Bỗng nhiên quân sĩ một đội quân ở Phúc Kiến được yêu cầu viết thư từ biệt để đi vào chỗ sinh tử, làm dấy lên nghi vấn sắp có chiến tranh.

Vào thời điểm Trung Quốc đang lo lắng về những rắc rối đối ngoại và đối nội, một bài viết bỗng trở nên nóng hổi trên mạng Đại lục có tên là “Nếu ngày mai bạn ra chiến trường!” Đây là bức thư từ biệt sinh tử của chiến sĩ một quân đoàn nào đó đang đóng quân ở Phúc Kiến, nội dung nói rằng bộ đội đóng quân ở Phúc Kiến đang phát động chiến dịch “Tam tín nhất sách”, các chiến sĩ đã viết thư cho gia đình bày tỏ cảm xúc về việc ra quân.

Một số nhà bình luận chỉ ra rằng mặc dù không thể đoán trước được việc Bắc Kinh có gửi quân ra nước ngoài hay không, nhưng ít nhất điều đó cho thấy các nhà chức trách đang “cầm trên tay những cọng rơm cuối cùng”.

Gần đây, một lữ đoàn nào đó đang đóng quân tại phía Đông chiến khu Phúc Kiến đã phát động chiến dịch “Tam tín nhất sách” (ba bức thư một lá đơn) với chủ đề “truyền cảm hứng chiến đấu máu lửa”. Giả định là nếu ngày mai trận chiến bắt đầu, những người lính sẽ viết thư cho ai và sẽ nhận được thư từ ai?

 

Một bài báo trên Internet đại lục khiến dân tình hỗn loạn có tên “Nếu bạn đi đến chiến trường vào ngày mai! 
Các sĩ quan và binh lính của một đội quân nào đó đóng quân ở Phúc Kiến đã viết thư tiễn biệt sinh tử” (Nguồn ảnh: Weibo)

Cái gọi là hoạt động “Ba bức thư một lá đơn”, theo thông tin trên truyền thông Trung Quốc, là bao gồm: bức thư từ biệt để lại cho gia đình, bức thư có lời dặn dò của gia đình và bức thư an ủi của địa phương; còn một lá đơn là đơn thỉnh cầu được ra trận của binh lính. Khi chuẩn bị ra chiến trường, lá thư tiễn biệt có thể là lời cuối cùng người lính để lại cho gia đình, bức thư dặn dò là lời tâm sự chân thành nhất mà người thân dành cho người lính, lá thư an ủi mang theo niềm tin yêu của nhân dân.

Đáp lại, tờ Apple Daily trích lời của nhà bình luận quân sự Hoàng Đông chỉ ra rằng, chiến dịch “Ba bức thư một lá đơn” là một tuyên bố chính thức. Tình hình hiện tại ở Trung Quốc đại lục đang gặp phải những rắc rối cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong thì dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán có nguy cơ bùng phát trở lại, lũ lụt vẫn chưa kết thúc, tình hình kinh tế ảnh hưởng đến sinh kế của người dân… những rắc rối bên ngoài là quan hệ với phương Tây xấu đi. “Mặc dù hiện tại không thể đoán được Trung Quốc có xuất binh không, đó là bí mật quân sự cấp cao, nhưng có thể thấy chủ đề cường điệu của phong trào viết thư dường như đã trở thành cọng rơm cuối cùng trong tay ĐCSTQ. Nó (ĐCSTQ) nắm trong tay số vốn rất lớn, chính là quân đội. Vô luận là có đánh nhau hay không, quân đội cũng phải có trách nhiệm duy trì sự ổn định”.

Đối với việc bày tỏ thái độ một cách cường điệu của quân đội Phúc Kiến, Hoàng Đông cho rằng có hai hàm ý, một là Tập Cận Bình đã từng cai quản Phúc Kiến, ông vẫn tin tưởng chiến khu phía Đông, đặc biệt là quân Phúc Kiến; Thứ hai, quan hệ hai bên eo biển Đài Loan đang trong tình trạng căng thẳng, củng cố quân tâm là một cách thể hiện thái độ đối với Đài Loan về quan hệ hai bờ eo biển: “Muốn nói với Đài Loan, chúng tôi đã chờ sẵn rồi”.

Trên thực tế, ĐCSTQ cảm thấy rất lo lắng trước tình hình Đài Loan ngày càng thân thiết với Hoa Kỳ, nên vào những thời điểm nhạy cảm, máy bay quân sự Trung Quốc sẽ bay sát Đài Loan.

Dựa trên dữ liệu của Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã 10 lần xâm nhập không phận xung quanh Đài Loan trong tháng 6 năm nay, 9 lần trong số đó là di chuyển vào góc Tây Nam của Vùng nhận dạng Phòng không Đài Loan, và lần khác là tiến vào không phận xung quanh phía đông Đài Loan qua eo biển Miyako. Trong tháng 7 cũng đã ghi nhận ít nhất 5 lần xâm phạm.

Ngoài ra, máy bay quân sự Trung Quốc đã nhanh chóng băng qua đường giữa eo biển vào ngày 10/8 và bay lại gần vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan vào ngày 13/8.

Theo Secretchina
Phụng Minh biên dịch 

Đăng theo ĐKN