Đoàn xe diễn hành ở thành phố New York khuyến khích mọi người rút khỏi ĐCSTQ (ảnh: Shutterstock).
Từ năm 2004 đến nay phong trào người dân Trung Quốc thoái đảng (hay Tuyên bố rút khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã diễn ra trên khắp Trung Quốc cũng như quốc tế. Tác giả Sherry Qi và nhà báo Jennifer Zeng đã có bài bình luận đăng trên Epochtimes về phong trào này, đây có thể là một yếu tố khiến ĐCSTQ sụp đổ từ bên trong.
Ngày 20/4, số người tuyên bố thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đối của nó đã vượt quá 376 triệu người. Con số này đã vượt qua số người rút khỏi Đảng Cộng sản (ĐCS) Liên Xô trước khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Một chuyên gia Trung Quốc cho rằng phong trào Thoái Đảng (Tuidang) bắt đầu từ năm 2004 này có thể kích hoạt sự tan rã của ĐCSTQ từ trong nội bộ trong vòng 5 năm tới.
Thoái xuất khỏi 3 tổ chức: Đảng, Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên Tiền phong (sau đây gọi tắt là Đội Thiếu niên) của ĐCSTQ còn được người Trung Quốc gọi là “làm tam thoái”. Theo trang web Tuidang, nơi làm thủ tục và tổng kết số người đề nghị thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ, tính đến ngày 21/4, có hơn 376 triệu người đã làm tam thoái, chiếm khoảng 27% tổng dân số Trung Quốc.
Nói cách khác, cứ bốn người Trung Quốc thì có ít nhất một người đã công khai tuyên bố phản đối ĐCSTQ và thoái xuất khỏi các tổ chức liên quan đến nó.
Ba tổ chức ĐCSTQ và những lời thề độc
Trong hệ thống của chính quyền Trung Quốc, ngoài ĐCSTQ, còn có Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên nằm dưới sự kiểm soát của nó.
Ở Trung Quốc, trẻ em bắt đầu học tiểu học năm 6 tuổi và học xong ở tuổi 12. ĐCSTQ yêu cầu hầu hết học sinh tiểu học bắt buộc phải tham gia Đội Thiếu niên, và gọi đây là một “điều vinh hạnh”.
Các trường tiểu học thường xuyên tổ chức các buổi tuyên thệ gia nhập, trong đó các em giơ nắm đấm trước lên lá cờ đỏ của Đội Thiếu niên và tuyên thệ:
“Em là đội viên của Đội Thiếu niên Tiền phong Trung Quốc. Dưới lá cờ của Đội Thiếu niên Tiền phong, em xin nguyện yêu ĐCSTQ, Tổ quốc, nhân dân; học tập tốt, rèn luyện sức khỏe tốt và sẵn sàng bất cứ lúc nào để cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp cộng sản”.
hư vậy, trẻ em mới 6 tuổi bị bắt phải tuyên thệ sẵn sàng “cống hiến hết sức” cho ĐCSTQ trước khi chúng có bất kỳ hiểu biết nào về điều này.
Khi vào trung học, các em được yêu cầu tham gia Đoàn Thanh niên của ĐCSTQ theo chế độ bán bắt buộc. Một lần nữa, học sinh được yêu cầu giơ nắm tay phải và thề ủng hộ sự lãnh đạo của ĐCSTQ, hoàn thành nghĩa vụ của một đoàn viên phấn đấu hết mình cho sự nghiệp của ĐCSTQ.
Lời thề trở thành đảng viên của ĐCSTQ cũng tương tự như vậy. Đảng viên phải thề chấp hành kỷ luật của ĐCSTQ, giữ bí mật, trung thành với ĐCSTQ, sẵn sàng hiến dâng tất cả vì ĐCSTQ và không bao giờ phản bội.
Vì ĐCSTQ là đảng cầm quyền ở Trung Quốc nên các đảng viên có thể được hưởng nhiều lợi ích. Do đó, số lượng người có thể gia nhập ĐCSTQ rất ít. Hiện tại, ở Trung Quốc, số lượng đảng viên ĐCSTQ chưa đến 100 triệu, và tỷ lệ đảng viên chiếm chưa đến 7% dân số.
Tuy nhiên, hơn 95% người Trung Quốc đã tham gia Đội Thiếu niên, có nghĩa là trong số 1,4 tỷ dân Trung Quốc, số người tối đa có thể thoái đội là 1,3 tỷ.
