Những người khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn sau khi bị cảnh sát gán cho cái nhãn ‘tâm thần’ thì liền bị cưỡng chế đưa vào bệnh viện An Khang…
Trong bản điện tử của cuốn ‘Báo cáo Minh Huệ: Cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc 20 năm qua’, có một mục đề cập đến tội ác bên trong bệnh viện An Khang ở Trung Quốc. Cụ thể nội dung như sau:
"Bệnh viện tâm thần và các cơ sở trị liệu tâm lý được sử dụng tăng cường để bức ép các học viên từ bỏ Pháp Luân Công. Chẳng hạn như Bệnh viện An Khang là hệ thống các bệnh viện tâm thần có tính bảo mật cao, thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ Công an Trung Quốc. Hệ thống bệnh viện này đã bị xác định là nơi vi phạm nhân quyền trong báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình trạng vi phạm nhân quyền của Trung Quốc mấy năm qua."
Báo cáo năm 2011 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có nêu: “Các quy định về quyền hạn của cảnh sát trong việc đưa người vào bệnh viện An Khang không rõ ràng, còn người bị giam không có cơ chế nào để phản đối kết luận bị bệnh tâm thần do cảnh sát đưa ra. Có tin cho hay, bệnh nhân ở các bệnh viện này bị cưỡng chế tiêm thuốc và bị sốc điện.”
So với những trường hợp ngược đãi đã ghi chép ở các bệnh viện tâm thần Trung Quốc, bệnh viện An Khang – được diễn dịch một cách mỉa mai thành “nơi an dưỡng và chăm sóc sức khỏe [cho bệnh nhân tâm thần]” – lại không được nhiều người biết đến. Chúng hoạt động bí mật đến mức nhiều bác sỹ tâm thần có thâm niên, các luật sư chuyên bảo vệ quyền của bệnh nhân tâm thần, và các giáo sư tâm lý học tội phạm nói rằng họ chưa từng biết đến những cơ sở đó.
Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại bệnh viện An Khang bị cấm thăm thân nhân. Gia đình của nhiều học viên bị giam cầm ở những bệnh viện này còn không biết tung tích của họ.
Những điểm tương đồng với trại lao động cưỡng bức
Các bệnh viện An Khang có cơ cấu tổ chức và quy trình hoạt động ngoài pháp luật, hết sức tương tự hệ thống trại lao động cưỡng bức cũ đã được tuyên bố đóng cửa năm 2013, còn cảnh sát được tùy tiện đưa người vào các bệnh viện này để giam cầm bất hợp pháp mà không qua xét xử.
Trên thực tế, ban quản lý các bệnh viện An Khang cũng chính là đơn vị phụ trách các trại tạm giam. Do vậy, cảnh sát thường xuyên luân chuyển các học viên Pháp Luân Công giữa trại tạm giam, trung tâm tẩy não và bệnh viện An Khang, và dùng thủ đoạn tẩy não tăng cường đối với họ ở mỗi nơi. Những học viên không chịu từ bỏ đức tin sau khi bị giam ở trại tạm giam, trại lao động cưỡng bức, và trung tâm tẩy não thường bị chuyển đến bệnh viện An Khang và sẽ bị ngược đãi tâm thần tàn bạo hơn.
ĐCSTQ thường sử dụng thiết bị y tế để tra tấn những người bất đồng chính kiến cũng như các nhà hoạt động chính trị. Mặc dù có báo cáo cho hay tình trạng ngược đãi rất phổ biến ở các cơ sở điều trị bệnh tâm thần ở Trung Quốc, nhưng chỉ có các bệnh viện An Khang mới được chính thức cho phép cưỡng chế giam giữ và tước quyền tự do của bệnh nhân. Những cơ sở này có bề dày lịch sử trong việc “giữ gìn an ninh nội địa” cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đầu tháng 1/1988, Bộ Công an đã xác lập tiêu chuẩn cưỡng chế giam giữ bệnh nhân tại các bệnh viện An Khang.
Hai trong 5 nhóm đối tượng mục tiêu của ĐCSTQ được xếp vào loại “gây rối trật tự công cộng nghiêm trọng” và “gây mất ổn định xã hội”. Học viên Pháp Luân Công, người bất đồng chính kiến và những công dân dám phản đối chính sách của chính phủ thường xuyên bị gán cho những tội danh này làm cớ giam giữ họ ở bệnh viện An Khang.
