Cơ sở hạt nhân lớn nhất Triều Tiên – Yongbyon – đang bị lũ lụt đe dọa. Mưa lớn có thể khiến chất thải phóng xạ rò rỉ ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt địa phương, đe dọa đến sức khỏe người dân.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh bão Bavi trong tuần sẽ đổ bộ vào Hàn Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản, mang đến những cơn mưa xối xả và gió mạnh đến khu vực. Trước đó, bán đảo Triều Tiên đã chịu ảnh hưởng từ một đợt mưa kéo dài, tạo ra nhiều trận lũ lụt và sạt lở đất, theo The Express.
Theo Cục Khí tượng Hàn Quốc, bão Bavi hiện đã tiếp cận bờ biển phía tây bắc quần đảo Okinawa (Nhật Bản) vào cuối thứ Hai, hướng về phía Hàn Quốc với tốc độ gió giật 12 km/h.
Với tốc độ gió tối đa 115 km/h, bão Bavi được xếp vào loại bão có cường độ nhỏ đến trung bình.
Dự báo Bão Bavi sẽ trở thành cơn bão mạnh thứ ba trong hệ thống bão bốn cấp bậc, với sức gió tối đa lên đến 184 km/h.
Trang tin chuyên về Triều Tiên, 38 North, cho biết rủi ro lớn nhất đối với các lò phản ứng hạt nhân tại đây là việc các máy bơm và đường ống bị hư hại.
Trang tin chuyên theo dõi Triều Tiên đã dẫn các bức ảnh chụp vệ tinh thương mại từ ngày 6 đến 11/8 cho thấy lò phản ứng hạt nhân ở đây dễ bị tổn hại như thế nào trước hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Yongbyon là nơi đặt nhiều lò phản ứng hạt nhân, nhà máy tái chế nhiên liệu và cơ sở làm giàu uranium. Theo một số chuyên gia khu vực này đóng vai trò quan trọng trong chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Báo cáo cảnh báo: “Lấy ví dụ, khi các lò phản ứng đang hoạt động, nếu không thể duy trì việc làm mát thì sẽ buộc phải ngừng vận hành”.
Mỏ uranium có thể bị ngập nước, và tồn tại nguy cơ chất thải phóng xạ xâm nhập vào môi trường và thậm chí vào nước uống của người dân.
Ông Olli Heinonen, người từng đứng đầu nhóm an ninh của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và từng giữ chức Phó tổng giám đốc của IAEA , cho biết:
“Có những hồ nhân tạo lớn trữ nước thải phóng xạ, nhưng chúng tôi không biết chúng được thiết kế tốt đến đâu. Liệu chúng có thể chống chọi với một trận mưa lớn? Liệu có khả năng mưa sẽ rơi xuống những hồ nước thải lộ thiên này, khiến nước tràn ra ngoài, chất thải phóng xạ do đó sẽ thấm vào môi trường xung quanh, nguồn nước ngầm, rồi cuối cùng đổ ra sông, hoặc vào nước uống của người dân.
“Nếu điều đó xảy ra, thì ảnh hưởng là lớn”.
Viễn cảnh này tương tự sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima do thảm họa sóng thần ở Nhật bản gây ra năm 2011.
Ông cho biết nếu mưa lớn tiếp diễn hai hồ nước thải phóng xạ sẽ có nguy cơ bị trào.
Ông Heinonen cũng cảnh báo tình trạng thiếu thốn cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở Triều Tiên cũng là một vấn đề.
Ông nói: “Có một điều mà mọi người cần phải ghi nhớ”.
“Việc xây dựng các tòa nhà ở Triều Tiên, tiêu chuẩn của chúng không tiên tiến như của chúng ta”.
“Ví dụ khi mưa lớn, tại một số cơ sở, nước có thể tràn xuống hầm do tầng hầm cách ly kém”.
“Vì vậy, đây có thể là một vấn đề đang diễn ra tại một số cơ sở hạt nhân. Chúng ta không nhìn thấy nó vì ảnh chụp vệ tinh không hiển thị”.
Theo ĐKN