Một phong trào được kích hoạt bởi cuốn sách “Cửu Bình”
Phong trào Thoái Đảng, còn được gọi là phong trào “tam thoái”, đã được khởi xướng sau khi cuốn sách Cửu Bình (9 bài bình luận về ĐCSTQ) được Epochtimes tiếng Trung xuất bản lần đầu vào năm 2004.
Cửu Bình phơi bày toàn diện lịch sử giết chóc đẫm máu của ĐCSTQ và phân tích sâu về bản chất dối trá, bạo lực và lưu manh của ĐCSTQ trong các lĩnh vực khác nhau như lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa và tín ngưỡng.
Mục 7 của cuốn sách có tiêu đề “Bình luận về lịch sử giết chóc của ĐCSTQ” tiết lộ “Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, 60 đến 80 triệu người dân Trung Quốc vô tội đã bị giết, để lại những gia đình tan nát”. Con số này vượt quá tổng số người chết trong cả hai cuộc Thế chiến cộng lại.
Kể từ năm thành lập 1949, ĐCSTQ đã bức hại hơn một nửa số người dân Trung Quốc. [Với những tội ác của ĐCSTQ], vào tháng 1/2005, Epochtimes đã đăng tuyên bố kêu gọi người Trung Quốc rút khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên quan của nó.
Tháng 2/2005, hơn 10 tổ chức, bao gồm tổ chức truyền thông Epochtimes, Liên minh Từ giã ĐCSTQ, Liên minh Toàn cầu đưa Giang [Trạch Dân] ra công lý, và trang web Cửu Bình, đã hợp tác để thành lập Trung tâm Thoái ĐCSTQ Toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ những người muốn tuyên bố thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.
Bởi vì ĐCSTQ là chế độ độc tài, người dân Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ. Vì lý do an toàn, nhiều người đã chọn bí danh khi họ công bố rút khỏi các tổ chức của chính quyền Trung Quốc. Họ tin rằng Thần linh chứng kiến sự thành tâm và giúp họ rút khỏi lời thề độc khi tuyên bố xin gia nhập các tổ chức của ĐCSTQ.
Các thành viên cấp cao của ĐCSTQ cũng chọn thoái xuất
Một hiện tượng đáng chú ý trong giai đoạn đầu của phong trào Thoái đảng là một số lượng lớn người xin thoái xuất đến từ các cấp cao nhất của ĐCSTQ, bao gồm các quan chức từ Quốc vụ, các bộ, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Trường Đảng Trung ương và các cán bộ tỉnh và thành phố.
Ví dụ, tháng 12/2004, một người từ Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã sử dụng tên Hua Tianming để xin “tam thoái”. Tuyên bố có nội dung: “Việc làm tay sai [cho ĐCSTQ] trái với ý muốn của tôi. Tôi muốn nói lời xin lỗi đến những người Trung Quốc. Tôi chỉ hy vọng rằng có thể chấm dứt ĐCSTQ sớm”. Ông cũng cho biết ông là thành viên của một văn phòng thuộc Hội đồng Nhà nước.
Ngoài ra, còn có các quan chức cấp cao của các cơ quan công an và tư pháp, bao gồm Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Tư pháp và quân đội, bao gồm cả Hải quân và Quân khu Bắc Kinh.
Một tuyên bố rút khỏi ĐCSTQ được xuất bản dưới tên Li Bochun vào tháng 12/2004 viết, “Tôi là một cán bộ kỹ thuật quốc phòng đã nghỉ hưu với 43 năm kinh nghiệm trong quân đội và hơn 30 năm đảng viên. Tôi đã từng tin bất cứ điều gì cấp trên của mình nói, nhưng chỉ sau khi nghỉ hưu, tôi mới thực sự hiểu được bản chất tà ác của ĐCSTQ”.
Một tuyên bố khác được công bố vào ngày 22/12/2004 dưới tên Li Linying nêu rõ, người này từng là một cán bộ quân đội và ở trong hàng ngũ của ĐCSTQ trong vòng hơn một thập kỷ. Sau khi hiểu rõ bản chất tà ác của ĐCSTQ, người này đã xin tuyên bố được rút khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới.
