Bác Hoàng Thị Bài, người phụ nữ Mường với khuôn mặt tươi tắn, hạnh phúc, ít ai ngờ trước đây bác từng là con ‘ma đề’ vung tiền không gớm tay.
Bác Bài đã bỏ hẳn thói đề đóm nhờ một 'biến cố' đặc biệt (ảnh nhân vật cung cấp)
Gia đình đông con, cuộc sống nghèo khó
Bác Bài sinh ra ở xã Phượng Mao, huyện Thanh Thủy, tỉnh Vĩnh Phúc (bây giờ là tỉnh Phú Thọ) trong một gia đình dân tộc Mường đông con. Thời ấy, các gia đình nông thôn Việt Nam “đa sinh thiểu dưỡng” (sinh nhiều nhưng chăm sóc không được tốt). Người Mường định cư ở những vùng đồi núi trung du, trên các nhà sàn (ở dưới gầm nhà sàn là nơi nuôi trâu bò, lợn, gà).
Cuộc sống nghèo khó cứ quẩn quanh, níu bám chắc lấy họ. Bố mẹ sinh được 14 người con nhưng cứ chết dần chết mòn vì ốm đau, bệnh tật, thiếu ăn, muỗi đốt, rồi chết đuối… cuối cùng sống sót được 7 anh chị em.
Ngày ấy bác Bài còn nhớ như in: Nhà hơn chục miệng ăn nhưng đến bữa chỉ có được một bát sắt Trung Quốc gạo (nhỉnh hơn bát ăn cơm bây giờ một chút). Bát gạo ấy nấu cơm lên, cơm chín dỡ cơm ra quạt cho nguội rồi trộn chỗ cơm đó với hỗn hợp bột ngô, bột sắn, chuối xanh tước vỏ, rắc vài hạt muối. Trộn đều hỗn hợp đó rồi đồ chín lên như đồ xôi. Đó là món cơm thường ngày của cái gia đình người Mường ấy! Chỉ có ngày tết mới có tí xôi nếp và chút cơm tẻ thôi.
Vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt
Bác nhớ có lần đi đánh giậm được ít tép, đem về nấu với đọt sắn. Lúc ấy chị gái bác không hiểu mắc bệnh gì mà cứ đi ngoài cả tháng (nhà thì cái ăn chẳng có làm gì có tiền để thuốc thang). Hôm đó bắc nồi canh tép nấu đọt sắn lên có mùi thơm hấp dẫn chị ấy cứ đòi ăn, nhưng mẹ bác bảo chị: “Con đang đi ngoài như thế không ăn được thứ này!” bố bác lại bảo: “Thôi nó thèm quá cứ để cho nó ăn còn hơn chết đói”. Ấy vậy mà điều kì lạ đã xảy, đúng là “lấy độc trị độc”, sau bữa ăn ấy chị cứ khỏe dần lên.
Vùng quê nghèo khó, con người phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt (ảnh minh họa Laodong.vn)
Bác Bài kể, lúc ấy bác mới khoảng 8, 9 tuổi mà buổi sáng đã phải cuốc hai luống cỏ chè, nhặt rễ cỏ gianh thật sạch sẽ. Cái thứ cỏ gianh nhấm rễ ngọt ngọt thanh thanh ấy nó mọc rất nhanh; nó đã mọc ở đâu thì lấn át tất cả các thứ cây khác, ăn xác xơ hết đất. Nếu nó mọc xen lẫn với sắn, củ nào bị rễ của nó đâm vào thì củ sắn đó đắng ngắt, không thể ăn được.
Nhưng rồi sức mạnh của con người cũng đã ngăn cản được nó phát triển, để cho cây chè – một thứ nông sản của người Mường – phát triển tốt. Người Mường trồng sắn, trồng ngô trên nương, cấy lúa ở thung lũng hẹp. Gia đình, dòng họ bác Bài là như thế, họ vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt ở vùng núi ven con sông Đà này!
Hay lam hay làm từ nhỏ
Người dân xứ Mường quê bác họ tự cung tự cấp bằng vài thứ nông sản trên nương như củ sắn, củ khoai, bắp ngô, luống chè,… cùng những đọt sắn, măng rừng, chuối xanh, rau rừng,… Cuộc sống cứ thế trôi đi.
Lúc lên 9,10 tuổi cô bé Bài rất đảm đang, khi đi chăn thả trâu bò, dù còn bé tí nhưng cô cứ buộc hai con trâu thả đi trước và kéo 2 con bò theo sau. Lên đồi buộc chúng thành từng cặp thả lên đồi ăn cỏ. Thời gian trâu bò ăn cỏ cô bé đã biết kiếm củi rồi chất lên trâu bò buổi tối mang về nhà.
