Nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Yoho gần đây đã trích đăng trên Twitter một bài báo “nặng ký”, tiết lộ 4 sự thật mà ĐCSTQ không muốn bị phơi bày. Trong phần lời bình, ông nói rằng chính ĐCSTQ đã nhiều lần tự chứng minh rằng họ không đáng tin.
Nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Yoho viết trên Twitter ngày 8 tháng 6: "Đảng Cộng sản Trung Quốc (#CCP) đã chứng minh hết lần này đến lần khác rằng họ không đáng tin. Họ không quan tâm đến các quy tắc của trật tự quốc tế. Hoa Kỳ và các đồng minh cùa mình phải tiếp tục giữ vững lập trường và yêu cầu Bắc Kinh thực thi nghiêm ngặt các giá trị và chuẩn mực mà họ đã hứa sẽ tuân theo từ hàng thập kỷ trước".
Bài tweet này đã dẫn đường link một bài báo được xuất bản trên tạp chí trực tuyến của phái bảo thủ Mỹ "The American Spectator" vào ngày 2 tháng 6. Bài báo được viết bởi hai tác giả là ông Trương Vĩ (Wei Zhang) - chủ ngân hàng đầu tư ở Hong Kong và ông Lý Thiếu Dân (Shaomin Li) - giáo sư kinh doanh quốc tế tại Đại học Old Dominion ở Hoa Kỳ.
Bài viết này có tiêu đề chính là "ĐCSTQ mà bạn cần phải biết" và tiêu đề phụ là "ĐCSTQ không phải là một đảng chính trị như nghĩa bề mặt thông thường. Từ này đã được những người trong thể chế đó sử dụng theo cách mà họ cho là đúng".
Bài báo nói rằng vì chưa có ai thực sự tiếp xúc với ĐCSTQ nên hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đó chỉ là một đảng chính trị mang một cái tên nào đó. Nhìn bề ngoài, nó dường như không khác nhiều so với đảng chính trị ở một quốc gia dân chủ.
Đánh giá từ góc độ của một nền kinh tế “vẻ vang” và những người Trung Quốc giàu có ra nước ngoài, người bình thường khó mà nhận thức được ĐCSTQ. Do đó, các nước phương Tây đã luôn bị che mắt và lừa dối. Hiện nay, Hoa Kỳ đã bắt đầu thức tỉnh và nhận ra mối đe dọa từ ĐCSTQ và bắt đầu chống lại sự bành trướng của chính quyền này.
Nhưng hầu hết mọi người ở các quốc gia dân chủ không có kinh nghiệm trong việc đối phó trực tiếp với chính quyền này và sự hiểu biết của họ về ĐCSTQ là vô cùng ngây thơ. Nhiều người nghĩ rằng đó là một đảng chính trị, giống như Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở đây. Họ hoàn toàn sai lầm. Nếu họ coi ĐCSTQ là một "đảng" bình thường, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.
ĐCSTQ làm mọi thứ đều có mục đích. Chính quyền này chỉ muốn thống trị thế giới. Về phương pháp, [Đảng này áp dụng] từ việc mở rộng quân sự, mua chuộc các chính trị gia nước ngoài và các tổ chức quốc tế; đến việc ngăn chặn sự chỉ trích của nước ngoài đối với các hành vi tàn bạo về nhân quyền của chính quyền này; và thông qua việc thành lập các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới để thâm nhập [vào xã hội phương Tây] nhằm nắm quyền ảnh hưởng và kiểm soát. Ngoài ra, họ còn sử dụng “mồi nhử” kim tiền để chiêu mời các chuyên gia xuất sắc ở nước ngoài về, nhằm thực hiện "Kế hoạch ngàn nhân tài", cộng với việc sử dụng Sáng kiến "Vành đai và Con đường", chính quyền này đã mở ra con đường để xâm nhập và thống trị các quốc gia khác.
Hầu hết các kế hoạch đó đều là tạm thời, ĐCSTQ cũng không ngần ngại sử dụng sự dối trá để đạt được mục tiêu của mình, cũng như không từ thủ đoạn nào để thống trị thế giới.
