không đủ sức lao động sẽ dẫn tới trẻ thiếu dinh dưỡng, học hành sa sút, chậm phát triển tâm thần. Khi không đủ ăn, trẻ bắt buộc phải lao động sớm dẫn đến khả năng bị lạm dụng.
Về y tế, theo ông Thuận, những trẻ không được quan tâm đúng mức có thể chính là nguồn lây bệnh vì không có ai chăm sóc, điều trị, đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu trầm cảm, lo âu kéo dài, trẻ không thể trở thành người công dân bình thường... Đây là vấn đề y tế và sức khỏe tâm thần khẩn cấp.
Theo thống kê, từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát đến nay, TP. HCM đã có hơn 1.500 trẻ em rơi vào cảnh mồ côi, mất cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ.
Thiên Cầm (Theo NTDVN)
Xem thêm:
VIDEO - Mật Mã Ngày Tận Thế Trong Kinh Thánh: Năm 2021 Là Năm Quan Trọng