Lời cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới này vẫn luôn bền bỉ vang lên suốt hàng ngàn năm, khắp mọi ngóc ngách trong cuộc sống, từ sâu nơi sâu nhất trái tim mỗi chúng ta, ở tại bất kỳ nhà thờ, đền đài, miếu mạo nào… Nhưng những con ‘kền kền’ lại khác, chúng sống nhờ chết chóc, hỗn loạn. Câu chuyện đau thương, dài đằng đẵng lịch sử của dải Gaza không thiếu những bầy kền kền như thế..
Dải Gaza lại nóng lên từng ngày, chỉ tính riêng đợt xung đột từ 13/4 đến nay, hàng chục người đã chết và hàng trăm người bị thương, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị phá hủy,.. bom đạn, tên lửa đánh chặn đỏ rực trên bầu trời của dải Gaza. Máu của người Do Thái, dù đạo Hồi hay Thiên Chúa giáo đều đã đổ xuống, đẫm dải Gaza qua bao nhiêu thế hệ...
Câu hỏi của chúng ta là, việc biến một dải Gaza thành hỗn loạn và đẫm máu sau nhiều thập kỷ như vậy rốt cuộc sẽ mang lại quyền lực và lợi ích cho ai? Có một nguyên tắc bất di bất dịch: Chỉ cần truy cứu được dòng đi, đích đến và quy mô của tiền, kèm theo mục tiêu của quyền lực, chúng ta sẽ có thể nhìn rõ được thế lực nào thao túng đằng sau, thế lực nào đang muốn viết lại lịch sử và mục tiêu cuối cùng của chúng là gì. Thường dân, cả Israel và Palestine, ở những điểm nóng như dải Gaza, luôn là vật tế thần cho tiền và quyền như thế...
Trong lịch sử đương đại, đã có những thời điểm dường như Israel và Palestine ở dải Gaza có thể phi quân sự, nhân nhượng, công nhận lẫn nhau và tiến tới hòa bình... Nhưng luôn có kẻ không muốn hòa bình. Thế lực nào đứng đằng sau kẻ đó?
Ai không muốn hòa bình ở dải Gaza?
Dải Gaza gần như đã bước một chân vào hòa bình, nhưng người "ký cam kết hòa bình" lại sớm bị ám sát bởi cánh hữu cực đoan phía Israel, người có thể kế nhiệm gìn giữ hòa bình cũng bị lực lượng vũ trang Hamas của Palestine phá rối đến mức không thể đắc cử tại Israel.
Tổ chức vũ trang Hamas của Palestine bị Mỹ và EU liệt kê vào các tổ chức khủng bố sau hàng trăm cuộc tấn công lớn nhỏ vào thường dân Israel khiến hàng ngàn người vô tội (gồm cả người già và trẻ em) bị giết hại. Nhưng tổ chức này lại được Nga và Trung Quốc công nhận sự tồn tại hợp pháp với lý do năm 2006 Hamas đã chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp
Theo Wikipedia, Hiệp ước hòa bình Oslo là một hiệp định giữa Chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO): Hiệp định Oslo I, ký kết tại Washington, DC, năm 1993 và Hiệp định Oslo II, ký tại Taba, Ai Cập, vào năm 1995. Hiệp định Oslo đánh dấu bước khởi đầu của tiến trình Oslo, một tiến trình hòa bình nhằm đạt được một hiệp ước hòa bình dựa trên các Nghị quyết 242 và 338 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), và để hoàn thành "quyền của người dân Palestine đối với việc tự quyết". Tiến trình Oslo bắt đầu sau các cuộc đàm phán bí mật ở Oslo, dẫn đến sự công nhận của PLO đối với Nhà nước Israel, sự công nhận của Israel rằng PLO là đại diện của người dân Palestine và là một đối tác trong các cuộc đàm phán.
