Sau nhiều ngày thu gom, sáng nay (21/7), nhóm thiện nguyện của ông Nguyễn Ngọc Luận (nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu) đã tổ chức vận chuyển hơn 7 tấn rau từ Đắk Lắk về hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM. Tuy nhiên, khi tài xế di chuyển tới địa phận tỉnh Bình Phước thì bị lực lượng công an yêu cầu quay đầu xe, không cho tiếp tục di chuyển, theo Thanh Niên.
Theo phản ánh từ tài xế, tất cả các phương tiện khi đi qua chốt chặn đều bị yêu cầu quay đầu, không phân biệt loại xe gì, chở hàng hóa nào. Lực lượng công an cũng không kiểm tra, không yêu cầu xuất trình bất cứ loại giấy tờ nào, mặc định không được di chuyển qua.
“Trước đó, chúng tôi cũng đã thu gom được hơn 20 tấn rau cứu trợ và đã gặp khá nhiều khó khăn trước khi về tới thành phố sáng 18.7. Tài xế muốn di chuyển qua các chốt kiểm soát phải chuẩn bị rất nhiều loại giấy thông hành. Sau chuyến đầu, các tài xế chưa dám chạy tiếp vì việc đi lại xin thủ tục mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, một số địa phương yêu cầu xe quay đầu từ TP.HCM về phải cách ly 7 ngày. Sau khi Bộ Y tế, Bộ GTVT có nhiều chỉ đạo tạo “luồng xanh” hàng hóa, nhà xe bắt đầu mạnh dạn nhận chở hàng về nhưng không ngờ còn khó hơn. Giờ số rau này sẽ được đem gửi trả lại cho bà con nông dân Đắk Lắk, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ tiền xăng dầu cho tài xế” – ông Luận thông tin thêm.
Tương tự, đại diện một nhóm thiện nguyện cũng gom rau từ khu vực Đắk Lắk về cứu trợ người dân TP.HCM phản ánh quá trình di chuyển vô cùng khó khăn. Từ Đắk Lắk về TP.HCM qua báo nhiêu tỉnh, thành thì phải xét nghiệm, khai bao y tế hết từng ấy lần. Dù đã chọn di chuyển ban đêm khi đường sá thông thoáng nhưng gần 30 tấn rau cứu trợ cũng phải mất hơn 1 đêm mới về tới TP.HCM. Quá trình di chuyển lâu, số lượng lớn rau khô héo nặng, không thể sử dụng.
Trước đó, Thanh Niên cũng đã ghi nhận bức xúc của nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng, trong đó có cả những nhóm hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, sữa về vấn đề “luồng xanh” trong lưu thông hàng hóa. Dù có sự vào cuộc của nhiều cơ quan có thẩm quyền, nhưng thực tế vẫn vô cùng gian nan.
Theo báo VnExpress, sự việc trên khác với việc ngày 20/7, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa dù đang áp dụng Chỉ thị 16, cũng không cần đăng ký, không cần dán thẻ nhận diện phương tiện (có mã QR).
Không chỉ hàng hoá thực phẩm, mà người dân mà việc đưa người từ TP.HCM về quê cũng đang vướng ‘nút thắt’.
Cụ thể, Vietnamnet đưa tin, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, trong ngày 20/7, đơn vị nhận được báo cáo từ Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn về việc hiện nay một số địa phương có nhu cầu vận chuyển hành khách từ TP.HCM về địa phương bằng đường sắt đợt đầu tiên như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Huế.
Tuy nhiên, đến nay, công ty chưa nhận được hướng dẫn cấp thẩm quyền của TP.HCM cho phép đón khách đi tàu tại các ga trên địa bàn TP.
Theo ĐKN