Cách đây 46 năm, vào năm 1975, Hà Nam cũng đã trải qua một trận lũ lụt thảm khốc, cũng khiến 230.000 người chết vì thảm họa nhân tạo. (Ảnh: Trăm năm chân tướng)
Cách đây 46 năm, vào năm 1975, tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã xảy ra một vụ vỡ đập hồ chứa gây chết người nhiều nhất kể từ khi ĐCSTQ chấp chính, đồng thời đây cũng là thảm họa nhân tạo gây chết người nhiều nhất trong lịch sử thế giới với 230 ngàn người chết. Vậy nguyên nhân và sự thật đằng sau sự cố thảm khốc này rốt cục là như thế nào?…
Vào ngày 20 tháng 7 năm 2021, đã xảy ra một trận lụt lớn ở Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc, nguyên nhân là do con người, dẫn đến thiệt hại đáng kể về người và của, gây nên sự chú ý rộng rãi của quốc tế. Trên thực tế, 46 năm trước, vào năm 1975, cũng dã từng xảy ra một trận đại hồng thủy ở Hà Nam, nguyên do cũng bởi nhân họa, đã khiến 230 ngàn người mất mạng.
Sự cố vỡ đập
Vào ngày 28 tháng 5 năm 2005, kênh “Discovery” của Mỹ đã sản xuất một chương trình đặc biệt có tên “Top 10 thảm họa do con người gây ra và những sai lầm kỹ thuật trong lịch sử thế giới”. Trong đó, thảm họa số một không phải là vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô, cũng không phải vụ rò rỉ khí độc từ nhà máy hóa chất Bhopal ở Ấn Độ, mà là sự cố vỡ đập Hồ chứa Bản Kiều ở Hà Nam, Trung Quốc vào tháng 8/1975.
Vào lúc hơn một giờ đêm ngày 8/8/1975, khi mọi người còn đang chìm đắm trong giấc ngủ, thì hồ chứa nước Bản Kiều ở huyện Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam đột ngột sụp đổ, lũ xối xả giống như những lớp sóng chấn động cực lớn từ vụ nổ của một quả bom nguyên tử, hồng thủy ào ạt tràn xuống hạ du. Theo số liệu của Sở Tài nguyên nước tỉnh Hà Nam, sau đó, có tổng cộng 62 hồ chứa lớn, vừa và nhỏ đã bị vỡ liên hoàn, khiến hàng ngàn dặm đồng bằng và sông ngòi bỗng chốc biến thành một đại dương bao la.
Ba mươi quận và thành phố ở 5 khu vực công nghiệp: Trú Mã Điếm, Hứa Xương, Chu Khẩu, Nam Dương và Vũ Dương đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Dân số chịu nạn là hơn 10,15 triệu, khu vực bị ảnh hưởng trải rộng 17,8 triệu mẫu, hơn 5,24 triệu ngôi nhà bị sập và hơn 2.100 đoạn đê vỡ (dài 348 km). Đồng thời, 102 km đường sắt Bắc Kinh-Quảng Châu bị phá hủy, giao thông bị gián đoạn trong 16 ngày, ảnh hưởng đến lưu thông bình thường của hai miền Bắc – Nam trong 46 ngày, và gây thiệt hại kinh tế trực tiếp gần 10 tỷ nhân dân tệ. Địa phương mà trận lũ do vỡ đập hồ chứa Bản Kiều đi qua gần như bị hủy diệt triệt để, không ít ngôi làng hoàn toàn bị xóa sổ.
Bí ẩn về con số người chết
Có bao nhiêu người chết trong trận lũ thảm họa này? Theo số liệu chính thức do ĐCSTQ công bố, số người chết chỉ là 26 ngàn người.
Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 1987, tám thành viên của Ủy ban toàn quốc lần thứ sáu của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đã cùng xuất bản một báo cáo “Dự án Tam Hiệp sẽ hại nhiều lợi ít, không được lừa trên dọa dưới, họa quốc ương dân”, trong đó có viết: “Hồ chứa Bản Kiều và Hồ chứa Thạch Mạn Than… bị vỡ vào tháng 8 năm 1975, nước ào xuống như thác, giết chết khoảng 23 vạn người”. Ngoài ra, theo số liệu chính thức được ghi nhận bởi xã Văn Thành ở huyện Toại Bình, Trứ Mã Điếm, trong số 36 ngàn người dân của xã, hơn 18 ngàn người đã thiệt mạng.
