Khi nhắc đến tác phẩm kinh điển Tây Du Ký, chúng ta thường nghĩ ngay đến câu chuyện bốn thầy trò Đường tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh. Tuy nhiên, trong đoàn đi còn có một nhân vật vô cùng quan trọng nhưng lại thường không được chú ý đến. Đó là ai? 

Xem hành trình của bốn thầy trò Đường Tăng về Tây Trúc thỉnh kinh, chúng ta luôn dễ dàng bỏ qua nhân vật quan trọng, đó là Bạch Long Mã. Ví dụ như, vừa nói đến thầy trò Đường Tăng, mọi người đều nói “4 thầy trò”. 

Trong phim truyền hình cũng như trong truyện, nội dung đều nói lên đi lấy kinh chỉ có Sư phụ tụng kinh, Ngộ Không hàng yêu, Bát giới dắt ngựa, Sa Tăng gánh đồ. Thầy trò tập hợp thành một đoàn 4 người đi lấy kinh.

Kỳ thực, những lời này thật không công bằng. Con khỉ được coi là người, con lợn được coi là người, nhưng con ngựa không được xem là người. Trong kịch phim, nhân vật Bạch Long Mã có rất ít lời thoại và ít cảnh quay. Thậm chí sau buổi diễn, ngựa trắng còn được người chăn ngựa đưa về tổ đạo cụ. 

Trên thực tế, ngựa trắng cũng có công quả, được Phật Tổ Như Lai gọi tên. Tuy nhiên, trên hình thức, ngựa trắng lại không chính thức bái sư, không xếp hạng vai vế cùng Tôn Ngộ Không, cứ y như không phải là đồ đệ của Đường Tăng vậy.  

Vậy Bạch Long Mã gọi Đường Tăng như thế nào? Mỗi lần Bạch Long Mã mở miệng nói đều gọi Đường Tăng là “sư Phụ”, gọi Ngộ Không và Bát giới là “Đại sư huynh” và “Nhị sư huynh”. Lấy một ví dụ: Trong hồi thứ 30 của Tây Du Ký, Bạch Long Mã nói với Trư Bát Giới: “Huynh nhanh cưỡi mây đến Hoa Quả Sơn mời đại sư huynh Tôn Hành Giả đến”. Tuy nhiên tại sao không để Bạch Long Mã trở thành thành viên trong nhóm người đi thỉnh kinh? 

Thực tế thì, trong Tây Du Ký, Bạch Long Mã là một nhân vật bị đánh giá thấp. 

***

Bạch Long Mã không tranh giành địa vị cao thấp, không quan tâm đến lợi ích và tổn thất cá nhân. Mặc dù gia nhập nhóm thầy trò đi thỉnh kinh sớm hơn cả Trư Bát Giới nhưng Bạch Long Mã vẫn gọi Bát Giới là sư huynh. 

Từ hồi thứ 15, Bạch Long Mã đã nhận lời phò tá Đường Tăng đi thỉnh kinh. Có thể nói tư cách và sự từng trải của ngựa trắng tương đương với Tôn Ngộ Không. Còn Trư Bát giới mãi hồi thứ 18 mới tham gia, Sa tăng phải đến hồi 22 mới gia nhập. 

Bạch Long Mã gọi những đồ đệ khác của Đường Tăng là sư huynh còn bản thân lùi về cuối cùng. Nó không chỉ khiến các sư huynh vui mừng mà bản thân cũng thản nhiên tiếp nhận. Bạch Long Mã cũng không buồn bực và lay động trước tư cách và sự từng trải của bản thân. 

Trên đường đi, Bạch Long Mã rất ít khi mở miệng nói, nó thường im lặng, giấu mình thật sâu và lặng lẽ làm tròn bổn phận. Trư Bát Giới chưa từng biết về lai lịch của Bạch Long Mã nên chỉ xem nó như là con ngựa bình thường. 

