Trung Quốc cổ đại đã từng xuất hiện người khổng lồ cao đến 4 mét, có trường hợp thậm chí còn cao hơn. Một số chính sử và văn nhân chính thống đều đã chứng thực sự việc này, thậm chí một số tài liệu khảo cổ cũng xác nhận có sự tồn tại của người khổng lồ.
Người khổng lồ được ghi lại trong sách cổ Trung Quốc
“Xuân Thu” là một trong những tác phẩm cổ đại kinh điển của Trung Quốc, trong đó có một kỳ văn liên quan đến người siêu khổng lồ: Năm Văn Công thứ 11, thần xạ thủ Thúc Tôn Đắc Thần tại nước Lỗ đã bắn chết một người khổng lồ tên là Kiều Như, người này cao 3 trượng (gần 10 mét). Thúc Tôn Đắc Thần lấy đầu người khổng lồ này đi tranh công lĩnh thưởng, để đầu ở trên xe, lông mày của người chết còn cao hơn tay vịn của xe.
Khi nói đầu của người khổng lồ để trên xe, lông mày còn cao hơn cả tay vịn, cách nói này rất cụ thể. Chỉ riêng đầu của người này đã gần bằng chiều cao của một người trưởng thành, đây quả là một người siêu khổng lồ.
Trong “Hán thư” có ghi chép, năm thứ 26 thời Tần Thủy Hoàng, có những người khổng lồ cao 5 trượng (hơn 16 mét), đi giày dài 6 thước (gần 2 mét), mặc đồ Di Địch, tổng cộng có 12 người, xuất hiện ở huyện Lâm Thao.
Ông trời dường như muốn cảnh cáo rằng không nên xâm chiếm Di Địch, nếu không sẽ phải gặp tai họa. Trong năm đó, nước Tần vừa chiếm đoạt được 6 nước, cho rằng đó là dấu hiệu của cát tường, tiêu hủy binh khí trên khắp thiên hạ, làm 12 tượng đồng biểu tượng cho điềm lành.
Những người siêu khổng lồ này, có người cao 3 trượng, có người cao 5 trượng, khiến mọi người rất khó tin được.
Tin đồn về những người khổng lồ cổ đại thường được thấy nhiều trong “Sơn Hải kinh”, “Bác Vật Chí”, “Sưu Thần Ký” và “Thập Di Ký”, do đó đây cũng không phải điều lạ lùng gì. Trong “Dậu Tiều Dã Kỷ” cũng có ghi chép lại một cách sinh động về hoàn cảnh gặp được người khổng lồ:
Vào năm Thành Hoá thứ 17 thời Minh Hiến Tông (1481 SCN), một số binh sĩ đã phụng mệnh đến đảo Sùng Minh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ đi thuyền trở về. Bởi vì gặp gió bão trên đường, thuyền bị gió thổi đến một đảo nhỏ bên cạnh. Các binh sĩ lên bờ sửa chữa, chỉ thấy trên đảo rừng núi sâu thăm thẳm.
Lúc này bỗng nhiên có một người khổng lồ chạy ra từ trong rừng, lao thẳng vào đám binh sĩ. Dáng của người khổng lồ đó rất cao, dường như gấp mấy lần người bình thường, da khá đen, gương mặt trông dữ tợn đáng sợ. Sau khi người khổng lồ bắt được các binh sĩ, hắn dùng nhánh dây buộc chặt tay và trói họ trên cây, sau đó rời đi.
Các binh sĩ thấy người khổng lồ đi rồi, họ cố gắng làm đứt nhánh dây, cuống quýt trốn lên thuyền. Vừa định mở neo chèo thuyền, lại thấy một vài người khổng lồ ngồi ở trên bờ, tay víu lấy mạn thuyền, không cho họ chèo thuyền đi.
Lúc đó có một vị binh sĩ dũng cảm, thấy tình thế nguy cấp liền vội cầm đao đến, chặt đứt ngón tay của một người khổng lồ trong số đó, lúc ấy thuyền mới có thể thành công rời khỏi đảo nhỏ.
Sau khi nhặt ngón tay bị chặt đứt đó lên xem, thì phát hiện đó chỉ là một đốt ngón tay thôi. Dùng ‘tiểu xích’ mà đo thì cũng gần 4 thốn. Sau khi các binh sĩ trở về, họ đã dùng nó làm chiến lợi phẩm và tặng cho Huyện lệnh Gia Định.
Chiều dài của một xích trong các triều đại Trung Quốc cổ đại là không giống nhau. Theo ghi chép lịch sử: Tại các khu vực khác nhau thời nhà Minh, chiều dài của xích được sử dụng trong các ngành nghề cũng không giống nhau, chiều dài một xích thời Minh là từ 24 cm đến 33 cm.
“Tiểu xích” được đề cập đến trong văn bản ghi chép có thể là để chỉ độ dài 24 cm, nếu tính như vậy, 4 thốn của tiểu xích cũng khoảng 9,6 cm. Trong khi chiều dài đốt ngón tay của một người bình thường không hơn 3 cm. Nếu như vậy, người khổng lồ này cao gấp khoảng 3 lần so với người bình thường, tức là cao khoảng 5 mét.