Hiệp ước Oslo đã tạo ra một nhà cầm quyền Palestine có quyền tự trị hạn chế ở các khu vực của Bờ Tây và Dải Gaza; và sự thừa nhận PLO là đối tác của Israel trong các cuộc đàm phán cho các vấn đề còn lại. Đó là các vấn đề liên quan đến biên giới của Israel và Palestine, các khu định cư của Israel, tình trạng của Jerusalem, sự hiện diện của quân đội Israel và việc kiểm soát các lãnh thổ còn lại sau khi Israel công nhận quyền tự trị của Palestine, và quyền trở về nước của những người Palestine đi tị nạn.
Các thỏa thuận Oslo đã xoa dịu những lo ngại này bằng cách thành lập một Chính quyền Palestine coi các tổ chức như Hamas và Thánh chiến Hồi giáo là mối đe dọa đối với sự tồn tại của chính họ, do đó gắn lợi ích của Israel trong việc chống khủng bố với lợi ích của giới lãnh đạo Palestine. Tổ chức Hamas và Thánh chiến Hồi giáo đương nhiên phải phá hoại tiến trình này.
Ông Yitzhak Rabin, Thủ tướng Israel thời điểm đó, đã tuyên bố rằng Chính quyền Palestine sẽ chống lại chủ nghĩa khủng bố hiệu quả hơn những gì người Israel có thể làm được". Trong tuyên bố đó, ông bày tỏ hy vọng nhiều người Israel ủng hộ thỏa thuận về một liên minh chống khủng bố giữa Israel và chính quyền Palestine. Các thỏa thuận Oslo thậm chí còn thiết lập “các cuộc tuần tra chung” liên quan đến các binh sĩ Israel và Palestine tuần tra cùng nhau để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố.
Nhưng chỉ một năm sau khi ký Hiệp ước Oslo II và hòa bình thiết lập ở dải Gaza, các thế lực của bầy kền kền đứng sau Hamas và cả phe cực hữu của Israel đã vô hiệu hóa Hiệp ước Oslo, phá tan hòa bình bằng ám sát và đánh bom khủng bố.
Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin đã bị ám sát bởi một phần tử cực hữu cánh hữu Do Thái Israel. Dù người ký kết và có thể duy trì hòa bình bị sát hại, nhưng niềm hy vọng chưa tắt, người dân yêu chuộng hòa bình mong đợi người kế nhiệm của ông, Shimon Peres, sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1996 bằng một cuộc bỏ phiếu và thông qua thỏa thuận Oslo.
Để ngăn cuộc bầu cử và mong muốn hòa bình giữa Israel và Palestine, Hamas - một tổ chức vũ trang nằm ngoài chính phủ (cũng không hài lòng với Hiệp ước Oslo), đã tấn công khủng bố, đánh bom xe buýt ở Israel để gây ra thương vong tối đa, nhằm đẩy các cử tri Israel vào vòng tay của phe dân tộc chủ nghĩa chống lại Hiệp ước hòa bình Oslo.
Không khó để trả lời câu hỏi tại sao Hamas không muốn hòa bình. Một thế lực cụ thể ở Israel, ví dụ như đối thủ chính trị của ông Rabin, phe cực hữu, cũng không muốn hòa bình, nếu có hòa bình ông này sẽ không có quyền lực. Nếu có hòa bình, Palestine hoàn thiện thể chế kinh tế - chính trị, với sự giúp đỡ của Israel, Palestine không chỉ không cần súng đạn mà cũng sớm xóa khoảng cách giàu nghèo với Israel. Như thế quyền lực của Hamas ở đâu? Người dân nào ở Palestine cần lực lượng vũ trang này? Không có bom đạn, chiêu bài làm từ thiện ở Palestine, huy động tiền từ thiện, xây trường học, nhà thờ của Hamas cũng không cần nếu Palestine giàu có và yên ổn.
Hamas đã thành công và ứng cử viên cánh hữu của Israel, cựu biệt kích Binyamin Netanyahu, trở thành thủ tướng thay thế và phá hoại "tiến trình hòa bình" triệt để.
