Trần Kim Quý năm nay 71 tuổi, ông là một người đã nghỉ hưu, có tinh thần trách nhiệm cao. Trong những năm gần đây, ông đã nhiều lần nói về trải nghiệm cá nhân của mình về cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu cách đây 50 năm, mỗi lần nhớ lại vẫn khiến ông sởn tóc gáy.
Hồng vệ binh Trung Quốc, học sinh trung học và sinh viên đại học, tay vẫy "Cuốn sách đỏ nhỏ" của Chủ tịch Mao Trạch Đông, diễu hành trên đường phố Bắc Kinh vào buổi đầu của Đại Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc vào tháng 6/1966. Trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc (1966-1976), dưới sự chỉ huy của Mao, Hồng vệ binh hoành hành khắp đất nước, làm nhục, tra tấn và giết chết những ai bị coi là kẻ thù giai cấp, và phá hoại các biểu tượng văn hóa mà không đại diện cho cách mạng cộng sản. (Jean Vincent / AFP / Getty Images)
Một trong những câu chuyện của ông như sau.
Lúc đó, tôi đang làm việc trong nhà máy nước nóng Trung Quốc trên phố Hạnh Phúc, Bắc Kinh. Trong tổ công cụ có một 'nhà tư bản' tên là Dương Xuân Quang. Khi Dương Xuân Quang tham gia vào quan hệ đối tác công tư, ông góp cổ phần là 900 nhân dân tệ, vì vậy bị xếp vào chủ tư bản. Trong những ngày đó, chỉ vì đầu tư vài nghìn nhân dân tệ, hoặc thậm chí vài trăm nhân dân tệ, mà người ta bị xếp vào loại 'chủ tư bản', khiến họ và con cái họ bị xếp vào ‘lạc loài’.
Ông Dương thường hối hận, đáng ra năm 1954 không nên mơ làm giàu, thì ông vẫn là công nhân thuần túy, và con cháu cũng không phải là "con của kẻ khốn nạn", mà sẽ là “năm loại hạt giống đỏ”.
Ông Dương thường ngày làm như súc vật, ông làm việc trong tổ công cụ, mài dao cho công nhân trong nhiều quy trình khác nhau, 8 tiếng một ngày, thường bận đến mức đi tiểu cũng phải cố nhịn 4 tiếng đồng hồ, càng không có thời giờ đi vệ sinh. Sau 8 giờ tan tầm, ông thường làm thêm ba, bốn tiếng đồng hồ. Ông không bao giờ nói lung tung, không đi lại lung tung, không dám nói một lời ngoài lề, không dám xúc phạm bất kỳ người nào.
Trong thời kỳ "quét sạch Tứ cựu", ông không ở Bắc Kinh vì về quê lo tang lễ cho cha, nhưng trong tổ công cụ có một công nhân du thủ du thực tên là Hồ Hán Mẫn, người thường rất đố kỵ với kỹ năng tinh xảo của ông Dương, đặc biệt là vào cuối tháng hoặc cuối năm khi đánh giá khen thưởng, hắn luôn bị xếp dưới ông Dương. Để xả hận, hắn đã chăng một tấm biển chữ lớn nhắm vào Dương Xuân Quang: "Tư bản phản động Dương Xuân Quang vọng tưởng trốn thoát cuộc vận động”.
Con trai và con gái của ông Dương nghe tin, ngay lập tức điện báo cho cha, yêu cầu ông sớm trở lại để cải tạo. Những người tâm địa xấu xa như Hồ Hán Mẫn thì trong bất kỳ đơn vị nào cũng có. Hắn tuyển mộ một nhóm Hồng vệ binh từ xã hội (vì những người trong nhà máy của chúng tôi không đánh người tàn nhẫn), và tổ chức một cuộc đấu tố. Hồ Hán Mẫn vì để thỏa mãn cơn nghiện “làm người chủ trì”, đã nhảy lên sân khấu để chỉ huy đấu tố Dương Xuân Quang. Một nhóm Hồng vệ binh đã lần lượt dùng roi đánh vợ chồng Dương Xuân Quang, khiến đôi vợ chồng già đau đớn lăn lộn dưới đất.