Mới 12, 13 tuổi biết đi cày, đi bừa. Tới 15, 16 tuổi đã biết đi lấy nứa lấy măng với các anh chị trong xóm. Đi xa nhà tận mấy cây số. Khi về nặng quá đem ra sông Đà bó nứa làm 2 đon (bó) rồi vứt xuống làm bè xuôi dòng cùng với những người bạn. Đến đoạn chảy ngang làng thì mới vớt lên mang về cho đỡ nặng.
Rồi những buổi đi lấy nước bằng ống bương, có hôm bị nước dốc ướt từ đầu xuống chân. Còn những buổi đi úp cá ở đầm, kéo chũm, bắn súng, bắn nỏ, bắn chuột, bắn chim, đánh tranh, chẻ tre, lợp nhà… những việc mà đàn ông còn thấy khó làm thì bác Bài làm được hết.
Nhiều người để ý muốn xin dâu
Tiếng lành đồn xa, bà con ở xóm Bãi (Đồng Tâm) cách sông Đà chừng 500m, ai cũng khen cô bé Bài hay lam hay làm lại khỏe mạnh xinh xắn nên nhiều chàng trai trong xóm ngấp nghé muốn xin dâu. Bố Bài cứ bảo: “Con gái nhà tôi biết ăn giầu (đã nhận trầu cau ăn hỏi chạm ngõ) của người ta rồi”, phải nói thế vì sợ nhiều người qua lại thì mang tiếng.
Vào một buổi chiều, cô gái Mường đi cắt cỏ tranh để lợp nhà. Trên đường đi qua con đường mòn chỗ góc ruộng của chàng trai người Kinh lên đó khai hoang, làm kinh tế cùng bố mẹ. Tại con đường mòn nhỏ đó họ đã gặp nhau. Cô gái miễn cưỡng chào: “Anh cuốc ruộng đấy à?” Rồi cô cũng không để ý gì nữa.
Nhưng cô đã lọt vào tầm ngắm của chàng trai này. Anh hỏi thăm hàng xóm, bạn bè của bác Bài và thực hiện kế hoạch làm quen. Bẵng đi một thời gian, một hôm bác Bài xin được một gánh vôi vữa về bả vào những chỗ lồi lõm trước sân nhà thì thấy anh đến chơi. Bác Bài chào: “Anh đến chơi à?” Thì ra anh ấy mang ít tôm đánh được mang về “hối lộ” cho bố bạn gái.
Khi anh về rồi, bác Bài hỏi bố mới biết là anh thường đến đây khoảng 1 năm nay; thường giúp bố rất nhiều việc, từ việc đan phên nứa để làm sạp phơi sắn, phơi ngô. Có hôm cần chuyển mấy cây cau ra sau nhà anh cũng sẵn lòng giúp… Lúc này bố bác Bài bảo con gái: “Mày chẳng lấy ai được hơn nó đâu!”
Người phụ nữ Mường theo chồng về xuôi
Nhưng bác Bài bảo không muốn lấy chồng về dưới xuôi, không muốn xa quê. Anh ấy khéo léo thuyết phục rằng anh sẽ ở trên này. Thế rồi anh về chuẩn bị giã 100 cái bánh gai, gà, rượu để chuẩn bị chạm ngõ. Chạm ngõ đến tháng 9 (hơn một năm sau) mới cưới được vợ. Giường cưới của họ là bốn cái cọc tre với ba tấm ván xẻ và đôi chiếu. Không có màn, chăn thì bằng vải diềm bâu cũ do các cụ để lại. Quần đen thường dùng ngày đó bằng vải diềm bâu trắng sau đó tối đến đem nhúng bùn, ngày thì giặt phơi nắng.
Bộ quần áo cưới của cô dâu là thành quả của biết bao nhiêu buổi mò chai của bác Bài. Mỗi gánh chai được 3 đồng mà một cái quần sa tanh cần tới 25 đồng. Còn cái áo trứng sáo (bằng vải pha non Trung Quốc) cũng phải nhiều buổi nữa mới mua được. Anh lấy được bác Bài khó khăn như vậy đấy. Vậy mà cưới xong một thời gian ngắn, gia đình anh chuyển về xuôi.
Hai vợ chồng bác Bài (ảnh nhân vật cung cấp)
Lúc ấy bác Bài khóc bảo là anh lừa dối. Thế nhưng “thuyền theo lái, gái theo chồng”, bác Bài vẫn phải theo anh về xuôi.
Chồng đi bộ đội, một mình nuôi con
Đến năm sau, bác sinh được một bé gái. Khi con bé được 8 tháng tuổi, trong một lần hai mẹ con về thăm quê ngoại, ở nhà chồng bác Bài trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và tham gia quân ngũ.