Vũ khí của Hamas dưới sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Nga
Năm 2014, NCBNews, đăng một phóng sự điều tra khẳng định rằng, Hamas nhờ có tên lửa nhập lậu do Syria sản xuất dựa trên thiết kế của Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh thêm cho kho vũ khí của Hamas, vốn trước đây chủ yếu là các thiết bị tự chế thô sơ và khó có thể nâng cấp kho vũ khí do giám sát và trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Ngay khi trang bị được tên lửa, Hamas đã bắn hàng trăm quả rocket vào Israel. Nhiều quả trong số đó bị hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt đánh chặn.
Hamas có “khoảng 10.000 tên lửa” trong kho vũ khí, ông Yaakov Amidror, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết. Tên lửa M-302 của Hamas do quân đội Syria sản xuất và dựa trên tên lửa “Weishi-2” hoặc WS-2 của Trung Quốc do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Tứ Xuyên chế tạo.
Ông Tal Inbar thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Hàng không và Vũ trụ Fisher của Israel, được thành lập bởi Hiệp hội Không quân Israel, cho biết: “Chúng được chế tạo theo giấy phép của Trung Quốc”. Ông nói rằng sự tham gia của Trung Quốc dường như mang tính chất giao dịch hơn là chiến lược. Nói cách khác, sự chuyển giao công nghệ tên lửa cho Syria là giao dịch thương mại kiếm tiền đồng thời cũng tăng cường sự hiện diện, vai trò cũng như ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc ở khu vực này.
Vụ việc "chế tạo theo giấy phép của Trung Quốc" năm 2014 khiến chúng ta ngỡ ngàng. Việc này sẽ tăng cường năng lực "tự sản xuất" vũ khí của Hamas. Cũng không ngạc nhiên bởi Nga và Trung Quốc lần lượt tuyên bố về việc không coi Hamas là "tổ chức khủng bố", các chế độ này còn thiết lập mối quan hệ ngoại giao chính thức với Hamas. Nếu đã vậy, họ có thể không bán vũ khí trực tiếp cho Hamas nhưng có thể chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí, cử người sang hỗ trợ đào tạo công nghệ...để Hamas có thể tự sản xuất, tăng cường năng lực.
Việc các quốc gia lớn như Nga và Trung Quốc thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của những tổ chức như Hamas- kẻ đã phát hành các video quảng cáo khuyến khích giết chết người theo chủ nghĩa Zionist, kẻ đặt bom sát hại hàng ngàn thường dân - khiến hòa bình ở Bờ Tây và Dải Gaza trở nên vô vọng. Bởi chính Hamas không bao giờ nghĩ tới hòa bình.
Và đúng như vậy, chỉ sau 7 năm ngắn ngủi, trong cuộc các cuộc không kích hiện nay, tên lửa của Hamas hầu hết đã tự sản xuất theo công nghệ của Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Triều Tiên. Hamas không thể dễ dàng tự chế tạo nên không có chủ sở hữu công nghệ chuyển giao tự nguyện.
Theo Eurasian Times, trong một bài báo hôm 13/5 vừa qua, các tên lửa được Hamas sử dụng trong cuộc xung đột đang diễn ra chủ yếu được sản xuất trong nước (với sự hỗ trợ của nước ngoài) với tầm bắn tối đa từ 12 km đến 120 km. Theo các chuyên gia quân sự, hầu hết các tên lửa này là A-120, được đưa vào các bệ phóng sản xuất trong nước với 8 ống mỗi loại.
Các tên lửa S-40 (với tầm bắn 40km), cũng được phóng bằng các bệ phóng 8 ống, đã được sử dụng. Các tên lửa này được cất giữ trong các hầm chứa dưới lòng đất, chìm xuống cát để tự ẩn mình đi trước các máy bay do thám của Israel.
Hamas cũng sử dụng MLRS lắp trên xe bán tải Toyota và đường ray phóng riêng lẻ theo kiểu truyền thống giá rẻ. Nhìn chung, những bệ phóng này trông ‘kém gọn gàng’ hơn nhiều so với hình ảnh và video tuyên truyền.