Khi các Hồng vệ binh đánh tới mức mệt mỏi, một trong các thủ lĩnh nói: "Chúng ta hãy hát những bài hát cách mạng để cổ vũ, vừa hát vừa đánh".
Hồng vệ binh vừa hát vừa đánh theo nhịp điệu của bài hát: "Nói đánh liền đánh… hãy tập luyện với khẩu súng trong tay…"; "Mặt trời xuống núi mây hồng bay, chiến sĩ luyện bắn trở về trại… mi son la mi son, la son mi đô rê". Cứ thế họ vừa đánh vừa hát, đến khi vợ chồng ông Dương chỉ còn thoi thóp
Hồ Hán Mẫn lại nói với những người con của Dương Xuân Quang đang ở trong khán giả dưới khán đài: "Các ngươi muốn trở thành con cái của kẻ khốn nạn, hay vạch ranh giới rõ ràng?"
Anh chị em họ Dương nói: "Vạch ranh giới rõ ràng".
Hồ Hán Mẫn nói: "Vậy thì các ngươi hãy đánh cha mẹ phản động của các ngươi đi”.
Anh em họ Dương sợ Hồng vệ binh, nên đã đánh cha mẹ. Các Hồng vệ binh hét lớn: "Nếu không vạch ranh giới rõ ràng, các ngươi sẽ là những đứa con của kẻ khốn nạn".
Có lẽ Trời muốn cứu Dương Xuân Quang, đột nhiên trời đổ mưa lớn, Hồng vệ binh vốn cũng đã muốn nghỉ ngơi. Nhưng không ngờ, một thủ lĩnh Hồng vệ binh nói: "Chủ tịch Mao đã dạy chúng ta rằng, khôi phục sự chủ động và hình thế có lợi có nguồn gốc từ những nỗ lực bền bỉ”.
Thế là Hồng vệ binh tiếp tục đánh tiếp trong mưa. Mỗi khi mệt, họ lại hát vang: "Nói đánh liền đánh… hãy tập luyện với khẩu súng, với dao găm và lựu đạn…".
Anh em họ Dương cũng đánh theo. Cuối cùng, Dương Xuân Quang và vợ đã chết trong cơn mưa. Anh em họ Dương không rơi một giọt nước mắt nào, mà vẫn hô lớn: "Đả đảo bọn phản động".
Vài tháng sau, người anh cả và em gái hối hận vì hành động của mình, em gái tự tử bằng cách chạm vào cầu dao điện vào ban đêm, nhưng bị dòng điện đánh ngã từ trên bàn rơi xuống đất. Anh trai đỡ em gái ôm vào lòng khóc đau khổ. Đã 50 năm trôi qua, thỉnh thoảng hai anh em họ Dương vẫn nghĩ về cái đêm đáng sợ ấy. Người em nhiều lần nói với anh trai rằng: "Nếu không phải vì con cái thì em đã mấy lần muốn uống thuốc ngủ để đi tìm cha mẹ tội nghiệp của chúng ta rồi".
Cuối cùng, Trần Kim Quý nói: Những Hồng vệ binh học sinh trung học đó, giờ đây cũng đã trên 60 tuổi, không biết họ già rồi thì họ có ăn năn sám hối không. Còn Hồ Hán Mẫn, người đã giết Dương Xuân Quang, đã chết vì bệnh ung thư vào mấy năm trước. Xuống dưới đó, Dương Xuân Quang sẽ kiện hắn ra Tòa án Cửu tuyền. Ở đây vô pháp vô thiên, ở đó luật pháp nghiêm minh...
Xem thêm: Trước khi đại họa trút xuống - Ông trời đã cho người dân Trung Quốc rất nhiều cơ hội | Duyên Vạn Cổ
Đại Minh
Theo Kim Sán - Vision Times
Đăng theo NTDVN