Sau 3 ngày từ quê ngoại trở về nhà mới hay tin chồng mình đã nhập ngũ và đang tập trung tận trường quân sự Xuân Mai, Hòa Bình (cách nhà 30 km). Cửa nhà thì khóa, hỏi hàng xóm thì không ai biết gửi chìa khóa ở đâu. Chẳng có cách nào vào nhà, cũng không biết làm thế nào đành ôm con ngồi trước cửa nhà, “nước mắt giọt vắn giọt dài”.
Gần trưa thì anh chồng bác mang chìa khóa sang nói là nó nhập ngũ rồi. Bác gửi con cho mẹ chồng rồi nhờ anh chồng chở đến trường quân sự Xuân Mai, Hòa Bình để gặp trước khi chồng sang chiến trường Campuchia. Thế là một mình bác Bài ở nhà vò võ nuôi con với hơn 5 sào ruộng. Nhà tre vách đất, mưa dột vào giữa giường phải lấy chậu ra hứng nước.
Chịu khó làm ăn
Trong sáu năm chồng tham gia quân ngũ, bác Bài ở nhà ngoài chăm 5 sào ruộng, những lúc nông nhàn còn về quê (cách nhà mấy chục cây số) mua nông sản về bán thêm kiếm lời. Có những lần bế con ra bến xe xếp hàng mua vé, người bán vé bảo: “Cô mượn con của ai, ra đi, tôi không bán vé cho cô đâu”. Lúc đó bác Bài tức tưởi khóc mà không thể làm gì để họ tin là con mình! Thấy bố đẻ có chiếc xe đạp cũ, bác Bài hỏi xin rồi dắt về mang sửa. Từ đó những chuyến đi về thuận tiện hơn. Bác mua măng, mua sắn, mua chè… ở trên quê ngoại về nhà bán lẻ kiếm tiền.
Sau 6 năm ở Campuchia, chồng bác là bộ đội phục viên trở về quê, được phân làm đội trưởng đội Thủy Lợi 202; phụ trách gần 50 người đi đắp đê làm thủy lợi trong huyện. Đám thanh niên trẻ trong đội thủy lợi rất nghịch ngợm, họ lao xe cải tiến từ lưng đồi xuống làm một số xe bị hư hỏng. Cấp trên quy trách nhiệm phạt người phụ trách gần 1 tấn thóc.
Hai vợ chồng bác phải vay mượn để nộp phạt. Bị quy trách nhiệm nặng nề như thế, bác Bài bàn với chồng xin nghỉ làm đội trưởng đội Thủy Lợi. Bác trai đồng ý và cũng xin thôi không sinh hoạt Đảng luôn từ đó.
Dính vào đề đóm không dứt ra được
Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, nhờ trời thương hai bác cũng trả xong nợ. Nhưng vận hạn cứ đeo bám chẳng tha, năm 2006, bác phải mổ u dạ con. Vì sức khỏe yếu, bác xin miễn lao động, mở quán bán hàng (kiêm ghi đề) để kiếm thêm. Ghi đề kiếm lắm, có đồng ra đồng vào, nhưng có tiền bác cũng say mê nó luôn, biến thành con ma đề lúc nào chẳng rõ.
Bác Bài dính vào con ‘ma đề’ lúc nào không hay (ảnh minh họa Facebook)
Được bao nhiêu bác nướng cả vào đề. Có khi mấy ngày liền, ngày nào bác cũng đánh tới 30 triệu tiền đề. Bác mê đến nỗi ngày chị Huế (con gái cả của bác) bị u vú phải mổ, bác trông con ở bệnh viện nhưng vẫn thường lén ra ngoài hành lang để ghi đề và chuyển cáp cho chủ đề. Chồng con khuyên bảo thế nào bác cũng bỏ ngoài tai.
Kể đến đây bác cười bảo: “Người ta nói ‘chơi đề ra đê mà ở’, may mà tôi chưa đến mức phải đem cả gia đình ra đê ở”.
Tu luyện Pháp Luân Công, bước ngoặt cuộc đời
Ngày ra viện, chị Huế yếu lắm, nói chẳng ra hơi. Bác sĩ bảo chỉ chờ ngày, chờ giờ thôi, gia đình chuẩn bị tâm lý và lo hậu sự đi. Nhưng trong cái rủi lại có cái may, chị Huyền (con gái thứ hai của bác) bảo chị Huế tập Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Chị Huyền đưa cho chị Huế cái đài, mở đài cho chị nghe Sư Phụ Lý Hồng Chí giảng pháp. Do sức khỏe yếu nên chị chỉ nằm nghe mà mỗi ngày chị thấy một khỏe ra.