Nhân kỷ niệm 35 năm vụ vỡ đập Bản Kiều, nhà sử học Kham Húc Bân từng viết một bài báo có tên “Sự cố vỡ đập bi thảm nhất Trung Quốc đương đại, báo chí đương thời không đưa tin”. Trong bài báo có ghi lại rằng Ngô Phú Đường, bí thư Đại đội Ngụy Loan của xã Thành Công, hồi ức lại trải nghiệm thoát khỏi cõi chết của chính mình:
“Nhìn khắp xung quanh, chỉ thấy một đại dương bao la, không thể nhìn thấy một thôn trang hay một ngôi nhà, chỉ thấy nổi trên mặt nước nhiều xác bò, ngựa và thi thể người đã chết, trôi dạt qua người chúng tôi. Trái tim tôi tan nát, người trong thôn thế là tiêu rồi! Già trẻ lớn bé trong gia đình thế là chết hết rồi! Khóc, khóc không ra tiếng, gọi, gọi không nên lời!”
“Đại đội của chúng tôi ban đầu có 375 gia đình với 1976 nhân khẩu. Lần đại hồng thủy này, 929 người đã bị chết đuối do lũ, 23 gia đình thiệt mạng hoàn toàn, rất nhiều trẻ em mồ côi, và 156 người mất vợ hoặc chồng”.
Nhưng mà, đây chỉ là tình huống tử vong của một đại đội. Có một số ghi chép trong bài báo về thảm trạng vào thời điểm đó.
Khổng Phồn Bân, lúc đó là phó chỉ huy của Trụ sở Phòng chống lũ lụt và hạn hán của địa khu Trú Mã Điếm, hồi ức lại: “Trận lũ đi qua, nhìn từ xa chỉ thấy màu trắng xóa, nhìn gần thì trống rỗng, không còn đường vào thôn, không còn cây cối trong thôn, muốn nấu ăn không còn nồi, muốn ngủ không còn ổ. Hết thảy diện mục không còn có thể nhận ra, khuôn viên của khu đất, bên cạnh những đống đổ nát, trong những hố vũng, là tử thi của những người gặp nạn, nam nữ già trẻ trần trụi lõa thể, thảm thương và khủng khiếp!”.
Hạng Tiểu Mễ, một nhân viên y tế tham gia cứu nạn ở Trứ Mã Điếm, trong cuốn sách “Ký ức hồng hoang” có viết:
“Trong vùng đất hoang tàn sau trận lụt, không tìm thấy một ngôi nhà nào …. ngàn dặm là bình nguyên, không có sự sống, đại địa trần trụi như thể bị lột hết y phục, những tử thi thối rữa có thể nhìn thấy khắp nơi… Trong những ngày đầu tiên, bộ đội công binh được trang bị mặt nạ phòng độc để chôn cất những tử thi, chỉ có thể tiến lên được nửa km mỗi ngày”.
Đây là vụ vỡ đập hồ chứa gây chết người nhiều nhất kể từ khi ĐCSTQ chấp chính, đồng thời cũng là vụ vỡ đập gây chết người nhiều nhất trong lịch sử thế giới.
Kẻ nào đang che giấu sự thật?
Đương thời, các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã không hề đưa tin về một thảm họa khủng khiếp như vậy. Năm 2003, phóng viên Trương Quảng Hữu của Tân Hoa Xã đăng một bài báo “Chứng kiến trận lụt Hoài Hà năm 1975” trên tạp chí “Viêm Hoàng Xuân Thu” số đầu tiên, tiết lộ rằng vào thời điểm đó, Trương Quảng Hữu đã hỏi Kỉ Đăng Khuê, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, người phụ trách cứu nạn, rằng: “Thảm họa lần này nên báo cáo thế nào?” Kỉ Đăng Khuê trả lời: “Ban lãnh đạo trung ương đã quyết định, trận lũ này không những không công bố báo cáo công khai, và không phát tin tức, đặc biệt là tình hình thiệt hại không những không làm báo cáo công khai, mà còn phải bảo mật”.
Trương Quảng Hữu không hiểu được điều này, ngay lập tức hỏi: “Tại sao ? Một trận lụt quy mô lớn như vậy mà có thể giữ bí mật sao?” Kỉ Đăng Khê nói: “Đây là quyết định của lãnh đạo trung ương”, nhiệm vụ của ông là “tuyên truyền những nhân vật và sự tích điển hình tiên tiến trong cuộc chiến chống lũ!”.
Về trận lụt thảm khốc này, ĐCSTQ đã không công bố công khai bất kỳ một báo cáo điều tra toàn diện hoặc phân tích hệ thống của sự cố nào. Người ta nói rằng Ủy ban của Bộ Thủy lợi Hoài Hà đã có một báo cáo điều tra vào năm 1979, nhưng nó không được công bố rộng rãi, mà luôn được coi như một tài liệu bảo mật và được khóa trong một chiếc két sắt.
