Hãng tin Tân Hoa Xã hôm 20/6 hé lộ một số điều khoản của luật an ninh Hồng Kông, trong đó chính quyền Bắc Kinh sẽ có quyền xét xử các tội phạm an ninh quốc gia ở đặc khu, và bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) có thể chỉ định các thẩm phán để chủ trì các phiên tòa đó.
Kênh truyền thông Hong Kong Free Press (HKFP) dẫn tin từ Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ thành lập “ủy ban an ninh quốc gia” tại Hồng Kông. Cơ quan này có nhiệm vụ “theo dõi, giám sát, hợp tác và hỗ trợ” chính quyền đặc khu trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, thu thập và phân tích thông tin tình báo liên quan đến an ninh quốc gia và xử lý các vụ án liên quan theo luật an ninh.
“Bất kỳ tổ chức và cá nhân nào trong đặc khu Hồng Kông phải tuân thủ luật an ninh này và các luật khác của đặc khu liên quan đến việc bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời không được tham gia vào bất kỳ hoạt động nào có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết
Ngoài ra, bất kỳ ai tham gia bầu cử “cần ký xác nhận hoặc tuyên thệ sẽ tuân theo Luật cơ bản và trung thành với đặc khu Hồng Kông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Chính quyền Hồng Kông cũng sẽ thành lập một “ủy ban bảo vệ an ninh quốc gia” do trưởng đặc khu đứng đầu, gồm các ủy viên là cảnh sát trưởng và các quan chức hàng đầu chính phủ. Cố vấn của ủy ban sẽ do Bắc Kinh bổ nhiệm.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga có quyền chỉ định các thẩm phán thụ lý các vụ án liên quan đến an ninh đặc khu, đây là một động thái chưa từng có. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chính quyền Bắc Kinh vẫn có quyền bác bỏ phán quyết.
Cảnh sát Hồng Kông sẽ thành lập một phòng ban để “bảo vệ an ninh quốc gia”, và Bộ Tư pháp sẽ thành lập một bộ phận để xử lý các vụ án và việc truy tố liên quan.
Tân Hoa Xã không đề cập đến hình phạt cụ thể đối với từng tội danh. Tuy nhiên, tờ HKFP bình luận, luật an ninh của Bắc Kinh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các nhà hoạt động dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự cũng như các đối tác thương mại, vì giới chức Trung Quốc đã sử dụng các điều luật tương tự như vậy để bịt miệng và trừng phạt các nhà bất đồng chính kiến ở đại lục.
Một số điều khoản trên trong dự thảo luật an ninh được hãng Tân Hoa Xã công bố vài giờ sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc kết thúc phiên họp 3 ngày. Tuy nhiên, toàn văn dự thảo luật an ninh chưa được công bố.
Theo Reuters, hiện chưa rõ khi nào luật an ninh khi nào có hiệu lực, nhưng một đại biểu Hồng Kông tại Quốc hội Trung Quốc cho biết dự luật có thể được thảo luận thêm và được thông qua sau một phiên họp vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.
Ông Patrick Poon, một nhà nghiên cứu nhân quyền, nói với HKFP rằng, nội dung của dự thảo luật an ninh có thể tác động lớn đến các giá trị phổ quát. “Các điều khoản cho thấy, đây không chỉ là dấu chấm hết của mô hình ‘Một quốc gia, Hai chế độ’, mà còn thực sự kết thúc quyền tự trị và độc lập tư pháp của Hồng Kông”, ông Poon nói.
Nhà nghiên cứu nhân quyền cho rằng, cộng đồng quốc tế cần phải phản ứng mạnh mẽ hơn bao giờ hết với luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh. Ông Poon nói: “Tất cả người dân sẽ đối mặt với thảm kịch nếu sự can thiệp của Bắc Kinh vào các vấn đề ở Hồng Kông không được đối phó một cách hiệu quả bằng áp lực quốc tế thực sự”.
Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đã phản đối luật an ninh quốc gia Hồng Kông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 19/6 cảnh báo trong tương lai có thể sẽ đối xử với Hồng Kông như các thành phố khác của Trung Quốc vì đặc khu bị xói mòn các quyền tự do.
Trước đó, Ngoại trưởng các nước G7 và Đại diện cấp cao EU ngày 17/6 đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về quyết định của Trung Quốc sẽ đe dọa các quyền cơ bản và tự do của người dân Hồng Kông, đồng thời kêu gọi chính phủ Trung Quốc cân nhắc lại quyết định của mình.
Theo dkn.tv