Khi chị khỏe, chị Huyền lại hướng dẫn chị Huệ luyện công. Trong thời gian ngắn chị Huế đã khỏe đến mức có thể tự đi xe máy về quê chồng ở Hải Dương (cách nhà 90 km) chơi. Thấy con gái khỏe mạnh, thoát khỏi cửa tử nhờ tu luyện Đại Pháp, bác Bài cũng bước vào tu luyện.
Bác Bài đang luyện bài công pháp thứ 5 của Pháp Luân Công (ảnh nhân vật cung cấp)
Trước đây bác nhiều bệnh lắm: Huyết áp thấp, máu và gan nhiễm mỡ, bị chuột rút bụng, nhức xương, men gan cao, rối loạn tiền đình, thoái hóa đốt sống cổ, vai, gáy… phải mổ nhưng bác sợ mổ nên không mổ. Rồi uống thuốc nam cũng chẳng đỡ. Trước đây bác ghi đề là để kiếm tiền chữa bệnh. Nhưng từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp các bệnh đó chẳng cần đến một viên thuốc cũng biến mất sạch. Bác cũng bỏ luôn cả ghi đề và đánh đề. Chồng bác và các con vui lắm.
Con gái bác ra đi đầy đáng tiếc!
Chị Huế con gái bác khi về quê ngoại (ở Phượng Mao- Thanh Thủy- Phú Thọ) chơi, thấy ở đây có nhiều lợn Mường, gà sạch mà giá lại rẻ hơn nhiều so với ở Hà Nội nên có ý định thuê người giết mổ, bán lấy giá kiếm lời. Bác Bài và chị Huyền khuyên chị Huế: “Người luyện công không được sát sinh”.
Nhưng chị Huế không nghe. Chị bảo: “Nuôi ba đứa con ăn học, chồng lại chẳng có công ăn việc làm nên đành vậy thôi chứ biết làm thế nào được!” Sau ba tháng kiếm được một ít tiền thì cơ thể chị yếu dần. 2 tháng rưỡi nằm liệt giường, trước lúc mất, chị kêu rất mệt và nằm nghe Sư Phụ giảng Pháp. Lúc chị trút hơi thở cuối cùng thì cái đài chị mở nghe Sư Phụ giảng Pháp cũng hết pin.
Đọc trong sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính chỉ đạo tu luyện Pháp Luân Công) bác Bài hiểu rằng, sinh mệnh của con gái bác đã được Sư phụ kéo dài, nếu không thì đã sớm ra đi như lời chẩn đoán của bác sĩ rồi. Tuy nhiên sau đó thì sinh mệnh này chỉ nên được dùng để tu luyện, nếu không thì Sư phụ cũng không thể giúp được. Con gái bác vì chưa thể thực sự chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn mà hành xử nên cũng không còn cách nào khác.
‘Biến cố’ cuộc đời, sinh mệnh bước sang trang mới
Bác Bài thuộc lớp người “xưa nay hiếm” nhưng trông vẫn trẻ trung và tràn đầy năng lượng. Từ ngày tu luyện Pháp Luân Công đến nay đã 5 năm, bác hằng trì tu luyện; luôn chiểu theo Chân- Thiện- Nhẫn mà Sư phụ giảng để làm phương châm sống và hành xử mỗi ngày.
Đại Pháp đã cải biến hoàn toàn con người bác Bài (ảnh nhân vật cung cấp)
Những lúc rét mướt chỉ muốn trùm chăn ngủ, tập sau, nhưng nghĩ mình là người tu luyện, phải cố gắng, các bạn đồng tu làm được thì mình cũng làm được. Vậy là bác cũng dậy luôn để đi luyện công cùng mọi người. Một năm có 365 ngày, chỉ một hai ngày vì công việc đột xuất còn hầu như ngày nào bác cũng học Pháp, luyện công đầy đủ. Chồng bác biết Đại Pháp là tốt, mặc dù chưa tu luyện nhưng lúc nào cũng nhắc nhở bác phải học Pháp, luyện công, sợ bác quên.
Vậy là Phật Pháp đã thay đổi hoàn toàn người phụ nữ Mường ấy. Đời bác Bài đã trải qua nhiều biến cố, những có lẽ ‘biến cố’ lần này là một bước chuyển mình đặc biệt nhất. Bạn đọc muốn tìm hiểu về Pháp Luân Công có thể vào trang web chính https://vi.falundafa.org/ hay vào link https://hocphapluancong.com/ để được hướng dẫn thêm về pháp môn này.
Xem thêm:
VIDEO: Những lợi ích kỳ diệu từ Pháp Luân Đại Pháp
Theo Nguyện Ước