Hamas cũng sử dụng nhiều loại tên lửa BM-21 Grad từ thời Liên Xô, phổ biến trên thị trường quốc tế. Tên lửa của Trung Quốc cũng được sử dụng. Ngoài tên lửa, Hamas đã sử dụng Tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM) chống lại IDF và các phương tiện dân sự của Israel.
Hamas vận hành nhiều ATGM do Nga sản xuất như Konkurs, Kornet, Malyutka (Sagger), North Korean Bulsae-2 và European MILAN, theo thông tin từ các nguồn độc lập. Eurasian Times không thể xác minh tính xác thực của những tuyên bố này.
Hamas cũng được biết đến với việc sử dụng rộng rãi các loại súng cối; tổ chức này cũng sở hữu tên lửa phòng không.
Ai đang tài trợ cho Hamas?
Nhà tài trợ lớn nhất và lâu dài nhất cho Hamas trong lịch sử, một cách công khai, là Iran. Tháng 8/2019, chính quyền Iran, còn đang vô cùng khó khăn vì bị Mỹ cấm vận, đã tuyên bố sẽ tăng tài trợ cho Hamas lên 30 triệu USD mỗi tháng. Đổi lại, Hamas sẽ cung cấp thông tin tình báo về khả năng tên lửa của Israel. Thông tin này được đăng tải bởi một kênh truyền hình của Israel và được tờ Thời báo của Israel đăng lại.
Cũng theo nguồn tin từ Thời báo của Israel, trước đó năm 2018, theo các nguồn tin từ Palestine, Iran tài trợ hàng tháng cho Hamas vào khoảng 6 triệu USD/tháng. Mức tăng 30 triệu USD/tháng là mức tăng rất cao trong bối cảnh quốc gia này hết sức khó khăn.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, ngoài Iran, Hamas cũng gây quỹ ở các nước vùng Vịnh và nhận được sự đóng góp từ những người Palestine xa xứ trên khắp thế giới thông qua các tổ chức từ thiện của mình, chẳng hạn như tổ chức gây quỹ bảo trợ, Liên minh những điều tốt đẹp. Một số hoạt động gây quỹ và tuyên truyền diễn ra ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Sau khi chính phủ Anh em Hồi giáo bị lật đổ, những nỗ lực của quân đội Ai Cập nhằm phá hủy các đường hầm nối Gaza với Sinai đã hạn chế phần lớn khả năng tiếp cận vũ khí, hàng lậu và vật liệu xây dựng của Hamas.
Theo một tạp chí của Đức, Qatar cũng là đồng minh nước ngoài và hậu thuẫn tài chính quan trọng của Hamas. Tiểu vương Qatar Sheik Hamad bin Khalifa al-Thani là lãnh đạo nhà nước đầu tiên đến thăm chính phủ Hamas vào năm 2012. Cho đến nay, tiểu vương quốc này đã chuyển 1,5 tỷ euro (1,8 tỷ USD) cho Hamas. Trong khi đó, Israel hy vọng Qatar sẽ tham gia Hiệp định Abraham do Mỹ làm trung gian và thiết lập quan hệ ngoại giao với nó, như một số quốc gia Ả Rập đã làm.
Hamas cũng được hỗ trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc hội đàm ngay trước khi Hamas tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ sự ủng hộ chính trị đối với nhà lãnh đạo Ismail Haniyeh.
Chính phủ Syria hậu thuẫn lớn cho Hamas, họ cho phép lãnh đạo Hamas và các chỉ huy khủng bố của họ tiến hành các hoạt động khác nhau trên lãnh thổ Syria, bao gồm việc xây dựng chiến lược hoạt động của Hamas, đào tạo các đặc vụ khủng bố, tài trợ cho các hoạt động khủng bố chống lại Israel và hỗ trợ mua vũ khí và đạn dược.
