Hàng chục ngàn người Duy Ngô Nhĩ đã bị chính quyền Trung Quốc cưỡng bức làm việc trong các chuỗi cung ứng của nhiều thương hiệu tầm cỡ, Viện Nghiên cứu Chiến lược Australia (ASPI) cho biết trong một báo cáo.
Chính phủ Trung Quốc chính là thế lực đứng sau tạo điều kiện cho các hoạt động chuyển lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân thiểu số khác từ khu tự trị Tân Cương đến các nhà máy trên khắp đất nước. Các bằng chứng cho thấy đây là hoạt động cưỡng bức lao động. Người Duy Ngô Nhĩ đang phải làm việc trong các nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng của ít nhất 82 thương hiệu toàn cầu nổi tiếng; trong các lĩnh vực như công nghệ, quần áo và ô tô; bao gồm Apple, BMW, Gap, Huawei, Nike, Samsung, Sony và Volkswagen, theo báo cáo của ASPI.
Báo cáo của ASPI ước tính, 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã được chuyển ra khỏi Tân Cương để đến làm việc trong các nhà máy trên khắp Trung Quốc trong khoảng từ năm 2017 tới 2019, và một số trong đó được đưa thẳng từ các trại giam.
ASPI cho hay, đây là con số được ước tính một cách thận trọng, thực tế có thể còn cao hơn. Tại các nhà máy ở xa quê hương, những người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu sống trong các ký túc xá biệt lập, họ phải tham gia các khóa học tiếng Quan thoại và cải tạo tư tưởng ngoài giờ làm việc. Họ cũng là đối tượng bị giám sát liên tục và bị cấm tham gia các hoạt động tôn giáo.
Theo ASPI, các nguồn tài liệu, bao gồm tài liệu chính phủ, cho thấy rằng những người lao động Duy Ngô Nhĩ bị chuyển đến làm việc tại các nhà máy là những người được chỉ định phải canh gác nghiêm ngặt và bị hạn chế quyền tự do đi lại.
Báo cáo của ASPI đã phơi bày một giai đoạn mới trong chiến dịch tái thiết xã hội của Trung Quốc trong đó Bắc Kinh chủ trương tận dụng nguồn là động là các công dân thiểu số, báo cáo cũng tiết lộ các bằng chứng mới cho thấy một số nhà máy trên khắp Trung Quốc đang sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ theo một kế hoạch chuyển giao lao động do nhà nước bảo trợ đang vấy bẩn chuỗi cung ứng toàn cầu.
ASPI cho rằng, chính phủ Trung Quốc cần tôn trọng các quyền công dân, quyền duy trì văn hóa và quyền lao động được ghi trong Hiến pháp và luật của Trung Quốc, chấm dứt việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương, đồng thời đảm bảo rằng tất cả các công dân có thể dự do quyết định theo các điều khoản lao động và di chuyển của họ.
ASPI đề nghị, các chính phủ nước ngoài, các doanh nghiệp và các nhóm xã hội dân sự nên nhận biết các cơ hội để gia tăng áp lực đối với chính phủ Trung Quốc nhằm chấm dứt sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và giam giữ không xét xử. Điều này sẽ gây sức ép buộc chính phủ Trung Quốc phê chuẩn Công ước về Lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 1930 và Nghị định thư năm 2014 về Công ước Lao động cưỡng bức.
ASPI nhấn mạnh, người tiêu dùng và các nhóm vận động người tiêu dùng nên yêu cầu các công ty sản xuất ở Trung Quốc thực hiện trách nhiệm giải trình về nhân quyền trên chuỗi cung ứng của họ. Điều này nhằm đảm bảo rằng các công ty đó duy trì các quyền cơ bản của con người và không đồng lõa với bất kỳ kế hoạch cưỡng bức lao động nào.
Kể từ năm 2017, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các dân tộc thiểu số Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác đã bị đẩy vào một mạng lưới rộng lớn các “trải cải tạo” ở các vùng hẻo lánh phía tây Tân Cương. Một số chuyên gia gọi các trại cải tạo này là các trại diệt chủng văn hóa có hệ thống do chính phủ Trung Quốc lãnh đạo. Bên trong các trại, những tù nhân phải chấp nhận bị truyền bá chính trị, buộc phải từ bỏ tôn giáo và văn hóa của họ, một vài trường hợp bị tra tấn.
ASPI cho biết, báo cáo của họ được viết dựa trên các tài liệu tiếng Trung công khai, các phân tích hình ảnh vệ tinh, nghiên cứu học thuật và các báo trên phương tiện truyền thông bản địa. Ngoài ra họ cũng tham khảo các tài liệu phân tích chính trị và chính sách đằng sau giai đoạn mới của các cuộc đàn áp liên tiếp đang diễn ra mà chính quyền Trung Quốc nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác. Những tài liệu này cung cấp bằng chứng về việc bóc lột sức lao động của người Duy Ngô Nhĩ và sự tham gia của các công ty nước ngoài, có thể là vô tình, trong các vụ vi phạm nhân quyền.
Nghiên cứu của ASPI đã xác định được 82 công ty nước ngoài và Trung Quốc hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ bên ngoài Tân Cương thông qua các chương trình chuyển giao lao động bị lạm dụng trong thời gian gần đây.
Danh sách các thương hiệu liên đới tới chương trình chuyển giao lao động cưỡng bức của Trung Quốc được ASPI xác định dựa trên các dữ liệu công khai.
Báo cáo của ASPI bao gồm một phụ lục trong đó trình bày chi tiết về các nhà máy có liên quan và các thương hiệu có yếu tố lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ trong chuỗi cung ứng của họ. Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho chính phủ Trung Quốc, cho các công ty và chính phủ nước ngoài và các tổ chức xã hội dân sự.
Theo ĐKN