Ngày 28/3, Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo rằng cơn bão bụi quy mô lớn đã quay trở lại. Đợt bão cát này ảnh hưởng đến hơn 15 tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương, theo Sound of Hope

Từ 6h sáng ngày 28/3, Đài quan sát Khí tượng Trung ương tiếp tục đưa ra cảnh báo về bão cát, với cấp độ cảnh báo màu vàng, dự kiến quét qua khu vực Tân Cương, Thanh Hải, Nội Mông, Cam Túc, Ninh Hạ, Thiểm Tây, Sơn Tây, Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, Liêu Ninh và Cát Lâm, theo Tân Hoa xã.

Đợt bão cát này ảnh hưởng đến hơn 15 tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương và thời gian cát bụi mạnh kéo dài hơn 12 giờ. Từ tối ngày 28, cường độ cát bụi tại các khu vực nói trên đã suy yếu, chủ yếu do cát thổi hoặc bụi nổi, tuy nhiên vẫn có bão cát ở đông nam Nội Mông và tây Liêu Ninh.

Chỉ số chất lượng không khí chính thức của Bắc Kinh đạt mức tối đa 500 vào sáng 28/3, với nồng độ bụi mịn PM10 (các hạt bụi có kích thước đường kính từ 2.5 tới 10 µm) vượt quá 2.000 microgam/ mét khối ở một số quận. Cơ quan Giám sát Môi trường Bắc Kinh cho biết ban ngày là thời kỳ bão cát nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến chất lượng không khí của Bắc Kinh.

Một số nhà phân tích khí tượng Trung Quốc đã chỉ ra rằng vì tháng 4 vẫn là giai đoạn thời tiết cát bụi hoạt động, nên có thể bão cát sẽ còn xuất hiện trở lại.

Dưới lớp cát bụi phủ kín bầu trời, cảnh tượng “mặt trời xanh” một lần nữa xuất hiện trên khắp Bắc Kinh. 

Trước đó, vào ngày 24/3 bão cát đổ bộ đã ảnh hưởng đến khu vực trung tâm và phía đông của Nội Mông, phía đông bắc và những nơi khác, nồng độ PM10 ở Bắc Kinh đã tăng lên mức ô nhiễm cấp độ 4, cát và bụi đã ảnh hưởng đến hầu hết thành phố.

Vào ngày 15/3, bão cát vàng hoành hành ở Bắc Kinh, ban ngày trời như chạng vạng, tầm nhìn ở hầu hết các khu vực ở Bắc Kinh chỉ từ 300 đến 800 mét.

Ngoài ra, vào ngày 15/3, ngoài những trận bão cát hiếm gặp, hiện tượng “mặt trời xanh” kỳ lạ cũng xuất hiện ở Bắc Kinh, Ninh Hạ và những nơi khác. Nhiều người đã chụp được hình ảnh “mặt trời xanh” rõ ràng ở những nơi có tầm nhìn tương đối tốt hơn.

Một bản tin của tờ Beijing Evening News cho hay, hiện tượng mặt trời chuyển xanh là do “tán xạ Rayleigh” – thường xảy ra khi ánh sáng chiếu qua các chất rắn, lỏng hay khí trong suốt. Cụ thể trong trường hợp này là ánh sáng mặt trời chiếu qua các hạt cát trong không khí, khiến mặt trời tại Bắc Kinh biến thành màu xanh. 

Theo ĐKN