Bài báo tiết lộ 4 sự thật cơ bản mà ĐCSTQ không bao giờ muốn mọi người biết, và nhấn mạnh rằng việc [mọi người] biết được những sự thật này là điều rất quan trọng. Những sự thật này là:
- ĐCSTQ không bao giờ thực hiện lời hứa của mình;
- ĐCSTQ không tuân thủ luật pháp, chỉ tôn sùng quyền lực và vũ lực;
- Truyền bá thông tin sai lệch là quy tắc bất biến của ĐCSTQ;
- Mục đích cuối cùng của ĐCSTQ là lũng đoạn quyền lực.
ĐCSTQ không bao giờ thực hiện lời hứa của mình
Bài báo nói rằng ĐCSTQ không bao giờ thực hiện lời hứa của mình. Khi cần sự giúp đỡ, chính quyền này sẽ đưa ra một lời hứa hấp dẫn. Nhưng khi nó trở nên mạnh hơn, những lời hứa này sẽ bị ném vào... nhà vệ sinh.
Có nhiều ví dụ về mặt này, một ví dụ rõ ràng nhất bắt đầu khi Đảng Cộng sản thành lập ở Trung Quốc. Năm 1945, bốn năm trước khi Mao Trạch Đông nắm quyền, ông ta hứa rằng ĐCSTQ sẽ xây dựng một xã hội tự do và dân chủ như Hoa Kỳ. Nhưng vào năm 1949, ngay sau khi Mao nhậm chức, ĐCSTQ đã dùng cực quyền để cai trị.
Sau đó, để thu hút đầu tư nước ngoài, ĐCSTQ hứa sẽ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, một khi các công ty nước ngoài đầu tư vào nước này, họ bị buộc phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.
Trong một ví dụ gần đây, ĐCSTQ đã áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong. Để giành lại chủ quyền Hong Kong, ĐCSTQ đã hứa với người dân Hong Kong về chính sách "một quốc gia, hai chế độ" và mức độ tự trị cao, khi ĐCSTQ tiếp quản Hong Kong vào năm 1997 . Nhưng giờ đây điều này đã thành lời hứa suông. Các nước phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã lên án hành vi của ĐCSTQ trong việc chống lại cam kết trước đây của họ đối với quyền tự trị của Hong Kong.
ĐCSTQ chỉ tôn sùng quyền lực và vũ lực
Bài báo nói rằng ĐCSTQ không tuân theo các quy tắc và luật pháp, cũng không luận về đạo lý, mà chỉ tôn sùng quyền lực và vũ lực.
Ở Trung Quốc, việc ĐCSTQ kiểm soát tư pháp đã không còn là bí mật gì nữa. Khi phải dùng đến các quy tắc, luận cứ hoặc lý luận với đối tượng nào đó, đó là vì ĐCSTQ cảm thấy rằng nó không mạnh bằng đối thủ của mình. Một khi chính quyền này cảm thấy đủ mạnh để tiêu diệt đối thủ, tất cả các quy tắc và luật pháp sẽ bị bỏ qua.
Những luật sư bảo vệ quyền lợi của các nhóm yếu thế đã bị bắt và bị tra tấn ở Trung Quốc. Bất cứ ai muốn thông qua con đường pháp luật để nói rõ trái phải với ĐCSTQ đều sẽ bị đe dọa, đánh đập hoặc mất tích.
Hiện nay, đôi khi ĐCSTQ có vẻ như tuân thủ một số quy tắc và luật pháp khi giao dịch với các quốc gia khác. Tuy nhiên, một khi có được sức mạnh quân sự mạnh nhất trên thế giới và thâu tóm hầu hết các nước và các tổ chức quốc tế, chính quyền này sẽ bất chấp các quy tắc quốc tế và chinh phục các quốc gia khác bằng sức mạnh thị trường và sức mạnh quân sự.
