Sự chân thành hay lương thiện thật sự vốn không phải từ một mưu cầu lợi ích nào đó mà có, nó xuất phát từ sâu thẳm trong nội tâm con người, như một bản năng, như một điều hiển nhiên không thể làm khác hay ngụy tạo được. Cuộc sống như tiếng vọng, cay đắng hay ngọt bùi mà chúng ta nhận được hôm nay có khi lại chính là điều ta đã cho đi trong môi trường sống trước kia, như 2 câu chuyện dưới đây.
Sự chân thành là điều vô giá
Tại Mỹ, ông chủ của một công ty nhỏ đàm phán với tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn, nhưng nhiều lần thất bại.
Một lần nọ, ông chủ nhỏ bước ra khỏi văn phòng của vị tổng giám đốc, lần hợp tác này không thành. Anh nhìn thấy bên đường có một cây non bị gió thổi rạp xuống đất, bèn chạy tới đỡ cây non đứng lên. Vì không muốn để cây bị gió thổi đổ một lần nữa, anh còn lấy dây thừng trong xe buộc cố định cây non lại.
Không ai ngờ được rằng, hành động này của anh đã lọt vào tầm mắt của vị tổng giám đốc nọ. Chính hành động vô tình này đã khiến tổng giám đốc cảm động, cuối cùng hai bên đã hợp tác thành công.
Khi ký kết hợp đồng, vị tổng giám đốc nói: “Cậu có biết không? Hành động khiến tôi xúc động không phải là cậu đỡ cây non đứng dậy, mà là vì cây non đó, cậu đã đi rất xa, để lấy một sợi dây thừng cố định lại. Khi người khác cần giúp đỡ, nếu không ai hay biết gì, mà vẫn không do dự hy sinh lợi ích của bản thân, dẫu chỉ một chút, cũng là điều khó có thể làm được! Tôi không có lý do gì lại không hợp tác với người như vậy, người như vậy cũng không có lý do gì không đạt được thành công!”
Sau này, sự nghiệp của ông chủ nhỏ nọ quả nhiên ngày một hưng thịnh, càng làm càng lớn!
Cơ hội thường bất ngờ khảo nghiệm sự lương thiện của con người
Trong một cửa hàng bách hóa tại Mỹ, trời đột nhiên mưa lớn, một bà lão ăn mặc giản dị ướt sũng cả người, chạy tới trú mưa. Hầu như tất cả nhân viên trong cửa hàng đều không ngó ngàng gì tới bà lão.
Một chàng trai trẻ rất thành khẩn bước tới, nói: “Chào bà, cháu có thể làm được gì cho bà ạ?”
“Không cần đầu, tôi tránh mưa một chút sẽ lập tức rời đi.” Bà lão cảm thấy có đôi chút bất an khi mượn chỗ của người khác để trú mưa, bèn muốn mua một chút đồ. Nhưng đi lòng vòng mãi cũng không biết phải mua gì.
Chàng trai trẻ thấy vậy, bèn nói với bà lão: “Bà ơi, không cần phải làm vậy đâu ạ! Cháu kê một chiếc ghế đặt ở cửa, bà yên tâm nghỉ ngơi là được rồi ạ.”
Sau hai tiếng đồng hồ cơn mưa dứt hẳn. Bà lão hỏi xin danh thiếp của chàng trai rồi rời đi. Vài tháng sau, chàng trai nhận được một cơ hội, được chỉ định làm người đại diện cho công ty bách hóa này đàm phán với một công ty gia tộc lớn, hứa hẹn mức lợi nhuận khổng lồ.
Sau này mới biết được rằng đó là cơ hội bà lão trước kia mang tới. Bà lão ấy không phải ai khác, chính là mẹ của Andrew Carnegie, ông “vua thép”, người giàu thứ ba trong lịch sử thế giới.
Chàng trai trẻ nhờ vậy đã thuận buồm xuôi gió thăng tiến lên tận ‘mây xanh’, trở thành cánh tay phải đắc lực của Andrew Carnegie. Đồng thời anh cũng là nhân vật trọng yếu giàu có chỉ đứng sau Andrew Carnegie.
Sự chân thành và lương thiện không thể ngụy tạo, dẫu ngụy tạo cũng chỉ có thể nhất thời, chẳng thể lừa gạt cả đời. Sự tôn trọng xuất phát tự nội tâm dành cho mọi sinh mệnh, tự nhiên sẽ được đền đáp. Những điều vô giá trên thế gian không nhiều, chân thành và lương thiện chắc chắn là một trong số đó.
Lê Minh
Theo Tri Thức VN