Xoay quanh vụ án mạng tại Bình Dương (15/5), từ ngày 18/5 đến ngày 26/5, nhiều kênh thông tin đã cho đăng tải những thông tin gắn liền vụ việc với môn tu luyện Pháp Luân Công theo chiều hướng tiêu cực.
Vụ án mạng đổ bê tông ở Bình Dương bắt đầu được báo chí đồng loạt đưa tin từ ngày 15/5 sau khi có người phát hiện thi thể trong khối bê tông. Điều đáng nói là dòng tin báo chí chỉ sau đó ba ngày (đến ngày 18/5) đã đổi hướng sang đưa tin về việc nhóm nghi phạm giết người có liên quan đến môn tập Pháp Luân Công, môn khí công rèn luyện sức khỏe và tinh thần xuất hiện ở Việt Nam khoảng gần 20 năm nay.
Trước vụ việc này, nhiều người tập Pháp Luân Công đã đặt ra không ít nghi vấn với thông tin báo chí đưa ra. TS.BS Lê Thị Thanh Thái, nguyên trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện là bác sĩ chuyên khoa II Nội – Tim mạch tại Bệnh viện An Sinh đã nói: “Tôi thực sự bàng hoàng. Tôi nghĩ rằng là đã bước vào tu luyện rồi không thể nào người nào có thể làm điều đó được. Ngay cả người bình thường, một người phụ nữ bình thường cũng khó mà làm được những việc giết người như thế. Cho nên tôi nghĩ rằng có một sự khúc mắc nào đó mà mình cần phải được lý giải.”
Ông Đào Huy Phong, TS công nghệ sinh học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực phẩm và Dinh dưỡng cũng cho hay: “Tôi có nghe đến vụ án mạng Bình Dương hay còn gọi là án mạng bê tông, khắp nơi trên mạng. Báo chí viết làm nhiều người tưởng rằng tu luyện Pháp Luân Công sẽ dẫn đến như thế, thực ra tôi cho rằng thực hư thế nào hãy đợi cơ quan điều tra kết luận. Mà dù cho thế nào đi chăng nữa, thì tôi nghĩ rằng đó là những sự vụ của cá nhân, không thể chụp mũ lên hàng triệu người tu luyện Pháp Luân Công trên thế giới, hay ngay tại như Việt Nam được. Trong Pháp Luân Công, nguyên tắc, pháp lý xuyên suốt chính là Chân – Thiện – Nhẫn. Tức là khi anh làm bất cứ điều gì, anh nghĩ đến điều gì, anh dự định làm điều gì, anh đều phải nghĩ đến cho người khác trước tiên. Và tất nhiên vấn đề sát sinh, vấn đề tự sát – đây là hai điều cấm kỵ đối với những người tu luyện trong Pháp Luân Công.”
Vậy thì, Pháp Luân Công là gì và yêu cầu đối với người tập Pháp Luân Công là như thế nào?
Khoảng 10 năm trở lại đây, hình ảnh nhóm người tập Pháp Luân Công buổi sáng sớm ở các công viên, đặc biệt tại Sài Gòn và Hà Nội cũng dần trở nên quen thuộc với người dân. Ông Phong nói thêm: “Thực ra tôi nghĩ Pháp Luân Công không phải là một cái gì mới đối với người Việt Nam. Nhiều người đã biết rồi, Pháp Luân Công vốn là một môn pháp tu luyện của trường phái Phật gia. Điều cốt lõi, pháp lý cốt lõi nhất trong Pháp Luân Công là luôn luôn phải lấy Chân – Thiện – Nhẫn; tức là con người ta phải chân thật, thiện lương và nhẫn nại, làm việc gì cũng phải nghĩ đến người khác. Bởi vì sao? Bởi vì nó có luật nhân quả. Luật nhân quả thì ngày nay khoa học cũng đã thừa nhận rồi. Người ta làm việc gì cũng đều phải chịu trách nhiệm cho việc của mình làm. Thực ra nghĩ cho người khác cũng chính là nghĩ cho chính mình.”
Những người tập Pháp Luân Công cũng cho biết, môn tu luyện này cũng có những giáo lý và nguyên tắc yêu cầu người tu luyện phải chiểu theo để hành xử trong cuộc sống. Bà Thái khẳng định: “Pháp Luân Công là một môn tu luyện cả tâm và thân con người, là môn tu luyện làm cho con người ta tốt rồi thì tốt nữa, tốt nữa, và những người xấu thì trở thành người tốt. Tu luyện Chân Thiện Nhẫn [là] làm sao một người tu luyện hướng mình sống chân, sống lương thiện và nhẫn nại. Tôi nghĩ rằng là tất cả mọi người trên thế giới đều mong muốn mình trở thành người sống chân, thiện và nhẫn như thế.”
Bài viết kể về trải nghiệm của TS.BS Lê Thị Thanh Thái, trên báo Khoa học & Đời sống ngày 15/7/2016 sau khi tập Pháp Luân Công.
