Đầu thời Bắc Tống, có một vị tướng quân tên là Tào Hàn, tính cách rất tàn ác, thường hay tùy ý giết người không thương tiếc. Tuy nhiên, Tào Hàn lại không dám ra tay với một vị lão sư, và trong cuộc trò chuyện giữa họ đã nhắc đến câu “giết người không chớp mắt” này.
Một lần nọ, Tào Hàn dắt quân của mình đi qua đền Viên Thông ở núi Lưu. Tại đây, có một vị lão tăng pháp danh là Duyên Đức ở trong đền đang ngồi bất động, không hề đứng lên chắp tay hành lễ với Tào Hàn.
Tào Hàn thấy thế phẫn nộ lớn tiếng: “Lão hòa thượng, lẽ nào ngươi chưa từng nghe qua có một vị tướng quân ‘giết người không chớp mắt’ sao?”.
Lão hòa thượng Duyên Đức nhắm mắt như chẳng nghe thấy lời đe dọa của Tào Hàn, ông nói: “Lẽ nào ngươi không biết trên thế giới này có một vị hòa thượng không sợ chết sao?”.
Tào Hàn nghe câu này xong thì lập tức cung kính, nể phục lão hòa thượng.
Vậy nên câu nói “Giết người không chớp mắt” kinh điển này chính là bắt đầu từ cuộc đối thoại giữa Tào Hàn và vị hòa thượng Duyên Đức. Sau đó được người đời dùng để miêu tả sự tàn độc, hung ác của những tên ác nhân, giết người.
Đoạn hội thoại khắc họa hình ảnh Tào Hàn, kẻ giết người không chớp mắt khi đối diện với vị hòa thượng không sợ chết Duyên Đức, đưa đến một đạo lý rằng kẻ ác dẫu hung hăng đến mấy nếu phải đối diện với sự tĩnh tại và không sợ sống chết của bậc cao tăng đều phải cúi đầu kính ngưỡng.
Đây chính là cảnh giới chân chính của một người tu luyện, vốn đã vượt ngoài chuyện sinh tử, thế nhân trông thấy chỉ có thể cúi mình mà ngưỡng vọng.
Thực tế lịch sử cho thấy, Tào Hàn quả thật là một người rất hung ác, từng dẫn binh tàn sát thành Giang Châu, tùy ý đốt giết. Hắn chính là một kẻ giết người không chớp mắt.
Cho nên không lâu sau khi hắn chết, con cháu đa phần đều trở thành ăn mày, đây chính là tội nghiệp giáng xuống dòng tộc, hơn nữa, nhân gian còn lưu truyền chuyện Tào Hàn vì ác nghiệp mà chuyển kiếp thành heo.
Trái ngược với Tào Hàn, vị đại tướng Tào Bân khi đó vì nhân từ yêu dân, nên con cháu đều rất hiển hách. Có thể thấy nhân quả báo ứng thật sự không hề gian dối.
Truyền thuyết dân gian: Tào Hàn đồ sát cả thành, nhiều lần đầu thai thành heo
Tào Hàn từng có lần dẫn binh tấn công vào Giang Châu, bắt sống chỉ huy Hồ Tắc. Sau khi giết chết Hồ Tắc, hắn còn dẫn binh cướp bóc tài sản của dân, tùy ý đốt phá. Người lương thiện cũng không thoát khỏi sự tàn sát vô độ của Tào Hàn, số người chết dưới tay Tào Hàn nhiều không đếm xuể.
Không lâu sau khi Tào Hàn chết, con của hắn chưa trưởng thành đã chết yểu, cháu thì đa phần làm ăn mày. Vợ hắn lâm cảnh khốn cùng, cuối cùng trở thành kỹ nữ.
Từng có một người Tô Châu tên là Lưu Tích Nguyên, vào giữa thu năm Nhâm Tử vạn lịch thời Minh, đã nhận chức quan tra khảo ở Quý Châu. Trong lúc ông về quê nhà, ngồi trên thuyền trôi qua sông Hồ Nam, thì nằm mơ thấy có một người mặt dài đi tới nói:
“Ta là tướng quân Tào Hàn thời Tống, kiếp trước vào thời Đường là một thương nhân, thỉnh thoảng có ghé qua đền nhìn thấy thầy giảng kinh, phát tâm thiết trai cung dưỡng, nghe kinh nửa ngày, do một đời thiện duyên nên từng được làm quan nhỏ mấy đời, cho đến khi làm tướng quân thời Tống, tên là Tào Hàn. Sau khi chinh phục Giang Châu, thì đồ sát cả thành, gieo phải nghiệp sát sinh, biến thành heo hết kiếp này đến kiếp khác, sống trong nhà của tá điền ngươi.
Cảm ơn ngươi từng cứu ta, bây giờ ở chỗ thuyền cập bến, ngày mai có con heo bị giết đầu tiên, đó chính là ta, có duyên gặp gỡ ngươi, khẩn cầu ngươi phát tâm từ bi, cứu lấy mạng của ta!”.
Lưu Tích Nguyên tỉnh lại từ trong mộng, nhìn thấy trên bờ chỗ đậu thuyền quả nhiên là một nơi bán thịt giết heo. Một lúc sau, người đồ tể nhấc một con heo lên, con heo này kêu rất lớn tiếng. Lưu Tích Nguyên đã dùng tiền để mua nó lại từ người bán thịt, rồi mang về Tô Châu, gửi vào khu phóng sinh ở Xương Môn để thả nó ra.
Điều kỳ lạ là cho dù là người như thế nào, chỉ cần gọi một tiếng Tào Hàn, con heo này đều sẽ ngoe nguẩy đuôi để hồi đáp. Tô Châu khi ấy có hàng ngàn hàng vạn người từng tận mắt chứng kiến câu chuyện này.
Chúc Di - Theo Tinh Hoa