Sau khi phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, chính quyền đã thành lập thêm nhiều bệnh viện An Khang nữa. Tháng 9/2004, Bộ Công an ban hành một công báo yêu cầu các tỉnh thành và khu tự trị nếu chưa có bệnh viện An Khang thì phải thành lập trong thời gian sớm nhất.
Lỗ hổng trong Bộ Luật Sức khỏe Tâm thần tạo cớ cho việc giam giữ trái phép người khỏe mạnh ở bệnh viện An Khang
Ngày 1/5/2013, Bộ Luật Sức khỏe Tâm thần chính thức được thực thi ở Trung Quốc. Bộ luật đưa ra nguyên tắc tự nguyện nhập viện và chỉ những ai có “triệu chứng nghiêm trọng” hoặc “có nguy cơ làm hại người khác” mới có thể bị quản chế tại các cơ sở điều trị tâm thần. Tuy nhiên, bộ luật còn nhiều lỗ hổng khi không bảo vệ công dân khỏi bị tùy tiện kết luận là mắc bệnh tâm thần. Để xác định một người có nguy cơ “làm hại người khác” hay không, có vô vàn điểm mập mờ mà cảnh sát và các cơ quan hữu quan đã lợi dụng để bức hại các học viên Pháp Luân Công, người bất đồng chính kiến và người kiến nghị (“người kiến nghị” ở Trung Quốc là những công dân đến các cơ quan kháng cáo của chính quyền để phản đối những chính sách không được lòng dân).
Bệnh viện An Khang không bị bên thứ 3 nào giám sát. Sở cảnh sát vừa điều hành bệnh viện An Khang, vừa quyết định đưa người nào vào đây. Một người được chẩn đoán có mắc bệnh tâm thần hay không, điều trị bằng thuốc gì, bị quản thúc thế nào, và khi nào được xuất viện đều nằm trong tay cảnh sát.
Từ khi Bộ Luật Sức khỏe Tâm thần có hiệu lực, nhiều học viên Pháp Luân Công vẫn hoặc mới bị giam giữ ở các bệnh viện An Khang. Chẳng hạn, năm 2014, học viên Vương Đông từ tỉnh Thiểm Tây và các học viên Tần Hán Mai, Chu Văn Quyên, Trương Binh, Chu Tiểu Tần từ tỉnh Vũ Hán, Hồ Bắc đã bị đưa đến các bệnh viện An Khang.
Tra tấn học viên Pháp Luân Công bằng thuốc tâm thần
Từ khi cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, nhiều học viên đã bị vu khống là bị tâm thần. Họ bị đưa vào các bệnh viện An Khang, rồi bị tiêm thuốc phá hủy hệ thần kinh trung ương, sốc điện, bức thực, và đánh đập. Những cách “điều trị” này đều đã bị cấm trong ngành y quốc tế. Nhiều nạn nhân đã thật sự bị tâm thần hoặc tử vong do thường xuyên bị tiêm các loại độc dược ở các bệnh viện An Khang. Dưới đây là một số ví dụ:
Mùa thu năm 2000, bà Lương Trí Tần và các học viên Pháp Luân Công khác bị đưa vào Bệnh viện An Khang Đường Sơn và bị tiêm các loại thuốc phá hủy thần kinh. Hầu hết các học viên sau đó kể lại rằng những mũi tiêm rất đau đớn và gây ra những triệu chứng nghiêm trọng kéo dài như nhói tim, cứng lưỡi, đi lảo đảo, căng thẳng, suy nghĩ bất thường, mờ mắt và suy giảm trí nhớ.
Bà Lương Trí Tần bị suy tim và bị sốc hai lần sau khi bị tiêm các loại thuốc tâm thần. Bà không tự chăm sóc được bản thân trong 3 năm, cuối cùng đã qua đời vào năm 2009. Một học viên khác là bà Lý Phong Chân bị mất trí nhớ nặng sau khi bị cưỡng chế tiêm thuốc ở một bệnh viện An Khang. Bà không tự làm được các việc thường ngày, và trở nên hốc hác.
Năm 2002, ông Dương Bảo Xuân từ Hàm Đan, tỉnh Hồ Bắc bị tra tấn trong Trại Lao động Cưỡng bức Hàm Đan, khiến ông bị cụt chân phải. Ông bị trại lao động đưa vào Bệnh viện An Khang Hàm Đan 3 lần và bị tiêm thuốc phá hủy thần kinh trong 5 năm. Trước khi gia đình đón ông về nhà vào năm 2009, ông đã phát bệnh tâm thần.