Mãi đến sau này, khi đi cùng đoàn khá lâu, Trư Bát Giới mới biết Bạch Long Mã có thể nói chuyện nên đã vô cùng kinh ngạc. Bị đặt ở vị trí thấp nhưng ngựa trắng lại có phong thái cao thượng, thật đáng ngưỡng mộ phải không?

***

Điều đáng khâm phục hơn đó là Bạch Long Mã không chỉ khiêm tốn mà còn đóng vai trò then chốt trong những thời khắc quan trọng. 

Khi Đường Tăng không may gặp nạn, bị yêu quái biến thành con hổ già, Sa Tăng bị bắt trói lại còn Bát Giới may mắn chạy thoát, đoàn lấy kinh gần như tan rã. 

Vào thời điểm quan trọng ấy, ai đã cắn vào quần áo của Trư Bát Giới? Hơn nữa nhân vật này còn yêu cầu Bát Giới đến Hoa Quả Sơn mời Tôn Ngộ Không về trợ giúp? Ai xem kịch phim cũng như đọc truyện đều biết đó chính là Bạch Long Mã. 

Quan sát biểu hiện của Bạch Long Mã kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ thấy, đầu tiên ngựa trắng “không ngăn được những giọt nước mắt”. Đừng đánh giá thấp những giọt nước mắt này. Đường Tăng gặp nạn, Tam sư huynh không nhỏ giọt lệ nào, Nhị sư huynh cũng không khóc thương sư phụ. Ngược lại, Bạch Long Mã không có danh phận lại rơi lệ. 

Điều này cho thấy, đối với việc lấy kinh, Bạch Long Mã thật vô cùng tận tâm tận lực, đồng thời nó cũng có tình cảm chân thành đối với sư phụ. Điều này cho thấy không dễ dàng mà làm được. 

Tiếp đến, Bạch Long Mã dám mạo hiểm thực hiện hành động biến thành một cung nữ để ám sát quái vật ăn cắp áo cà sa. Đây được xem là trận đánh vinh quang. Cho dù điều kiện bất lợi nhưng ngựa trắng vẫn một mình dũng cảm đi đánh yêu quái chúa tể. Dù bị thương bỏ chạy nhưng đó cũng được xem là một thất bại vẻ vang.

Vào thời khắc nguy nan như vậy, Bạch Long Mã vẫn rất sáng suốt yêu cầu Nhị sư huynh mời Tôn Ngộ Không về chủ trì đại cục. Hơn nữa điều này cũng cho thấy quan điểm của anh ta rất rõ ràng. 

***

Không chỉ vậy, Bạch Long Mã cũng là nhân vật xem người rất chuẩn và hiểu biết cao. Anh ta đưa ra câu đánh giá sắc sảo về Hầu vương: “Đại sư huynh rất nhân từ và chính trực”. Dòng đánh giá này cũng được giữ lại trong phiên bản gốc phim Tây Du Ký năm 1986. Đạo diễn Dương Khiết cũng thấy được câu này có nội hàm sâu sắc. 

Cần lưu ý rằng, những từ ngữ chính xác như vậy không phải do Đường Tăng nói mà được thốt ra từ miệng của con ngựa. Điều này cho thấy cách nhìn người của Bạch Long Mã tốt như thế nào. Thời điểm đó, ngay cả Trư Bát Giới cũng lo rằng Tôn Ngộ Không mang thù hận mà không chịu giúp. Nhưng Bạch Long Mã lại dám khẳng định rằng Tôn Ngộ không sẽ đến. 

Biểu hiện xuất sắc của Bạch Long Mã lần này đã giúp sự nghiệp thỉnh kinh chuyển nguy thành an, chính là khi gặp đại nạn không hồ đồ. Riêng điểm này có thể phong cho Bạch Long Mã chức anh cả. 

***

Bạch Long Mã còn đóng góp rất nhiều trong hành trình thỉnh kinh nhưng kịch phim truyền hình không diễn xuất ra. Do đó người xem không biết hết được.  

