Âm thanh lạ ở Quý Châu mấy ngày qua xôn xao dư luận, nhiều giả thiết được đưa ra, trong đó có cả những tuyên bố của các chuyên gia địa chất, chuyên gia sinh vật. Ít ai biết rằng, những hiện tượng lạ như thế này đều đã được "giải mã" trong các thư tịch xưa.
Gần đây, trong một thung lũng ở làng Kiên Cường, thị trấn Tú Thủy, huyện Uy Ninh, thành phố Tất Tiết, Quý Châu liên tục trong vài ngày phát ra âm thanh lạ không xác định, gây hoảng loạn trong người dân địa phương và sự chú ý của thế giới bên ngoài. Nhiều cư dân mạng nghi ngờ rằng đây là điềm báo hiệu động đất. Thực tế, từ thời cổ đại, những âm thanh chưa biết như vậy được nghe thấy trong không gian tự nhiên đã được gọi là "Núi kêu", "Đất kêu" và "Trời kêu".
Một số dân làng địa phương xác nhận với các phóng viên truyền thông nước ngoài rằng âm thanh lạ bắt đầu vào ngày 26 tháng 6, và nó kêu vào buổi trưa và buổi chiều, thậm chí kêu cả ngày. Âm thanh rất to và đáng sợ, giống như một con bò kêu trong hang động. Dân làng địa phương hoảng loạn và không dám sống ở đó, đã chuyển đi ở nơi khác.
Vụ việc đã gây nhiều sự chú ý và thảo luận của cư dân mạng. Một số cư dân mạng tin rằng âm thanh kỳ lạ này là "Rồng kêu" và là dấu hiệu báo trước động đất. Tuy nhiên ngày 2 tháng 7, các phương tiện truyền thông chính thức của Chính quyền Bắc Kinh đã dẫn lời một tuyên bố của các chuyên gia để "dập tắt những tin đồn", nói rằng "không có dấu hiệu báo trước động đất".
Kết quả là tuyên bố của truyền thông nhà nước vừa loan ra, thì một trận động đất mạnh 4,5 độ richter xảy ra ở huyện Hách Chương cách đó 49 km. Sau đó, Chính quyền đã mời chuyên gia về chim "dập tắt tin đồn", nói rằng âm thanh kỳ lạ được tạo ra bởi loài chim cút chân vàng.
Tuy nhiên, lời giải thích của các chuyên gia Trung Quốc thực sự rất khó thuyết phục, bởi vì các chuyên gia cũng nói rằng "tiếng chim kêu" chỉ là phán đoán sơ bộ mà thôi. Và vì vậy, thuyết "Đất kêu" hiện được nhiều người tán đồng.
Một số cư dân mạng phán đoán, nói chung, sẽ không có tiếng "Đất kêu" nào xảy ra trước một trận động đất mạnh từ 9.0 trở xuống. Chỉ trước một trận động đất lớn, do sự di chuyển của các mảng lục địa, các lớp đá bị ép vào nhau và khoang ngầm không thể chịu được áp lực cao sẽ xảy ra hiện tượng phát ra tiếng "Đất kêu". Tại nơi âm thanh của trái đất phát ra, đầu tiên sẽ có một trận động đất nhỏ, sau đó ngày đất sạt núi lở cũng không còn xa nữa.
Dấu hiệu ghi trong sách cổ báo trước thảm họa
Mặc dù hiện tại không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy trận động đất ở huyện Hách Chương có liên quan đến âm thanh lạ hay không, và liệu một trận động đất lớn hơn sẽ xảy ra trong tương lai hay không. Tuy nhiên có những ghi chép trong sách cổ hoặc một số ghi chép địa phương về âm thanh lạ tương tự như ở Quý Châu, hơn nữa nó chủ yếu là dấu hiệu báo trước của thảm họa.
Theo một số biên niên sử địa phương, ba ngày trước khi trận lũ lụt xảy ra trong khu vực, mọi người nghe thấy một âm thanh giống như tiếng kêu của con bò. Vào thời điểm đó, mọi người nghĩ rằng đó là "Giao long kêu".
Ngoài ra, theo ghi chép, trong những năm Hoằng Trị của nhà Minh, vùng núi Lư Sơn đã phát ra những âm thanh lạ. Người đương thời gọi là "Núi kêu". Kết quả sau đó, một trận lũ lụt và sạt lở đất đã xảy ra.