Tra tấn tinh thần khiến một phụ nữ trẻ bị phát điên
Sáng ngày 13/2/2015, người ta đã phát hiện ra một sự việc rùng rợn tại một ngôi làng ở thành phố Lai Dương, tỉnh Sơn Đông. Trong khi đi bộ vào buổi sáng, một số dân làng thấy thi thể của một phụ nữ hơn 30 tuổi nổi trên mặt giếng. Người phụ nữ này, sau đó đã được nhận diện là cô Liễu Chí Mai.
Cô từng là một sinh viên thông minh có hoài bão lớn, nhưng những khát vọng của cô đã bị dập tắt ở tuổi 21, khi cô bị đuổi khỏi Trường Đại học Thanh Hoa (được mệnh danh là MIT của Trung Quốc) vào năm 2001, chỉ vì cô không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Bấy giờ, ĐCSTQ vừa phát động một chiến dịch tàn bạo đối với môn tu luyện này. Cô Liễu Chí Mai bị bắt giam 6 năm trong tù và liên tục bị tiêm thuốc. Năm 2008, ngay trước khi được thả, cô Chí Mai bị tiêm một liều thuốc lớn không rõ tên.
Sau đó, gia đình cô nghi ngờ đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra triệu chứng rối loạn thần kinh kéo dài của cô. Cô thường nói lảm nhảm và vung vẩy tay như thể đang chạy. Khi có người hỏi tuổi của cô, cô chỉ im lặng hoặc trả lời “21”. Đối với cô, thời gian dường như đã dừng lại ở tuổi 21.
Bảy năm sau khi được thả, cô Liễu Chí Mai đã qua đời. Người phụ nữ trẻ này là một trong nhiều học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông bị ngược đãi tâm thần trong thời gian bị cầm tù vì đức tin của họ.
Một số trường hợp tử vong khác do bị tra tấn tinh thần
Sau đây là 3 trường hợp học viên Pháp Luân Công khác ở tỉnh Sơn Đông đã qua đời do bị tra tấn tinh thần.
Anh Tô Cương, một cư dân ở thành phố Truy Bác, là kỹ sư phần mềm của Công ty Hóa Dầu Tề Lỗ. Vào ngày 23/5/2000, người đàn ông 32 tuổi này bị bắt và đưa vào Bệnh viện Tâm thần Duy Phường.
Hàng ngày, anh Tô bị tiêm các loại thuốc và hóa chất không rõ tên, gây tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Khi gia đình anh biết anh bị giam giữ và ngược đãi, chú anh là ông Tô Liên Hy đã tuyệt thực để phản đối. Các quan chức bệnh viện đã thả người thanh niên này về cho bố của anh.
Tuy nhiên, 9 ngày tiêm thuốc đã gây hậu quả nghiêm trọng. Anh Tô Cương trông thất thần, vô cảm với đôi mắt đờ đẫn. Anh rất yếu, khuôn mặt tái nhợt, người cứng đờ. Anh đã qua đời vào sáng ngày 10/6.
Cô Từ Quế Cần vì tu luyện Pháp Luân Công mà bị cầm tù. Khi cô được trả tự do lúc 38 tuổi, một bác sỹ dặn gia đình cô phải theo dõi cô sát sao, không để cô đi lại tự do vì cô đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Ngay trước khi được thả, cô đã bị tiêm 4 lọ thuốc phá hủy thần kinh, khiến mặt cô phù lên, và bị cứng lưỡi. Vì không ăn được nên cô đã bị suy nhược, thân người tê liệt, và mất trí nhớ nghiêm trọng.
Ở nhà, thể trạng và tinh thần của cô Từ ngày càng xấu đi. Cô qua đời 9 hôm sau, vào ngày 10/12/2002.
Cô Trương Đức Trân, 38 tuổi, bị giam giữ tại Trại tạm giam Mạnh Âm. Tại đây, cô bị nhân viên Vương Xuân Hiểu và một bác sỹ của Bệnh viện Mạnh Âm tiêm những loại thuốc không rõ tên. Cô đã rơi vào tình trạng nguy kịch, đe dọa đến tính mạng. Ngày 31/1/2003, các bác sỹ lại tiêm thuốc không rõ tên cho cô, khiến cô tử vong
Tên của những người ra lệnh tiêm thuốc đã được ghi lại. Những người liên quan đến cái chết của cô là Loại Duyên Thành ở Phòng 610, Mạnh Âm, Giám đốc Trại giam Tôn Khắc Hải, và Giám đốc Bệnh viện Quách Hưng Bảo.
Video: Sự thật cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ
Theo Minh Huệ Net
Đăng theo Tinh Hoa