Người khổng lồ được phát hiện ở phương Tây
Nghe nói từ đầu thế kỷ 16, Ferdinand Magellan – Nhà hàng hải người Bồ Đào Nha nổi tiếng, trong một chuyến đi vòng quanh trái đất đã vô tình phát hiện ra người Anh-điêng “cao bằng 8 người bình thường” đang nhảy múa ven bờ biển châu Mỹ. Giả sử nếu 1,65 mét là chiều cao tương đối của một người bình thường, thì những người đang nhảy nhót này cao ít nhất là 13 mét. Ông Magellan có thể đã phóng đại, nhưng có thể đúng là ông đã nhìn thấy những người khổng lồ.
Vào cuối thế kỷ 19, một học giả phương Tây cũng phát biểu với truyền thông về trải nghiệm của mình khi khám phá tộc người khổng lồ trong rừng rậm tại bán đảo Malaysia. Ông nói: “Những người khổng lồ này đều cao khoảng 3 đến 4 mét. Người bình thường không thể di chuyển nổi chiếc giường gỗ mà họ nằm.”
Trên đỉnh Adam ở Sri Lanka có dấu chân của người khổng lồ dài 1,5 mét và rộng 0,8 mét. Các tín đồ Phật giáo, Ấn Độ giáo và Đạo Hồi ở địa phương đều coi đó là “vết tích của Thần”. Họ đã không ngại khổ cực leo lên đỉnh núi quỳ bái dấu chân đó. Dấu chân lớn như thế, không khó để tưởng tượng ra được chiều cao của họ.
Vào ngày 8/10/1921, “Thời báo Thịnh Kinh” của Thẩm Dương đã xuất hiện một hiện tượng hiếm gặp, được ví như “Văn chương cao quý khó ai bì kịp”. Nguyên nhân là vì tờ báo đã đưa một tin tức cực kỳ chấn động:
Vài ngày trước, vùng Đại Minh, Tây Thành, Bắc Kinh đang tiến hành tái thiết đường quốc lộ, đào mương thoát nước, dưới chân tường của một nhà dân số 40, nhân viên thi công đã đào thấy 8 bộ xương khổng lồ, mỗi bộ dài hơn 8 thước, đầu lớn như trâu. Chỉ riêng bộ xương đã dài hơn 8 thước, chiều cao thực tế của những người này chắc là khoảng 3 mét.
Đồng thời còn đào được đến 8 bộ hài cốt của người khổng lồ chỉ trong một lần, lẽ nào trên trái đất thực sự có tồn tại một tộc người cao lớn như vậy? Lẽ nào vùng Tây Thành, Bắc Kinh là nghĩa trang công cộng của họ sao?
Vào cuối những năm 70 của thế kỷ 20, một nhóm các nhà thám hiểm cũng tuyên bố với thế giới: Dưới sự dẫn đường của người Anh-điêng tại Peru, họ đã gặp phải một nhóm người khổng lồ, lưng gù, tóc đỏ ở khu vực thượng lưu Amazon.
Một đoàn thám hiểm Thụy Điển tuyên bố rằng họ đã phát hiện ra tàn tích của một thành phố nhiệt đới ở Nam Cực. Kể rằng, vào mùa hè năm 1993, một trận động đất đã làm rung chuyển dữ dội toàn bộ Nam Cực, một dòng sông băng lớn ở phía Tây đột nhiên vỡ tan. Sau đó, đoàn thám hiểm cuối cùng đã phát hiện ra một thành phố bí ẩn, núp sau dòng sông băng.
Các tàn tích của thành phố này phần lớn được bao phủ bởi tuyết và băng, từng tòa nhà chọc trời, một số có hình Kim tự tháp; một số lại giống như hình trụ, vách tường mỏng mà kiên cố, không có chất cách điện. Ngoài ra, đặc điểm lớn nhất của những tòa nhà cao lớn này là không có cửa, có những lối vào hình móng ngựa cao khoảng 6 mét.
Các cuộc khảo nghiệm thông qua nhiều phương pháp khác nhau của các nhà khoa học cho thấy: Thành phố này có khoảng 30.000 năm lịch sử, là một nơi cư trú đặc biệt của con người. Từ lối ra vào to lớn có thể suy đoán: Chiều cao của cư dân trong các tòa nhà đặc biệt này có thể là khoảng 3,6 đến 4,2 mét.
Tóm lại, trên Trái Đất quả thực đã từng tồn tại loại người siêu khổng lồ, nhưng là loại người như thế nào? Sao họ lại biến mất? Đặc biệt khi mà đoàn thám hiểm Thụy Điển phát hiện ra tàn tích của thành phố nhiệt đới ở Nam Cực nói trên, lại càng tăng thêm một lớp sương mù dày đặc cho câu hỏi không thể giải thích nổi này.
Theo các khoa học gia hiện đại, lịch sử ghi chép về loài người trên trái đất không quá 5000 năm. Nếu không kể đến giai đoạn sống du mục, thì lịch sử xây dựng kiến trúc thành phố của con người thậm chí còn ngắn ngủi hơn.
Tuy nhiên, thành phố phồn hoa nơi mà người siêu khổng lồ định cư, đã được xây dựng ở Nam Cực cách đây 30.000 năm. Đây lại là kiệt tác của nhóm người nào? Sao họ lại muốn từ bỏ nơi này và họ đã đi đâu?
Thảo Nguyên (Theo Secretchina)
Đăng theo Tinh Hoa