Nhiều người Việt Nam đã quen thuộc với nụ cười hóm hỉnh và phúc hậu của GS Nguyễn Lân Dũng – “Giáo sư Biết Tuốt” một thời của VTV, nhà nghiên cứu sinh học hàng đầu Việt Nam. Mới đây, cộng đồng mạng phấn khởi chia sẻ một câu chuyện kỳ lạ mà ấm áp xảy đến với gia đình Giáo sư, đúng là “Trời xanh không phụ người có tâm”!
Câu chuyện được chia sẻ trên Facebook Đặng Hồng Thuý đã nhận được tình cảm yêu mến của rất nhiều người.
Cuộc viếng thăm bất ngờ tại nhà GS. Nguyễn Lân Dũng
Hà Nội hôm qua mưa lắm. Nhưng bọn tôi vẫn đi thăm 2 tiền bối: Bác Nguyễn Lân Dũng và vợ bác là Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Phó giám đốc viện quân y 108.
Bác Dũng ốm đã lâu, nay đã về nhà nhưng vì dịch Covid, bọn tôi vẫn đi làm, hay đi lại nên không dám đến thăm bác vì ngại lây cho bác.
Nghe trong điện thoại, bác Dũng nói: “Vợ tôi cũng bị ung thư dạ con, mới từ viện về”. Bọn tôi rưng rưng trong dạ.
Nói thật là trước nay tôi vẫn yêu quý và trân trọng bác Dũng hết mực nhưng vợ bác thì tôi chỉ xã giao. Tôi luôn cảm giác bác gái hơi lạnh nhạt và có vẻ hạ cố mỗi khi gặp bọn tôi tại nhà hay ở nơi nào đó. Mỗi khi chúng tôi đến nhà bác thường tránh gặp hoặc chỉ chào xã giao rồi đi vào nhà trong. Lần gặp cách đây 2 năm tại buổi mừng sinh nhật bác Lân Dũng ở Hồ Tây bác gái ít nói, có vẻ yếu, đứng ngồi khó khăn, tay không nắm được vì viêm đa khớp. Thế nên kỳ này mổ cắt bỏ dạ con và xạ trị chắc bác phải thảm lắm.
Không ngờ người ra mở cửa là bác gái Nguyễn Kim Nữ Hiếu. Bác đón chúng tôi hết sức thân thiện, nụ cười cởi mở, thần thái tinh anh. Không thể ngờ đây là bệnh nhân mổ ung thư và đã 2 lần xạ trị.
Bác phấn khởi chia sẻ rằng: Từ tháng 3 năm 2020 bác bắt đầu tập luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Điều kỳ lạ mà một bậc thầy ngành y như bác cảm nhận được là chỉ sau đúng một tháng tập, bệnh đau lưng của bác biến mất. Bác có thể đứng lên ngồi xuống thoải mái. Điều mà bao nhiêu năm nay dùng thuốc Tây không xử lý được. “Thuốc bây giờ vẫn còn để mốc kia kìa” – Bác hồ hởi nói.
Rồi bệnh viêm đa khớp của bác cũng đang thuyên giảm tốt mà không cần thuốc. Bác nắm chặt hai bàn tay và nói với chúng tôi: “Xem này, tôi đã nắm được tay rồi, bao năm nay hai bàn tay này tôi có lên gân thì ngón trỏ và ngón cái vẫn không chạm nhau được chứ đừng nói mấy ngón kia”. Trông những ngón tay bác mà thương, nó khẳng khiu những mấu khớp và còng queo vì viêm đa khớp nhiều năm, giống như những đốt tre khô. Tôi thầm nghĩ có lẽ vì đau đớn, mệt mỏi triền miên mà bác trở nên khó gần trước đây chăng?
Tôi thấy thương người phụ nữ này quá, cũng công việc, giao tiếp, cũng bếp núc, con cái mà bao nhiêu thuốc và kiến thức y khoa vẫn không tự giúp được mình, mà cứ âm thầm đau đớn chịu thua số phận. Không gì khổ bằng bất lực. Bất lực khi đã dùng hết năng lực chuyên môn của mình để dùng thuốc chữa cho mình.
May sao các bài công pháp của Pháp Luân Công đã cho bác niềm tin và hy vọng về sự phục hồi kỳ diệu của cơ thể. Bác hồ hởi kể: “Tôi mổ xong đúng 4 ngày đã quay lại tập. Ai đến cũng thấy tôi khỏe một cách đáng ngạc nhiên. Bây giờ ngày nào tôi cũng dậy từ 5h sáng để tập. Tập 1h rồi tưới cây, nấu ăn sáng cho 2 vợ chồng rồi đọc sách, viết bài”.
