Một khán giả đến xem chương trình thi Hoa hậu Việt Nam 2020 để lại bình luận rằng: “Sau nhiều năm, phần ứng xử của Hoa hậu Việt Nam vẫn không hề có ý kiến cá nhân mà vẫn rất sách vở” (theo Tuổi trẻ).
Thực vậy, nhiều câu hỏi đặt ra đối với các thí sinh thuộc loại “có hay không” hoặc “cái này hay cái kia” với những lựa chọn cho sẵn, chứ không hề là cách nghĩ riêng của họ. Phương thức đặt vấn đề như vậy đã hạn chế ngay từ đầu những gì mà người ta có thể nói, và dưới áp lực của cuộc thi – thí sinh buộc phải suy nghĩ chiểu theo những lối mòn tư duy này, điều ấy không khác gì “nhồi sọ”. Tệ nữa là những cách tư duy đó đôi khi là phản nhân tính, phản đạo lý. Đem nó tuyên truyền trên màn ảnh đến hàng triệu người xem là khiến cho xã hội cùng nhau tha hóa, nguy hại vô cùng.
Ví như câu hỏi: “Nếu bạn phải lựa chọn giữa người con hiếu thảo và người có ích trong xã hội thì bạn sẽ lựa chọn là người nào?”. Đây là câu hỏi dành cho thí sinh Phạm Thị Phương Quỳnh. Theo lẽ rất thường tình, những người con hiếu thảo thông thường sẽ là người có ích cho xã hội, bản thân việc giương cao lẽ phải, thủ vững luân thường đã là có ích cho xã hội. Do đó không hề phải lựa chọn gì ở đây, bản thân câu hỏi đã dựa trên một giả thiết không phù hợp, nên không cần lựa chọn.
Có lẽ, bản thân người đặt câu hỏi liễu giải có phần nông cạn về chữ Hiếu. Khổng Tử từng nói về chữ Hiếu: “Phụng dưỡng cha mẹ, nếu thấy cha mẹ có chỗ nào không đúng, thì chúng ta phải khéo léo nhẹ nhàng khuyên can.”. Có thể thấy, hiếu không có nghĩa là dung túng cho cha mẹ làm điều ác, khi thấy cha mẹ làm việc có hại cho xã hội mà khuyên răn, ngăn chặn mới là cái hiếu lớn hơn, như vậy cũng có ích với xã hội. Còn nếu chiểu theo luật nhân quả của đạo Phật thì ngăn người khác làm việc ác chính là cứu người ấy, do đó cũng là việc hiếu. Nhạc Phi năm xưa vì việc nước mà không thể hoàn thành bổn phận làm con, cũng không thấy ai mắng ông là đồ bất hiếu.
Người tự đặt mình vào lựa chọn trên, nếu không suy nghĩ được thấu đáo thì rất dễ đánh mất một phần nhân tính của chính mình.
Về câu hỏi của thí sinh Huỳnh Nguyễn Mai Phương: “Những hiện tượng thiên tai bất thường xảy ra ngày càng nhiều, bạn có đồng ý quan điểm vì con người đối xử quá tàn nhẫn với thiên nhiên nên giờ đây thiên nhiên đang trả thù con người?”.
Trước hết, vì đây là yes/no question, nên về logic thì người được hỏi chỉ có thể trả lời đồng ý hay không đồng ý mà không được nêu quan điểm riêng của mình. Tiếp đó, vấn đề con người tàn phá thiên nhiên dẫn đến thiên tai là một vấn đề khoa học và nên được trả lời dựa trên dẫn chứng khoa học, chứ không phải dựa trên quan điểm cá nhân, không phải “yes or no” mà là “how”.
Cách nói “thiên nhiên trả thù con người” là một lối nói phản truyền thống, phản văn hóa. Quan niệm truyền thống cho rằng Đạo trời là công bằng, công chính, vô tư. Do đó sự trừng phạt (nếu có) cũng là nghiệp quả mà con người tự chuốc lấy. Dùng từ “trả thù” là một lối diễn đạt phản văn hóa, mà tất nhiên là rất không thích hợp trong một chương trình tầm cỡ quốc gia.