"Hậu Hán thư" có chép: trong triều đại Đông Hán, vào những năm Kiến An thứ 7, thứ 8 đời Hán Hiến Đế Lưu Hiệp, một ngọn núi lớn ở huyện Lễ Lăng, quận Trường Sa (nay là tỉnh Hồ Nam) bắt đầu thường xuyên phát ra âm thanh rất lớn, giống như tiếng bò, kéo dài trong vài năm. Sau đó, quân nổi loạn ở huyện Dự Chương (thuộc thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây) đã tấn công quận Lễ Lăng và giết chết nhiều quan chức và người dân địa phương.
Một cuốn sách tên là Luận ngữ trích phụ tượng thời nhà Hán đã đề cập: Khi một trận lở núi xảy ra, các dòng sông bị chặn, người dân phiêu bạt ly tán khắp nơi. Ngọn núi phát ra âm thanh như tiếng trống, rất khó chịu. Vì vậy thành phố bị bỏ hoang. Vào thời điểm đó, một số anh hùng hào kiệt sẽ kết hợp với nhau nổi dậy, chiến loạn nổ ra.
Vào thời cổ đại, cũng có thuyết cho rằng đó là "Đất kêu" và "Trời kêu". Theo quan điểm về Thiên - nhân cảm ứng của người xưa, những hiện tượng kỳ lạ này không xảy ra mà không có lý do. Tất cả đều có lý do, người cầm quyền thất đức nên Trời giáng tai họa để cảnh cáo. Sách chiêm tinh "Khai Nguyên chiêm kinh" do Thái sử giám Cù Đàm Tất Đạt đời Đường biên soạn đã giải thích về các hiện tượng lạ, trong đó có "Núi kêu", "Đất kêu" và "Trời kêu".
Núi kêu
Phần "Địa kính" viết: "Núi vô cớ ngày đêm phát ra âm thanh lạ như tiếng khóc, đó là thiên hạ sắp có chiến tranh loạn lạc".
Đất kêu
Phần "Địa kính" có viết: "Trong đất có tiếng ông ổng, là do quân vương thích dấy binh gây chiến tranh".
Phần "Tiềm đàm ba" có viết: "Đất kêu thành tiếng, quốc quân không hiểu quốc sự, hôn quân bất tài, phụ nữ nắm quyền lớn".
Phần "Dịch hầu" có viết: "Trong đất có tiếng kêu ong ong, nếu như tiếng chim kêu, tiếng gào, thì đó là điềm dữ, quốc gia sẽ có tai họa".
Trời kêu
Phần "Dịch Truyện" có viết: "Tiếng Trời kêu ắt sẽ có chiến tranh sát phạt, khiến bách tính lưu lạc ly tán".
Phần "Thiên kính" có viết: "Trời kêu, quân chủ chết, không quá 10 ngày"; và: "Trời kêu, quân chủ chết, bách tính khóc".
Phần "Hà đồ bí vi" có viết: "Lưu Đế lên ngôi 170 ngày, Thái âm ở Canh Thìn, xảy ra họa Giang Sung Cấu, chiến loạn nên có tiếng Trời kêu".
Phần "Dịch yêu chiêm" có viết: "Trời kêu, quân chủ nhất định có họa". Đồng thời viết:
"Ngày Nhâm Thìn tháng 10 năm Đại Hưng thứ 3 đời Đông Tấn, có âm thanh lạ trên bầu trời, đến ngày Giáp Ngọ thì dừng kêu. Sau đó, Vương Đôn Vũ Xương dấy binh tấn công vào thành Thạch Đầu. Quân triều đình đại bại. Hoàng đế Tư Mã Nhuệ bị quyền thần quản thúc, không lâu sau thì qua đời".
"Ngày Quý Sửu tháng nhuận năm Long An thứ 5 đời Tấn An Đế, phía Đông Nam bầu trời có tiếng kêu. Ngày Mậu Tý tháng 6 năm Long An thứ 6, hướng Đông Nam trên bầu trời lại có tiếng kêu. Sau đó Hoàng Huyền cướp ngôi, An Đế lưu vong".
"Tháng 8 năm Nghĩ Hy thứ nhất đời Tấn An Đế, Trời kêu ở phía Đông Nam, lúc này An Đế Tư Mã Đức Tông tuy đã trở về ngôi vua, nhưng liên tiếp nhiều năm xảy ra chiến loạn, bách tính vô cùng khổ cực".
Trung Dung
Theo Secretchina
Đăng theo NTDVN