Biên giới Trung - Ấn lại xảy ra xung đột. Gần đây, sau khi quân đội Trung Quốc bị thất bại ở biên giới, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) đã muốn gặp mặt Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh. Truyền thông Ấn Độ cho biết, từ đầu tháng 5 kể từ khi xảy ra xung đột biên giới giữa 2 nước đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã 3 lần xin tiếp kiến với ông Singh, và 2 lần trước đã bị từ chối.
Hình ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar. (MONEY SHARMA / AFP via Getty Images)
Thời điểm diễn ra đụng độ 2 bên tại hồ Pangong Tso, phía đông Ladakh, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã tới Moscow để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Indian Express và các kênh truyền thông Ấn Độ khác dẫn nguồn tin cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, cũng đang tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng SCO ở Moscow, đề nghị mong được gặp mặt Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Singh.
Nếu các quan chức cấp cao của Ấn Độ muốn gặp gỡ các quan chức nước ngoài hoặc trả lời phỏng vấn với nước ngoài, họ cần được Bộ Ngoại giao chấp thuận. Theo các nguồn tin, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã đồng ý cho phép ông Singh gặp mặt ông Ngụy Phượng Hà, với hy vọng tạo điều kiện thuận lợi cho việc rút quân của cả hai bên khỏi khu vực đối đầu thuộc Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa Trung Quốc - Ấn Độ càng sớm càng tốt. Kể từ đầu tháng 5 khi xảy ra xung đột giữa hai nước đến nay, đây là lần thứ 3 Bộ Quốc phòng Trung Quốc tìm kiếm một cuộc họp với ông Singh và 2 lần trước đã bị từ chối.
Theo The Hindustan Times, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao SCO tại Moscow, Nga, trong thời gian đó ông sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Đây là cuộc họp Ngoại trưởng đầu tiên giữa hai bên sau khi xung đột nổ ra.
Vào ngày 3/9, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã xác nhận rằng ông Jaishankar sẽ tham dự Hội nghị trên vào ngày 10/9, nhưng chưa công bố các cuộc đàm phán song phương với ông Vương Nghị.
Tại một sự kiện trực tuyến của Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát chính sách Ấn Độ (ORF), khi được hỏi sẽ thảo luận gì với ông Vương Nghị, ông Jaishankar chỉ nói rằng hai người đã biết nhau từ lâu và ngoại giới có thể đoán được.
Ông Jaishankar cũng cho rằng việc hai nước đạt được hòa giải là một nhiệm vụ cấp bách và cực kỳ quan trọng, đây không phải là vấn đề của riêng hai nước.
Sau cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở phía đông Ladakh vào đầu tháng 5, nó không chỉ gây ra thương vong nghiêm trọng nhất giữa hai bên trong 45 năm qua, mà tới nay vẫn liên tục xảy ra những xung đột và chạm trán lẻ tẻ, tình hình căng thẳng không cách nào xoa dịu.
Vào cuối tháng 8, tại khu vực hồ Pangong Tso ở biên giới 2 nước lại bùng phát xung đột gay gắt. Quân đội Ấn Độ cáo buộc khoảng 500 quân của ĐCSTQ đang cố gắng chiếm vùng cao nguyên chiến lược trên bờ biển phía bắc của Pangong Tso trong đêm ngày 29 và 30/8. Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ đã phát hiện ra hành động của ĐCSTQ qua camera giám sát và ngay lập tức điều 500 binh sĩ đến ngăn chặn.
Sau đó hai đội quân chiến đấu tay không trong 3 giờ. Lực lượng Đặc nhiệm Ấn Độ đã tiến sâu 4 km vào khu vực do Trung Quốc kiểm soát và chiếm được một cứ điểm quân sự.
Theo truyền thông Ấn Độ, quân đội ĐCSTQ tiếp tục đột kích vào nửa đêm ngày 31/8, và quân đội Ấn Độ đã phản kích.
Trên mạng xuất hiện những hình ảnh được cho là quân đội Ấn Độ dựng biểu ngữ "Không bao giờ từ bỏ" sau khi đẩy lùi quân Trung Quốc, và cũng có những video về việc Quân đội Ấn Độ vui mừng nhảy múa sau khi đẩy lùi quân ĐCSTQ, bao gồm cả những người lính Tây Tạng mặc trang phục dân tộc vẫy cờ sư tử tuyết sơn ăn mừng.
Tuy nhiên, trong cuộc xung đột, một người lính Tây Tạng trong quân đội Ấn Độ đã không may qua đời.
Ông Namgyal Dolkar Lhagyari, một nghị viên của Quốc hội Tây Tạng lưu vong, nói với AFP rằng trong cuộc xung đột ở hồ Pangong Tso, nhiều binh sĩ tộc người Tây Tạng trong quân đội biên giới của Ấn Độ đã bị thương và một người đã thiệt mạng khi chiến đấu. Trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh hai người Tây Tạng thương vong.
Ông Tiết (Xue), người nắm rõ tình hình các khu vực Tây Tạng, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, những người Tây Tạng bản địa đã gia nhập quân đội Ấn Độ và trực tiếp tham gia trận chiến chống lại quân đội Trung Quốc. Họ coi quân đội ĐCSTQ là quân xâm lược, thành lập lực lượng đặc biệt để tấn công ĐCSTQ, và thậm chí còn nói rằng lật đổ sự cai trị của ĐCSTQ ở Tây Tạng. Điều này khiến phía Trung Quốc rất khó xử.
Theo truyền thông Ấn Độ, Ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố rằng, chỉ huy quân đội hai nước đã gặp nhau dọc biên giới vào ngày 1/9 để cố gắng giải quyết tranh chấp.
Hãng truyền thông Ấn Độ Business Today dẫn các nguồn tin cho biết, trong thời gian diễn ra cuộc hội đàm giữa Tư lệnh hai quân đội, xe tăng và xe bọc thép của quân đội ĐCSTQ đang đóng quân gần chân núi Kala Top do quân đội Ấn Độ chiếm đóng. Còn quân đội Ấn Độ được vũ trang đang đóng tại Kala Top, cùng xe tăng và pháo binh. Các xe tăng do ĐCSTQ triển khai đều nằm trong tầm tác chiến của trận địa Ấn Độ.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar nói rằng, nếu ĐCSTQ tiếp tục giữ vững lập trường của mình và cố ý gây ảnh hưởng đến Đường kiểm soát thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Ấn Độ sẽ phản công theo cách tương tự.
Trong cuốn sách sắp ra mắt của mình, ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Ấn Độ phải tìm ra giải pháp cho vấn đề khu vực ranh giới kiểm soát thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông không đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại hoặc thách thức thực tế của vấn đề biên giới 2 nước. Ông nhắc lại rằng cả hai bên phải nghiêm túc tuân thủ các thỏa thuận.
Minh Thanh
Theo NTDVN