Sri Lanka đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid. Đảo quốc Nam Á này cũng đang phải gánh khoản nợ khổng lồ do tham gia sáng kiến“ Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Lạm phát lên mức kỷ lục, giá lương thực tăng vọt và kho bạc cạn kiệt có thể khiến Sri Lanka vỡ nợ trong năm nay.

Nghị sĩ đối lập và nhà kinh tế Sri Lanka Harsha de Silva gần đây đã nói với quốc hội rằng, dự trữ ngoại tệ sẽ âm 437 triệu USD vào tháng 1 năm sau, trong khi tổng mức chi trả nợ nước ngoài lên tới 4,8 tỷ USD từ tháng 2 đến tháng 10/2022. “Quốc gia này sẽ hoàn toàn phá sản”, ông cảnh báo.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid, ngành du lịch Sri Lanka đã phải gánh chịu một đòn giáng nặng nề. Việc chính phủ Sri Lanka chi tiêu cao và cắt giảm thuế đã khiến vấn đề thất thu ngân khố và nợ khổng lồ ngày càng trầm trọng.

Thời gian qua, lạm phát đã lên mức đỉnh điểm khi chính phủ in tiền để trả các khoản vay trong nước và trái phiếu nước ngoài. Lạm phát đạt mức cao kỷ lục 11,1% vào tháng 11/2021 và giá cả leo thang đã khiến những người trước đây vốn khá giả, giờ phải vật lộn để nuôi sống gia đình. Nhiều loại hàng hóa cơ bản giờ trở thành xa xỉ phẩm đối với nhiều người. Mặc dù Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế, nhưng các biện pháp vẫn chưa thể giảm bớt khó khăn cho người dân

Ngoài ra, Sri Lanka cũng đã rơi vào bẫy nợ từ sáng kiến “ Vành đai và Con đường ” của TQ .Quốc gia Nam Á này nợ Trung Quốc hơn 5 tỷ USD và năm ngoái đã vay thêm một tỷ USD từ Bắc Kinh để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính cấp bách.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Ajith Nivard Cabraal đã công khai cam kết rằng Sri Lanka sẽ có thể trả các khoản nợ của mình một cách “liền mạch”. Tuy nhiên, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương, WA Wijewardena lại bác bỏ điều này, cho rằng Sri Lanka phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ rất lớn, sẽ phải đối mặt hậu quả kinh tế thảm khốc.

Theo Sound of Hope

Nguồn ĐKN