Cho đến khi chương trình của kênh “Discovery” của Mỹ được phát sóng tại Trung Quốc, nhiều cư dân mạng vẫn còn hồ nghi và đăng lên diễn đàn để xác minh rằng: “Sự cố Hồ chứa nước Bản Kiều có thật không? Có phải là bịa đặt ác ý của truyền thông nước ngoài không?” Một số cư dân mạng trả lời: “Tôi là người sống sót sau vụ thảm nạn đó. Đó chân thực là một cơn ác mộng không thể chịu đựng khi nhớ lại!”…
Nguyên nhân chân thực của vụ vỡ đập
Vậy, rốt cuộc thì nguyên nhân gì đã dẫn đến sự cố vỡ đập? Bão và mưa lớn chỉ là những yếu tố khách quan, nhân họa mới là nguyên nhân quan trọng nhất.
Năm 1990, Nhà xuất bản Văn học và Nghệ thuật Hoàng Hà xuất bản “Tài liệu nội bộ trong thảm họa 75,8” tiết lộ: Vào đêm trước sự cố vỡ đập, vào ngày 6 tháng 8 năm 1975, phó giám đốc Ủy ban Cách mạng Hồ chứa Bản Kiều đã nói tại cuộc họp cứu trợ thảm họa: “Trong kho chống lũ không có xẻng hay bao rơm, càng không có thuốc nổ, chỉ có vài thanh gỗ nhỏ và vài quả lựu đạn cán gỗ dùng để dân quân huấn luyện”.
Vào trưa ngày 7 tháng 8, Trần Bân, Phó chỉ huy của Ủy ban Cách mạng địa khu Trứ Mã Điếm đang có mặt ở mặt trận giám sát hồ chứa, thông báo rằng hồ chứa đang trong tình trạng khẩn cấp và yêu cầu cử người đến Trứ Mã Điếm để ứng cứu. Bộ chỉ huy phòng chống lũ lụt khu vực đã gọi điện và hỏi Cục Tài nguyên nước xem họ đã chuẩn bị bao tải và bao rơm chưa thì được câu trả lời là: “Không!”; Họ đã hỏi các cơ quan cung tiêu và các bộ phận khác, và câu trả lời là như nhau: “Không!”, không bao tải, không thuốc nổ, không dây chì, không gỗ… cái gì cũng không có.
Vào thời điểm đó, Trứ Mã Điếm đang ở trong hạo kiếp của Cách mạng Văn hóa, có rất nhiều địch thủ và các phe phái khác nhau đang bận rộn chiến đấu trong nội bộ ĐCSTQ, sự vụ phòng lụt nằm ngoài mục tiêu của họ.
Hồ chứa Bản Kiều được xây dựng vào những năm 1950 và nằm ở thượng du sông Nhữ, một phụ lưu của sông Hoài. Đến cuối những năm 1950, chín hồ chứa lớn và vô số hồ chứa vừa và nhỏ đã được xây dựng trên thượng nguồn sông Hoài. Được thúc đẩy bởi Phong trào ‘Đại nhảy vọt’ vào năm 1958, việc xây dựng các hồ chứa ở địa khu Trứ Mã Điếm đã tràn lan. Đến năm 1969, hơn 200 hồ chứa mới đã được xây dựng, mục đích chủ yếu là trữ nước.
Vào thời điểm đó, một chuyên gia về thủy lợi tên là Trần Tinh đã chỉ ra rằng, tại các vùng đồng bằng, lấy tích nước làm chủ, trữ nhiều xả ít sẽ gây phá hoại nghiêm trọng đến môi trường nước, vì tích quá nhiều nước sẽ gây úng nạn; tích nước ngầm quá nhiều, dễ thành ngập nạn, nếu mực nước ngầm được duy trì nhân tạo quá cao sẽ gây tích tụ muối, dễ xảy ra hiện tượng kiềm hóa. Ba tai họa: úng, ngập và kiềm cùng phát sinh, kết quả sẽ không thể tưởng tượng.
Tuy nhiên, lời khuyên của Trần Tinh không những không được lắng nghe, mà ngược lại, ông còn bị chỉ trích vì đã phạm một cái tội gọi là “ngộ nhận nghiêm trọng của cánh hữu”, và sau đó bị gán cho là “phần tử chủ nghĩa cơ hội cánh hữu” và bị đẩy đến trại cải tạo lao động Tín Dương, Hà Nam.