4 năm hòa bình bị phá vỡ trong 4 tháng bởi ông Biden
Nhận định rằng, hòa bình của dải Gaza và Bờ Tây chỉ có được khi nguồn tài chính cho Hamas bị cắt đứt. Muốn thế phải tống con "sói" Iran vào một cái lồng thép đặc chế, kiểm soát và giám sát chặt chẽ nó. Hòa bình ở dải Gaza sẽ là nền tảng để các quốc gia còn lại mạnh dạn công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Nếu không, Trung Đông mãi mãi chìm trong khói lửa, dù các kẻ thù của Mỹ, kẻ thù của hòa bình của nhân loại, những cái tên ủng hộ cho Hamas đề cập ở trên, không hài lòng.
Cựu tổng thống Donald Trump chứng minh rằng ông đúng. Tổng thống Trump đã kìm hãm được chế độ Iran, chính phủ tài trợ khủng bố, bằng cách cấm vận Iran, siết chặt nguồn tài chính cũng như đối đầu với chính thể này bằng một thế trận quân sự mạnh mẽ ở Vịnh Ả Rập.
Bằng từng bước đi chiến lược hiệu quả, ông Trump đã có đột phá với Hiệp định Abraham, đạt thỏa thuận đột phá lịch sử giữa người Israel và người Ả Rập, với việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Maroc và Sudan.
Thật không may, chính quyền của ông Biden chỉ đơn giản là từ chối chấp nhận hiện trạng một Trung Đông đang tốt hơn, hòa bình và ổn định hơn. Các quan chức Biden ngay lập tức chuẩn bị mọi điều kiện để thả con sói Iran khỏi vòng cương tỏa của Mỹ. Chính quyền ông Biden đang cố gắng khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã mang lại tiền bạc cho Tehran và vẫn cho phép nước này duy trì các phần quan trọng của chương trình hạt nhân mà ngày nay đang sử dụng để làm giàu uranium vượt xa mức cần thiết cho mục đích hòa bình.
Các quan chức Biden cũng đưa người Palestine, và do đó là Hamas (hay còn gọi là Tổ chức Anh em Hồi giáo), trở lại với ngân sách tài trợ cho Palestine lên tới 235 triệu USD. Tổng thống Trump đã cắt đứt khoản tiền này của họ vào năm 2018, nhận ra rằng họ tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Khi khôi phục các khoản tiền trợ cấp cho khủng bổ (dù là gián tiếp), chính quyền của ông Biden cho biết Mỹ "muốn khôi phục sự gắn bó đáng tin cậy" giữa người Palestine và người Israel. Và bây giờ, khi Hamas của Palestine nã tên lửa sang Israel, sự "gắn bó đáng tin cậy này" bằng tiền thuế của người Mỹ đang chứng minh "tính đúng đắn" trong chính sách của chính quyền ông Biden.
Ngoài tiền bạc, các thế lực ác độc khắp Trung Đông, mà đứng đầu là chính phủ Iran, nhận thấy rằng ông Biden muốn quay ngược kim đồng hồ về trước Trump. Các trợ lý của Biden và những người còn lại trong quá trình thiết lập chính sách đối ngoại thất bại không ngừng tin tưởng rằng việc "giải quyết" Trung Đông trước tiên cần có hòa bình giữa người Palestine và người Israel, điều mà trong tâm trí của họ yêu cầu Israel phải trang bị mạnh mẽ vào một thỏa thuận hòa giải. Thay vào đó, Trump đã chứng minh rằng việc đàn áp Iran sẽ tạo điều kiện cho các chính phủ Ả Rập cảm thấy đủ an toàn về mặt chính trị để chính thức hóa quan hệ ngoại giao và thương mại với Israel. Cách tiếp cận này cũng giả định một cách chính xác rằng hòa bình giữa Israel và Palestine không bao giờ có thể tạo lập trước khi vô hiệu hóa được Iran vì chế độ Iran và lực lượng ủy nhiệm Hamas của họ biện minh cho sự tồn tại của họ trong cuộc xung đột với Israel và chỉ quan tâm đến chiến thắng toàn diện: Israel bị phá hủy hoàn toàn.