Khá khen cho thí sinh Mai Phương đã “chỉnh” lại Ban tổ chức trong câu trả lời: “Mẹ thiên nhiên luôn yêu thương chúng ta nhưng con người lòng tham vô đáy đã làm hại thiên nhiên.” Tiếc rằng cô đã phải dừng chân tại vòng này.
Trong các câu hỏi ứng xử mà các thí sinh lọt top 5 bắt phải thì hai câu trên có thể nói là “nghiệt ngã” nhất. Nhưng hai trong ba thí sinh còn lại cũng không có được câu trả lời đậm tính nhân văn, thiếu sáng tạo và nước đôi.
Như câu hỏi dành cho đương kim hoa hậu Đỗ Thị Hà: “Nếu trở thành Hoa hậu Việt Nam 2020 bạn có nghĩ mình là hình mẫu cho các cô gái trẻ không?”. Phần trả lời của thí sinh bị dư luận chê là ứng xử tệ, ấp úng và thiếu tự tin: “Tôi nghĩ mình là người mang đủ phẩm chất, những yếu tố cần và đủ của con gái Việt Nam. Và dù có trở thành hình mẫu của con gái Việt Nam hay không, tôi sẽ là người truyền cảm hứng đến giới trẻ. Và tôi, tôi sẽ làm được”.
Trái ngược với câu hỏi nhạt nhẽo dành cho Hà, câu hỏi của Phạm Thị Phương Anh lại khá hay: “Giữa một trái tim ấm và một cái đầu lạnh đâu là yếu tố tiên quyết ta phải lựa chọn để đưa ta đến thành công và hạnh phúc?”. Câu hỏi này không bắt thí sinh phải buông bỏ, nhưng buộc họ phải xếp đặt thứ tự ưu tiên. Một câu trả lời hay có lẽ là chọn đức Nhân lên trước nhất, đức Trí ở phía sau. Tuy vậy thí sinh lại chỉ vận dụng cách nói lập lờ nước đôi: “Trong cuộc sống chúng ta phải khéo léo vận dụng cả hai yếu tố này để tìm được cả thành công và hạnh phúc".
Thí sinh cuối cùng lọt vào top 5 là Nguyễn Lê Ngọc Thảo nhận được câu hỏi từ ông Lê Xuân Sơn – Trưởng BTC Hoa hậu Việt Nam 2020: “Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải có đoạn ‘Ta làm con chim hót / Ta làm một cành hoa / Ta nhập vào hòa ca / Một nốt trầm xao xuyến’. Bạn muốn là một nốt nhạc lộng lẫy hay là một nốt nhạc trong bản hòa ca?”.
Theo nhận định của tác giả thì thí sinh thực sự hiểu được câu hỏi – mặc dù khá hóc búa, và trả lời cũng rất thông minh: “Cho dù là một nốt nhạc lặng lẽ hay vui thì em cũng sẽ tỏa sáng theo cách của riêng mình. Trong cuộc sống không ai có thể [tự] chọn cho mình một chỗ đứng, vị trí.”.
Nữ thí sinh đến từ TP.HCM này đã được Ban tổ chức vinh danh Á hậu 2 chung cuộc và Người đẹp biển.
Phần thi ứng xử nói trên chỉ là một trong hàng tá những “sạn” mà chương trình Hoa hậu Việt Nam năm nay gặp phải. Nhiều chỉ trích từ dư luận như thời lượng quá dài, tiết mục âm nhạc thô tục không thích hợp với một chương trình văn hóa, lạm dụng quảng cáo, người dẫn chương trình không chuyên nghiệp… cho thấy một đội ngũ biên đạo yếu kinh nghiệm, Ban tổ chức đã thiếu sót đối với một chương trình tầm cỡ quốc gia như thế này.
Từ Thức - Theo Tinh Hoa