Chúng tôi nhìn bác khâm phục quá đỗi. Người phụ nữ sinh năm 1942 này vẫn nghị lực như ngày nào xung phong ra trận. Chúng tôi cũng biết: Không phải ai cũng tu luyện được môn khí công phật gia thượng thừa nay. Bởi vì ngoài cái duyên ra, họ nhất định phải có đủ nghị lực, niềm tin để theo Thầy đến cùng. Bác Nữ Hiếu có lẽ đủ cả duyên, niềm tin và nghị lực. Điều đó lấp lánh trong mắt cười của bác.
Hai bác có nhà mới, một căn hộ rất đẹp nhìn ra sông Hồng, Lan can trồng đầy hoa đang nở. Không khí mát lành. Kính chúc hai bác luôn bên nhau, cùng tu tập để vui khỏe mãi.
Bài viết đã được DKN biên tập, quý vị có thể đọc bản gốc tại đây.
GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ về Pháp Luân Công
Cách đây vài năm, GS Nguyễn Lân Dũng đã từng trả lời câu hỏi của một bạn đọc trên báo Nông Nghiệp liên quan tới Pháp Luân Công như sau:
Độc giả Nguyễn Xuân Khoát (xuankhoatdn@gmail.com): Tôi nghe nhiều người nói tập Pháp Luân Đại Pháp rất tốt cho sức khỏe. Vậy xin Giáo sư giải thích Pháp Luân Đại Pháp là gì và có đúng là tốt cho sức khỏe thật không ạ? Nếu tốt sao y học không phổ biến rộng rãi cho mọi người biết?
GS Nguyễn Lân Dũng: Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một hệ thống “tu dưỡng cơ thể và tinh thần” được ông Lý Hồng Chí giới thiệu cho công chúng năm 1992. Pháp Luân Công có 5 bài tập khí công nhẹ nhàng (bốn bài động công tư thế đứng và một bài tĩnh công tọa thiền). Các bài học Pháp Luân Công được viết trong quyển sách “Chuyển Pháp Luân” và hướng dẫn thực hành trong cuốn “Đại Viên Mãn Pháp”.
Với sự phát triển nhanh chóng, năm 1999 số học viên Pháp Luân Công có lúc đã lên đến trên 70 triệu học viên, theo ước tính của Chính phủ Trung Quốc. Một cuộc nghiên cứu quy mô được thực hiện vào tháng 10/1998 bởi đoàn chuyên viên y tế tại Bắc Kinh.
Bài trắc nghiệm được phân phát trên 200 địa điểm tại 5 quận tại Bắc Kinh. Kết quả dựa trên 12.731 bài trắc nghiệm cho thấy có đến 99,1% người tập đang trên đường phục hồi sức khỏe, trong số này có 58,5% hoàn toàn được bình phục bởi tập Pháp Luân Công, 80,3% được cải tiến về sức khỏe cơ thể và 96,5% được cải tiến về sức khỏe tâm thần.
Cuộc nghiên cứu cho biết những người tập Pháp Luân Công có được sự cải thiện lớn đối với sức khỏe. Hiện nay, Pháp Luân Đại Pháp đã được truyền rộng tại 114 quốc gia và vùng lãnh thổ và hơn 100 triệu người đã được hưởng lợi ích từ việc tập Pháp Luân Công. Các cuốn sách của Pháp Luân Đại Pháp đã được dịch ra trên 30 thứ ngôn ngữ và phổ biến khắp thế giới.
Vì nhiều lý do, Pháp Luân Công bị cấm phổ biến ở Trung Quốc từ tháng 7/1999. Pháp Luân Công là một môn khí công của Trung Quốc nhưng lại bị ngăn cấm ở Trung Quốc. Pháp Luân Công chưa phát triển nhiều ở Việt Nam, tuy nhiên đã có những lớp học tự nguyện vào buổi sáng tại một số công viên ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
VIDEO - 6 PHÚT ĐỂ TÌM HIỂU PHÁP LUÂN CÔNG LÀ GÌ
Lời của người biên tập: Trong các nguyên nhân của cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, có thể kể đến: Nỗi sợ hãi và tâm đố kỵ của Nguyên Tổng bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân trước sự phổ truyền nhanh chóng của Pháp Luân Công và sự yêu mến của công chúng với Đại sư Lý Hồng Chí; sự xung đột cố hữu giữa bản chất Giả – Ác – Đấu của ĐCSTQ và các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công. Để tìm hiểu thêm, mời quý vị truy cập website: phapluan.org và minhhue.net.