Quân cờ của Nga và Trung Quốc
Khác với Iran hay Qatar tuyên bố hoặc rò rỉ thông tin về các khoản tài trợ trực tiếp cho Hamas, mối quan hệ ủng hộ và thân tình của Nga và Trung Quốc với Hamas đã mang lại nhiều lợi ích cho Hamas hơn bất kể nền kinh tế nào khác. Nhưng với vị thế của mình, Nga và Trung Quốc chỉ có thể "âm thầm" ủng hộ tài chính, tài nguyên chiến tranh cho Hamas thông qua Syria hoặc Iran mà thôi.
Cả hai quốc gia này đều là thành viên của Hội đồng bảo an liên hợp quốc, đều sở hữu năng lực sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới, đều cần Hamas để cân bằng chính trị, mặc cả ngoại giao cũng như thị trường hàng hóa, vũ khí ở khu vực này. Do vậy, quan hệ khăng khít với Nga và Trung Quốc giúp Hamas tiến từng bước tới việc hợp pháp hóa sự tồn tại của mình, tăng cường năng lực tự sản xuất vũ khí dưới sự "hỗ trợ ngầm" của các cường quốc này. Thực tế, việc Hamas tự sản xuất vũ khí theo thiết kế của Trung Quốc, Nga với dòng tiền từ Iran, Qatar đã chứng minh cho nhận định này.
Ông Tayseer Moheisen, cố vấn ngoại giao của Bộ Ngoại giao Palestine ở Dải Gaza, nói với Al-Monitor, "Việc Nga hợp tác với Hamas cho thấy sự cần thiết của Hamas với Nga, với tư cách là một trong những thủ đô lớn nhất thế giới, để ngăn chặn các cuộc tấn công dữ dội của Hoa Kỳ và Israel. . Trong khi đó, Nga coi Hamas là thế lực có ảnh hưởng khi nói đến chính nghĩa của người Palestine. Ngoài ra, có vẻ như Tổng thống Vladimir Putin muốn khôi phục đế chế Liên Xô và tin rằng chính nghĩa Palestine và Hamas là một trong những cánh cổng dẫn đến Trung Đông. Đây là lý do tại sao Nga không đồng ý phân loại Hamas là một tổ chức khủng bố, như cách mà Washington và Liên minh châu Âu (EU) đã làm. Điều này sẽ giúp Nga xây dựng một vị thế quốc tế cân bằng đối với Hamas, điều này sẽ ngăn chặn phong trào này không bị các cường quốc khu vực và quốc tế lấn át".
Mục tiêu của Trung Quốc với Hamas cũng không khác Nga là bao. Với thỏa thuận 400 tỷ USD đổ vào Iran, chính quyền tài trợ nhiều nhất cho Hamas ngay trong 100 ngày ông Biden nhậm chức, bao gồm cả hợp tác chiến lược về tin tình báo, Hamas và Iran cũng là cửa sổ, là quân cờ tốt nhất, để Trung Quốc thâu tóm Trung Đông, kiếm lời từ vũ khí, mua lậu dầu thô, hoàn thành "Giấc mộng Trung Hoa".
Sinh Bách
Đăng theo NTDVN
Xem thêm:
VIDEO - Tin thể giới tổng hợp trong ngày - Bí quyết phòng dịch COVID của Đài Loan: “Nhìn thấu bản chất dối trá của ĐCSTQ”
NGUỒN TIN THAM KHẢO
- https://www.aljazeera.com/news/2021/5/9/us-navy-seizes-huge-weapons-cache-in-arabian-sea
- https://www.globalsecurity.org/military/world/para/hamas-leaders.htm
- https://www.treasury.gov/press-center/press-releases/Pages/js672.aspx
- https://www.newsweek.com/more-40-senators-write-biden-demanding-end-iran-nuclear-talks-over-hamas-funding-1591031
- https://besacenter.org/chinese-palestinian-relations/
- https://www.nbcnews.com/storyline/middle-east-unrest/hamas-firing-china-designed-syria-made-m-302-rockets-israel-n152461
- https://www.shabak.gov.il/english/publications/Pages/SmugglingWeapons.aspx