Truyền bá thông tin sai lệch là quy tắc bất biến của ĐCSTQ
Bản trình bày của ĐCSTQ về “cơn bão” dịch viêm phổi Vũ Hán càn quét khắp thế giới, đã cho chúng ta thấy các thủ đoạn che đậy của nó. Nhưng đây chỉ là một trong những cách thông thường để làm sai lệch và kiểm soát thông tin mà chính quyền này vẫn hay dùng. Chỉ là lần này thì quy mô lớn hơn.
Sau khi dịch bệnh bùng phát, Hoa Kỳ và Châu Âu đã lên án những tuyên truyền giả dối của ĐCSTQ. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 6/6 ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhằm lên án việc ĐCSTQ lợi dụng các cuộc biểu tình xảy ra bởi cái chết của một người đàn ông Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ, để thực hiện việc tuyên truyền sai lệch nhằm phục vụ lợi ích cho họ.
Ông Pompeo nói rằng điều này giống như các chế độ độc tài trong lịch sử, miễn là điều gì phục vụ cho ham muốn quyền lực của họ thì đối với họ mà nói, mọi lời nói dối đều không còn là thứ bỉ ổi nữa. Loại tuyên truyền nực cười như vậy không nên [dùng để] lừa dối bất cứ ai.
Bài báo nói rằng Bộ Tuyên truyền trung ương ĐCSTQ có trách nhiệm đặc biệt trong việc truyền bá tư tưởng mà ĐCSTQ muốn thấm nhuần vào người dân và áp chế thông tin mà họ không muốn mọi người biết. ĐCSTQ đã lợi dụng việc các quốc gia dân chủ mở cửa để thành lập nhiều tổ chức truyền thông và mua lại rất nhiều cơ quan truyền thông ở các nước dân chủ để đánh lừa công chúng trên toàn thế giới.
Mục đích cuối cùng của ĐCSTQ là lũng đoạn quyền lực
Đối với ĐCSTQ, quyền lực độc quyền là mục tiêu cuối cùng của nó. Để đạt được mục tiêu này, ĐCSTQ sẽ lợi dụng tất cả các thủ đoạn, cho dù là hợp pháp hay bất hợp pháp. Tất cả mọi thứ mà Đảng này làm, chẳng hạn như ban hành luật hoặc tham gia vào thương mại và đầu tư toàn cầu, đều phải vì mục tiêu phục vụ cho việc duy trì quyền thống trị tuyệt đối vĩnh viễn của họ.
Một số người, đặc biệt là những người ở Trung Quốc đại lục, nghĩ rằng việc ĐCSTQ thu hút đầu tư nước ngoài và tìm kiếm các điều khoản thương mại thuận lợi là vì lợi ích của người dân Trung Quốc Hoàn toàn không phải. ĐCSTQ làm những điều này vì lợi ích của chính họ và những đối tượng thân tín của họ. Trong quá trình này, ĐCSTQ có thể phân phối một chút ân huệ nhỏ bé cho những người dân phổ thông để có được sự ủng hộ của họ.
Nhưng cải thiện phúc lợi cho người dân không phải là mục tiêu cuối cùng của ĐCSTQ. Nếu không, tại sao ĐCSTQ lại phải che giấu đại dịch viêm phổi Vũ Hán khiến cho vô số người Trung Quốc bị nhiễm bệnh và chết?
Tại sao ĐCSTQ phải thông qua các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả để kiểm soát và thống trị các ngành có lợi nhuận cao nhất như ngân hàng, dầu mỏ, hàng không, v.v., thay vì cho phép các doanh nghiệp tư nhân tự do gia nhập và để người dân kiếm tiền? Ngoài ra, tại sao ĐCSTQ phải dành phần lớn nguồn lực y tế của mình để phục vụ một số ít quan chức chính phủ, và khiến cho phần lớn người dân phải xếp hàng dài để chờ được điều trị y tế với chất lượng thấp?
Bài báo kết luận bằng việc nhắc nhở tất cả người dân Trung Quốc và người dân ở các nước dân chủ rằng hãy tỉnh táo và nắm rõ ý đồ của ĐCSTQ.
Đông Thi
Theo NTDTV