Anh Võ Chí Nhân, Nhân viên của một Quỹ đầu tư mạo hiểm, sống tại Tokyo, Nhật Bản cũng đã theo tập Pháp Luân Công một vài năm. Anh nói: “Những người tu luyện Pháp Luân Công phải chiểu theo những yêu cầu về tâm tính rất nghiêm ngặt. Theo cuốn Chuyển Pháp Luân tổng quát thì là theo yêu cầu Chân Thiện Nhẫn. Về mặt chi tiết thì có rất nhiều những yêu cầu như là không được sát sinh, không được uống rượu, hút thuốc. Bản thân tôi thì từ sau khi tu tập đã bỏ hẳn không uống rượu và không hút thuốc. Ngoài ra thì còn rất nhiều yêu cầu về tâm tính khác. Chúng tôi ngay trong cuộc sống bình thường đang hàng ngày rèn luyện bản thân mình để trở thành người tốt hơn. Và hoàn cảnh cuộc sống bình thường chính là môi trường để chúng tôi tu luyện.”
Theo thông tin từ trang web chính thức của Pháp Luân Công, Minghui.org, môn tập luyện này đã có mặt ở khoảng gần 100 quốc gia trên thế giới.
Pháp Luân Công có thực sự được chào đón ở nhiều quốc gia trên thế giới?
Trong cuộc phỏng vấn với Trí Thức Việt Nam, bà Thái đã kể: “Tôi vừa đi Mỹ về, dự Pháp hội tại New York. Bên lề của Pháp hội thì chúng tôi còn đi diễu hành, ngồi thỉnh nguyện trước Đại sứ quán Trung Quốc, hay buổi tối ngồi thắp nến tưởng nhớ người tu luyện Pháp Luân Công đã bị sát hại tại Trung Quốc. Tất cả những hoạt động đó làm cho con người ta gắn kết với nhau. Làm cho con người ta hiểu biết về vẻ đẹp của Pháp Luân Công, và hiểu biết về thế nào là người tu luyện Pháp Luân Công.”
Khoảng 10.000 người tập Pháp Luân Công từ khắp nơi trên thế giới tham gia một cuộc diễu hành lớn dọc theo đường 42, Manhattan, New York (Mỹ), ngày 16/5/2019. (Ảnh: en.minghui.org)
Người tập Pháp Luân tại Hàn Quốc tham gia diễu hành. (Ảnh: minghui.org)
Bà Thái còn nói tiếp: “Khi chúng tôi đi diễu hành thì tất cả đã có sự tổ chức từ trước. Công an [cảnh sát – chú thích] đã tổ chức các con đường mà trên đó chúng tôi đi diễu hành, đều có những xe công an đỗ đầu sẵn ở trên cả dọc đường chúng tôi đi. Và đi đâu thì các anh công an đứng bên lề đường đều vẫy chào và đều đối với chúng tôi rất thân thiện. Bất kể việc gì, đòi hỏi gì đều được họ đáp ứng một cách nhiệt tình và rất cởi mở bằng cả tấm lòng. Tôi thấy thực sự rất ngưỡng mộ.”
Anh Nhân cho hay “ở Tokyo có rất nhiều người cũng đang tập Pháp Luân Công. Tại thành phố này có gần 20 điểm luyện công. Buổi sáng chủ nhật chúng tôi thường đến luyện công cùng với những người Trung Quốc và Nhật Bản tại công viên Ueno nằm tại phía đông thành phố.” Anh cho biết thêm: “Tại Tokyo, hàng năm mọi người thường tổ chức các buổi diễu hành để giới thiệu vẻ đẹp của Pháp Luân Công. Năm ngoái, vào ngày kỷ niệm Pháp Luân Đại Pháp Thế giới (13/5), tôi có tham gia một buổi diễu hành của những người tập Pháp Luân Công tại Tokyo. Buổi diễu hành có cả người Nhật Bản, người Trung Quốc và người Việt Nam tham gia.”
Anh Võ Chí Nhân và vợ, chị Vũ Thị Hảo (thứ 2 và 3 từ phải sang, hàng đầu) tại Tokyo, Nhật Bản trong một sự kiện diễu hành kỷ niệm ngày 13/5. (Ảnh: NVCC)
Nói thêm về vấn đề này, ông Phong trăn trở: “Riêng tại Trung Quốc, như các bạn biết rồi, chính quyền Trung Quốc dựng chuyện vu khống lấy cớ đàn áp Pháp Luân Công. Ví dụ các bạn có thể tìm hiểu những thông tin về vụ tự thiêu giả ở Thiên An Môn, vu khống cho người tu luyện làm ra vụ tự thiêu đó, chính quyền Trung Quốc tung tin rầm rộ khiến dân chúng rất phẫn nộ. Thông qua đó chính quyền tiến hành đàn áp những người tập Pháp Luân Công rất tàn ác. Tuy nhiên ngay sau đó, đặc biệt là thời gian vừa qua rất nhiều kênh thông tin đã phân tích và thấy được rằng đó chính là vụ tự thiêu giả do chính quyền dàn dựng lên, để lấy cớ đàn áp.”
>> 10 sự kiện đáng chú ý về Pháp Luân Công năm 2017
Khi hỏi thêm về suy nghĩ sau vụ thảm án tại Bình Dương, anh Nhân cho biết: “Theo tôi, hiện giờ các luồng thông tin trên thế giới có rất nhiều. Để biết được thông tin nào là chính xác và thông tin nào là không chính xác thì mọi người cần phải bình tĩnh và khách quan. Ví dụ như với môn Pháp Luân Công, nếu mọi người muốn tìm hiểu thì có thể thử đọc các bài giới thiệu về môn này trên chính trang web của môn đó hoặc mọi người cũng có thể đọc cuốn Chuyển Pháp Luân là cuốn sách chỉ đạo chính của môn này.