Giá than Trung Quốc bán cho Việt Nam đang ở mức cao gấp 3 so với các thị trường khác và cao gấp đôi so với giá bình quân mà Việt Nam bán đi.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, lượng than đá nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 4,4 triệu tấn, giá nhập khẩu than về nước khoảng 1,4 triệu đồng/tấn. Tổng cộng 7 tháng đầu năm, lượng than nhập khẩu về Việt Nam đạt gần 36 triệu tấn, trị giá 2,5 tỷ USD.
Việt Nam nhập than nhiều nhất từ 3 thị trường lớn là Indonesia, Nga và Trung Quốc. Riêng than nhập từ Trung Quốc về Việt Nam dù ít, khoảng 140.000 tấn trong 7 tháng, nhưng giá lại rất cao, khoảng 6,2 triệu đồng/tấn, gấp gần 3 lần so với giá mua bình quân của các nước khác và giá trên thị trường.
Indonesia là thị trường cung cấp than nhiều nhất cho Việt Nam với hơn 11,2 triệu tấn, trị giá hơn 540 triệu USD, giá bình quân chỉ 1,1 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, lượng than xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng qua đạt hơn 410.800 tấn, kim ngạch hơn 57 triệu USD. Giá bán bình quân là 3 triệu đồng/tấn, bằng 1/2 giá than nhập từ Trung Quốc và cao hơn gần 3 lần giá than nhập từ Indonesia.
Qua các con số, có thể thấy rõ than của Trung Quốc bán cho Việt Nam đang ở mức cao ngất ngưởng so với các thị trường khác và cao hơn nhiều so với giá mà Việt Nam bán đi.
Gần đây, hoạt động nhập khẩu than của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ. Năm 2019 Việt Nam phải nhập hơn 43,7 triệu tấn than các loại, kim ngạch đạt 3,78 tỷ USD, tăng 91% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, việc Việt Nam tăng nhập khẩu than với số lượng lớn chủ yếu do nhu cầu than cho các nhà máy điện lớn. Trong khi đó, lượng than khai thác trong nước ngày càng khó khăn, chi phí tốn kém do phải khai thác dưới độ sâu dẫn đến hiệu quả không cao.
Nhận định về thực trạng bán rẻ quặng và khoáng sản của Việt Nam cho Trung Quốc nói chung, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường cho biết vấn đề này không hề mới mà đã diễn ra nhiều năm nay và những nhà kinh tế, nhà khoa học cũng đã lên tiếng nhiều lần.
Ông Bá nói: “Tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam lại bán rẻ quặng và khoáng sản cho Trung Quốc? Đánh đổi như thế để được cái gì? Nếu một số loại quặng quý hiếm như đất hiếm và các loại quặng khác có giá trị cao mà bán như thế thì rất nguy hiểm. Việc này cơ quan quản lý Nhà nước và cả Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam phải giải thích cho rõ. Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo được, được bao nhiêu cứ bán hết thì còn gì cho con cháu đời sau?”
“Khoáng sản là tài sản của nhân dân, bán rẻ thì chỉ có dân thiệt, còn doanh nghiệp chỉ cần tiền trao cháo múc, tiền tươi thóc thật cầm về, tiêu cực cũng nảy sinh từ đây”, GS.TSKH Lê Huy Bá trăn trở.
GS Lê Huy Bá cho rằng, khoảng cách địa lý gần hay xa không phải là vấn đề đối với mua bán tài nguyên thiên nhiên mà do người xuất khẩu không biết “của đau con xót”. “Việt Nam đã có bài học: bán than cho Trung Quốc rồi lại nhập than Trung Quốc về với giá cao nhưng có vẻ học bao nhiêu thì vẫn không có gì thay đổi”, ông nói.
Theo Tinh Hoa