Ví dụ, trong tập phim “Tôn Ngộ Không khéo làm nghề y”, Ngộ Không làm thuốc cho quốc vương của nước Chu Tử. Ngộ Không lấy một mớ hỗn độn các loại thuốc để điều chế nhưng quan trọng nhất vẫn là sử dụng nước tiểu ngựa trắng. Thực tế thì nước tiểu của ngựa trắng mới là vị thuốc quan trọng khởi tác dụng. 

Trong truyện, Bạch Long Mã nói về điểm tốt trong nước tiểu của mình như thế này: “Thưa sư huynh, chẳng lẽ sư huynh lại không biết sao? Tôi là con rồng bay ở Tây Hải, chỉ vì phạm phải phép trời, được Quan Âm Bồ Tát cứu vớt, cưa sừng lột vẩy, biến thành ngựa, cõng sư phụ sang Tây lấy kinh, lập công chuộc tội. Khi tôi vượt sông tiểu ra, cá bơi trong nước, uống phải sẽ hóa rồng, trèo núi tiểu ra, cỏ sườn non được tưới, sẽ biến thành cỏ linh chi, tiên đồng hái về làm thuốc trường thọ. Vậy tôi đâu có khinh suất đi tiểu bừa bãi ở nơi trần tục thế này!”.

Bạch Long Mã chỉ đi tiểu ra một chút, nước này dùng làm thuốc hoàn, quốc vương ăn hết liền khỏi bệnh, bụng dạ nhẹ nhàng khí huyết lưu thông. Việc trị bệnh thành công chính là nhờ vài giọt nước tiểu của Bạch Long Mã. 

Cuối cùng, khi quốc vương mở tiệc cảm ơn, thầy thuốc có nói một câu: “Thần tăng ân trọng như núi” rồi hướng Đường Tăng cùng Tôn Ngộ Không mời rượu. Tuy nhiên, ân nhân chính thức của quốc vương lại chính là Bạch Long Mã, không được nhắc đến, không có tiếng tăm gì. Công đức và danh tiếng của nó được che giấu rất kỹ lưỡng. 

***

Hơn nữa, Bạch Long Mã cũng rất dễ nuôi, sống không xa hoa mặc dù anh ta chính là Thái tử Long cung. Bạch Long Mã vốn là Thái tử của long cung, trên đường đi, việc nó đòi hỏi ăn sơn hào hải vị thì cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ngựa trắng lại chưa từng đòi hỏi về đồ ăn trên đường đi lấy kinh. Thức ăn chính của Bạch Long Mã vẫn chỉ là cỏ khô. 

Đến bất cứ nơi đâu, Trư Bát Giới cũng chỉ lấy cỏ cho ngựa trắng ăn và thế là đủ. Mặc dù vậy, Bạch Long Mã cũng không có yêu cầu gì thêm. Nó ăn món ăn đơn giản nhất là cỏ nhưng lại đi được đoạn đường xa nhất. 

Ngay cả yên ngựa cũng không cần Đường Tăng phải chuẩn bị. Lúc Tiểu Bạch Long biến thành ngựa hoàn toàn không có yên và dây cương, sau đó sơn thần đã mang chúng tới đưa cho Đường Tăng. Đường Tăng không mang theo thứ gì nên rất nhẹ nhàng xuất phát. 

Đây chính là con Bạch Long Mã chúng ta đã đánh giá thấp. 

Xuất thân từ gia đình danh tiếng nhưng lại hết sức cẩn trọng, tận hết trách nhiệm, hơn nữa lại ăn uống đơn giản. Bạch Long Mã chịu bao vất vả, một nắng hai sương đưa người về phía trước, giấc mộng của bạn là phương hướng của ta. 

Ảnh: Phim Tây Du Ký 1986

Theo Sound Of Hope
San San biên dịch

Đăng theo ĐKN