Vào năm 1990, tác gia nổi tiếng Tiền Cương trong một cuộc phỏng vấn cho biết: Trước trận lụt kinh hoàng vào tháng 8 năm 1975, đã có một nguy cơ nghiêm trọng tiềm ẩn ở thượng nguồn sông Hoài: Kênh sông thoát nước kém, đê bao yếu, rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn “hồ chứa nguy hiểm” vẫn chưa được loại trừ. Điều nghiêm trọng hơn là, người dân thời đó không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn của những hồ chứa nước lớn như Bản Kiều, và từ “vỡ đập” căn bản không hề tồn tại trong tâm trí họ.
Theo chuyên gia thủy lợi Vương Duy Lạc, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự cố vỡ đập của Hồ chứa Bản Kiều là do cửa xả tràn của hồ đã bị han gỉ hết và mắc kẹt. Kể từ khi hồ chứa nước được mở rộng vào cuối những năm 1950, cửa xả tràn của hồ chứa đã không được sử dụng và cũng không có ai đến kiểm tra. Khi trận mưa lớn xảy ra vào ngày 7/8 và vượt mực nước cảnh báo, cơ quan chức năng đã ra lệnh mở cửa xả tràn để thoát nước. Tuy nhiên, tại điểm giao cắt khẩn cấp nhất này, chỉ có 5 trong số 17 cửa xả lũ có thể mở được, 12 cửa còn lại đều không thể mở được. Lũ lên nhanh đã làm vỡ đập, mà khi vỡ đập, lưu lượng tức thời tối đa tràn ra khỏi hồ là 78.100 m3/giây; Chỉ trong vòng 6 giờ, hơn 700 triệu mét khối lũ đã đổ xuống hạ lưu!
Sau thảm họa, một số chuyên gia nói với phóng viên đương địa Trương Quảng Hữu của Tân Hoa Xã, rằng: “Trung Quốc là một quốc gia thiếu rừng, và tỷ suất che phủ rừng cơ bản rất thấp. Giai đoạn 1953-1957 là ‘giết lợn chặt cây’ trong phong trào tập thể hóa nông nghiệp; Giai đoạn 1958-1960 là ‘đại luyện gang thép’ trong vận động ‘Đại nhảy vọt’; Giai đoạn 1966-1978 là cải tạo đất hoang và ruộng bậc thang trong vận động Đại trại Nông nghiệp học; trong đó, phong trào Đại Trại (1966-1978) đã làm giảm đáng kể rừng và thảm thực vật che phủ đất nước, gây xói mòn đất ngày càng nghiêm trọng, hậu quả là ‘Ăn cơm của tổ tông, tạo nghiệp cho con cháu’… Tỷ suất thảm thực vật rừng ở thượng du thấp” cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự cố vỡ đập.
Ngoài những lý do này, khi có mưa bão, nếu có dự báo thời tiết chính xác thì cũng giúp phòng tránh. Tuy nhiên, lúc đó, tại đài quan sát khí tượng Trịnh Châu, Hà Nam, hai tổ chức quần chúng thuộc lưỡng phái đang mải đánh nhau, không ai quan trắc, radar cũng không được bật lên và không có ký lục.
Cổ nhân Trung Quốc giảng: Nhân mệnh quan Thiên – sinh mệnh con người có liên quan tới Trời đất. Tuy nhiên, trước khi vỡ đập hồ chứa Bản Kiều vào tháng 8 năm 1975, từ chính quyền trung ương đến tỉnh Hà Nam, từ địa khu Trứ Mã Điếm đến hồ chứa Bản Kiều, các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ không chỉ không thực hiện bất kỳ biện pháp ngăn chặn thảm họa nào, mà ngay cả những dự báo thời tiết cơ bản nhất, các vật liệu kiểm soát lũ lụt cơ bản nhất và các đảm bảo thông tin liên lạc cơ bản nhất đều không có. Vào giữa đêm khuya khoắt, bất ngờ hàng vạn người đã bị cướp đi mạng sống của họ trong giấc ngủ; còn sau đó, vì cho nổ đập, chết đói, bệnh tật, v.v.. mà 230 ngàn người đã thiệt mạng.
Sự cố vỡ đập này không chỉ là thiên tai, mà chính là nhân họa. Đó là một ví dụ điển hình về sự coi thường sinh mạng, mải mê tranh quyền đoạt lợi bất chấp mạng người của ĐCSTQ sau khi kiến lập chính quyền.
Xem thêm:
VIDEO: TRUNG QUỐC ĐÃ TRỞ THÀNH NƠI XUẤT KHẨU XÁC CHẾT SỐ MỘT THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch
Đăng theo ĐKN