Một tuyên bố của một phóng viên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) viết: “Đủ rồi. Hôm nay tôi chính thức cắt đứt mối quan hệ của mình với họ [ĐCSTQ]. Tôi là phóng viên của đài truyền hình trong nhiều năm, và tôi nhìn thấu được thói đạo đức giả của họ… Tôi đã bị Đảng lừa dối dưới sự tuyên truyền dối trá, và hôm nay tôi chính thức vứt bỏ mọi quan hệ với họ”.
Chuyên gia Trung Quốc: ĐCSTQ sẽ tan rã từ bên trong
Vào ngày 25/12/1991, Liên Xô sụp đổ. Tổng thống cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, đã từ chức và trao lại quyền lực cho Tổng thống Nga Boris Yeltsin.
Cuối năm 1989, các quốc gia Cộng hòa từng tham gia Liên Xô tuyên bố độc lập, và Tổng thống Hoa Kỳ George HW Bush và Gorbachev cùng tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
Sau thời gian dài chuyên quyền và tham nhũng, đã có một làn sóng xin rút khỏi ĐCS Liên Xô trước khi nó giải thể. Cuối cùng, hơn 20% đảng viên đã rời bỏ ĐCS Liên Xô.
Tương tự, cho đến nay, phong trào Thoái đảng ở Trung Quốc đã giúp khoảng 27% dân số Trung Quốc từ bỏ ĐCSTQ. Số người này nhiều hơn 20% đảng viên rời bỏ Liên Xô trước khi nó sụp đổ.
Vậy tại sao ĐCSTQ vẫn chưa sụp đổ?
Chuyên gia về Trung Quốc Shi Shan nói với Epoch Times rằng có nhiều lý do, nhưng hai lý do chính là:
Thứ nhất, ĐCSTQ là nhóm cầm quyền mạnh nhất trong lịch sử nhân loại về khả năng kiểm soát người dân. Không có chế độ nào khác trong lịch sử hoặc trên thế giới giống như ĐCSTQ. Nó không chỉ kiểm soát người dân có thể sống ở đâu thông qua hệ thống đăng ký hộ khẩu, mà còn kiểm soát đức tin, suy nghĩ, công việc, cuộc sống gia đình của người ta và thậm chí kiểm soát cả sinh đẻ.
Với sự hỗ trợ của công nghệ cao, ĐCSTQ ngày nay sử dụng các phương pháp giám sát xâm phạm nhất để kiểm soát cuộc sống hàng ngày của mọi người. Chế độ cai trị của ĐCSTQ giống như một cái nồi áp suất cao, khiến những người bên trong không thể động đậy.
Thứ hai, ĐCSTQ sử dụng thị trường đại lục làm mồi nhử, liên kết kinh tế với chính trị để thu hút vốn đầu tư quốc tế vào Trung Quốc, mang lại chất dinh dưỡng và thay máu cho cơ thể ốm yếu của ĐCSTQ, cho phép nó tiếp tục tồn tại.
Tuy nhiên, ông Shan nói thêm rằng làn sóng của phong trào Thoái ĐCSTQ đã bắt đầu phá hủy nó từ bên trong. Mặc dù nhiều người không công khai danh tính thực sự của họ khi họ “tam thoái” và bề ngoài vẫn làm việc cho ĐCSTQ, nhưng về cơ bản, trong tâm họ đã cắt đứt liên hệ với ĐCSTQ. Một khi môi trường bên ngoài thay đổi, lực lượng đối lập bên trong này sẽ góp phần vào sự sụp đổ nhanh chóng của ĐCSTQ.
Ông Shan lưu ý rằng dựa trên tỷ lệ hiện tại, mỗi ngày có ít nhất 50.000 người tuyên bố rút khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới. Điều này tương đương với hơn 20 triệu người “làm tam thoái” trong một năm. Trong 5 năm, hơn 100 triệu người sẽ rút khỏi các tổ chức của ĐCSTQ. Mức hiện tại là hơn 376 triệu, vào năm 2026, tổng số người “tam thoái” có thể đạt 500 triệu, chiếm 35% trong tổng dân số Trung Quốc.
Điều này cũng có nghĩa là cứ khoảng ba người thì có một người chối bỏ ĐCSTQ.
Ông ấy nói, “Đến lúc đó, ĐCSTQ sẽ tan rã từ bên trong, giống như Đảng Cộng sản Liên Xô.”
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất định phản ánh quan điểm của DKN.
Đăng theo ĐKN