Theo Sound of Hope, thu nhập từ phí chuyển nhượng đất của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã giảm đáng kể, dẫn đến khó khăn về tài chính. Một số chính quyền địa phương đã phá sản.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nỗ lực hết sức để đặt ra các khoản thuế mới, bao gồm cả thuế bất động sản. Một số nhà kinh tế dự đoán rằng thuế bất động sản có thể sẽ được ban hành trong năm nay. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng sự phá sản tài chính của chính quyền địa phương đang gây ra hiệu ứng domino, đây là cơn ác mộng thực sự của ĐCSTQ.
Đã cạn túi
Cuộc khủng hoảng phá sản của Tập đoàn Evergrande đã phơi bày những vấn đề tài chính của chính quyền địa phương Trung Quốc. Hạc Cương một thành phố dựa vào tài nguyên ở Đông Bắc Trung Quốc, đã bị phá sản và tuyên bố cải tổ tài chính. Ngay cả những khu vực kinh tế phát triển như Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông và Phúc Kiến cũng đã cắt giảm lương của nhân viên do khó khăn tài chính.
Theo số liệu chính thức của TQ, khoản nợ rõ ràng của các chính quyền địa phương đã lên tới 27,5 nghìn tỷ nhân dân tệ. Nếu cộng thêm khoản nợ tiềm ẩn 45 nghìn tỷ nhân dân tệ của đầu tư đô thị địa phương thì quy mô nợ là khoảng 70 nghìn tỷ nhân dân tệ. Chỉ riêng chi phí lãi vay hàng năm đã cao tới 3 nghìn tỷ nhân dân tệ, chiếm gần 30% tổng thu ngân sách của các chính quyền địa phương vào năm 2020.
Vào ngày 2 tháng 10 năm 2021, công ty môi giới Goldman Sachs ở Phố Wall chỉ ra rằng tổng số nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương TQ đã tăng lên và tương đương với hơn một nửa quy mô nền kinh tế quốc gia.
Theo một tính toán sơ bộ của Lâu Kế Vĩ, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính của Trung Quốc, hơn 50% doanh thu tài chính của 1/4 nguồn tài chính cấp tỉnh sẽ được sử dụng để trả nợ gốc và tiền lãi.
Vào tháng 3 năm 2021, hai phiên họp của ĐCSTQ còn được gọi là lưỡng hội đã nhìn nhận các khoản nợ tiềm ẩn của địa phương là “vấn đề an ninh quốc gia”. Vào tháng 3 năm nay, ĐCSTQ sẽ tiếp tục tổ chức “lưỡng hội”.
Sách Xanh Kinh tế năm 2022 được phát hành bởi Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng áp lực lên doanh thu tài chính năm 2022 vẫn sẽ rất lớn. Bên cạnh những rủi ro nợ tiềm ẩn được quan tâm, còn nhiều rủi ro khác cũng đáng lo ngại, ví dụ như thu nhập từ các trái phiếu không đủ để trang trải chi phí tài chính, tăng trưởng kinh tế chậm lại và thay đổi trên thị trường bất động sản có thể gây ra thêm nợ nần.
Sách Xanh viết, “Thị trường bất động sản có khả năng tiếp tục chịu áp lực vào năm 2022 và tăng trưởng doanh thu từ việc chuyển nhượng đất sẽ đối mặt với những thách thức khá lớn, do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng quản lý kinh tế của chính quyền địa phương”.
Tìm cách bù đắp ngân khố
Ngày 7/1, BBC tiếng Trung đưa tin, thị trường bất động sản nóng sốt một thời của Trung Quốc gần đây đã hạ nhiệt nhanh chóng và thu nhập từ phí chuyển nhượng đất của chính quyền địa phương cũng giảm mạnh theo.
Một học giả từ Trường Đại học Khoa Tài chính Thuế của Trung Quốc cho rằng, áp lực “tăng trưởng ổn định” ở nhiều địa phương trong năm nay là rất lớn, cần phải tăng cường đầu tư để ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, doanh thu từ phí chuyển nhượng đất là quan trọng nhất, nhưng không may đã xảy ra sự cố.
Năm 2020, doanh thu từ phí chuyển nhượng của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 8,4 nghìn tỷ nhân dân tệ. Khoản thu này được xem như cứu tinh cho nguồn thu của các địa phương. Tuy nhiên, hãng Reuters ước tính vào tháng 8 năm 2021, số giao dịch mua bán đất ở Trung Quốc đã giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2020. Trong các tháng 9, 10 và 11 của năm 2021, mức giảm so với cùng kỳ năm 2020 lần lượt là 11,2%, 13,1% và 9,9%. Tính đến ngày 30/9 năm 2021, khoảng 40% lô đất đấu giá đã bị thu hồi hoặc không có người đấu giá.
Bà Vương Nhụy, chuyên gia kinh tế cấp cao của Trung Quốc tại ngân hàng ANZ ở Hồng Kông, cho biết “Tỷ trọng doanh thu từ tiền chuyển nhượng bán đất của các chính quyền địa phương Trung Quốc là khá lớn, hơn 20%. Vì vậy nếu doanh thu từ chuyển nhượng đất giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì chi tiêu của chính quyền địa phương sẽ đối mặt với một số áp lực nhất định”.
Vương Nhụy cho rằng về lâu dài, chính quyền địa phương có thể sẽ tìm kiếm các nguồn thu tài chính khác chẳng hạn như thuế bất động sản, để làm tan những biến động của thị trường bất động sản.
Ông La Chí Hằng, chuyên gia chứng khoán, nhận định rằng việc thí điểm thuế bất động sản sẽ được đẩy nhanh hơn nữa và dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2022. Để tăng doanh thu tài chính cho chính quyền địa phương là một trong những lý do khiến giới chức thúc đẩy luật thuế này.
Ông La cũng cho rằng thị trường bất động sản đang im ắng và thu nhập từ việc chuyển nhượng đất của chính phủ đang giảm mạnh. Trong tương lai, các loại thuế mới sẽ được ban hành để bổ sung cho việc giảm doanh thu tài chính từ phí chuyển nhượng đất.